NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng: Bay cùng những giấc mơ…

GD&TĐ - Giữa những ngày sông Hồng cuộn đỏ, NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng - bỏ lại cõi tạm để bay cùng những giấc mơ của bao tươi mới, độc lạ.

NSND Thu Huyền tập cùng NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
NSND Thu Huyền tập cùng NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng.

Giữa những ngày sông Hồng cuộn đỏ, người nghệ sĩ ấy - NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng - bỏ lại cõi tạm để bay cùng những giấc mơ của bao tươi mới, độc lạ ông dành cả cuộc đời mê mải, không chỉ với hội họa mà cả với sân khấu lộng lẫy!

“Vẽ là mạch sống!”

Sự ra đi của NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng khi mới ở tuổi 68 để lại biết bao luyến tiếc, cảm thương đối với bất kỳ ai, kể cả chỉ là đôi lần được gặp gỡ, nhưng không quá bất ngờ. Cũng bởi, mọi người đều biết ông đã có những tháng ngày bền bỉ chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác và giành chiến thắng trong 10 năm để hăng say sống rồi tận hiến cho nghệ thuật.

Đó là một Hoàng Hà Tùng vẫn không ngừng say mê bên giá vẽ, vẽ chân dung đồng đội, vẽ những người nông dân Việt Nam và Hà Lan, vẽ Hà Nội cùng Kampen (tỉnh Overijssel) rồi mang đến Hà Lan triển lãm.

Hay, để “dằn mặt” đám trộm lấy cắp nhiều tác phẩm quý, ông mở triển lãm “Hồi sinh” ngay tại xưởng vẽ nơi quê nhà nằm dưới chân núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) và mời bạn bè ghé chơi và ngạc nhiên trước sự lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của Tùng Điên (cách gọi của mọi người vì quý mến cái sự ngông nhưng rất chân tình, ấm áp của ông). Và đương nhiên, sẽ vẫn tiếp tục là những đứa con tinh thần luôn mang khác biệt không dễ ưa gây… “tranh cãi”.

NSND hoa si hoang ha tung bay cung nhung giac mo (4).jpg
NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng. Ảnh: Facebook Nguyệt Hà

Người không mê cá tính ấy thì kêu Hoàng Hà Tùng “chỉ như cậu bé mới tập tành vẽ vời”. Người mê thì tấm tắc bình luận: “Tôi vốn thích tranh sơn mài Tùng Điên vẽ, bởi vẻ nguệch ngoạc đầy cố ý, và chiều sâu ở cả những mảng “bẹt” nhất, thí dụ ở bức “Nhà thờ Lớn”, “Phố hồ Hoàn Kiếm”, “Ô Quan Chưởng”, “Chân dung nữ nghệ sĩ múa” cổ cao như cuống sen…”.

Rồi thì những thẩm thấu: “Gần đây, họa sĩ Tùng Điên lại vẽ theo đơn đặt hàng, một loạt tranh phố Hà Nội, bột màu trên giấy gió, phong cách mơ màng, không giống hắn thông thường, nhưng lại vẫn là hắn đấy. Có vẻ như cái góc dịu dàng vốn cất kỹ bấy lâu của hắn nay được phơi lên tranh, mong manh đến lạ.

Những góc phố Hà Nội thân quen rực màu nắng non của những ngày đầu Hạ. Lớp lớp ngói nâu náu dưới những vòm cây xanh mướt mượt; Một chút xôn xao đời sống đâu đó; Và nỗi nuối tiếc mơ hồ loang trên tường vôi, trên ngói cũ, trên lá mới, trên những gốc cây già…”, như nhà thơ Nguyễn Bảo Chân viết về Hoàng Hà Tùng.

Hay Giáo sư Nora Taylor (Viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ) ghi lại cảm nhận trong cuốn sách “Artist Hoang Ha Tung”: “Xem tranh của Tùng giống như nghe kể chuyện, nghe hát hoặc đi xem kịch”. Chỉ một dòng thế thôi nhưng rất đầy đủ về tay cọ sinh ra là để vẽ này.

Với một nghệ sĩ coi vẽ là mạch nguồn của sự sống và nạp nguồn năng lượng mới từ mỗi khối hình thì dù ở trong hoàn cảnh nào, kể cả đang phải chiến đấu với bạo bệnh, ông cứ thế mà vung cọ để “còn khỏe còn làm, mà càng làm càng khỏe” chứ nào màng đến những khen chê.

Giữa dòng trập trùng ấy, ông vẫn một mực giữ vững nguyên tắc lao động nghệ thuật của mình: “Có bao nhiêu biến cố trên đời này xảy ra, có bao nhiêu sóng gió đổ vào đầu, tôi vẫn sống, vẫn làm việc. Tôi vẫn phải vẽ, vẽ là mạch sống của tôi”.

“Tới bến” với dòng sông đỏ

Hơn thế nữa, ai cũng thấy ở ông còn là một Hoàng Hà Tùng cháy bỏng với sân khấu. Niềm cháy bỏng này không chỉ ở vai trò quen thuộc – thiết kế mỹ thật cho vở diễn của các nhà hát như đạo diễn Lê Hoàng tinh tế đưa ra nhận diện rất chính xác về phong cách của họa sĩ này khi màn nhung đỏ thắm mở ra: “Mở màn ra, nếu cái gì như sắp đè chết diễn viên, như đâm vào tim khán giả và như những mảng vỡ được khâu lại với nhau bằng chỉ tơ tằm thì đó đích thị là trang trí của Hoàng Hà Tùng”.

NSND hoa si hoang ha tung bay cung nhung giac mo (1).JPG
NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng chăm chút cho diễn viên trên sàn tập vở 'Chuyện của dòng sông đỏ'.

Nhưng Hoàng Hà Tùng còn có niềm cháy bỏng ở vai trò khác - một tác giả và tổng đạo diễn chính danh. Thực ra, ông từng đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật song đều không đứng tên. Phải đến “Chuyện của dòng sông đỏ” được trình làng cách đây 7 năm trong những ngày nắng vàng rực rỡ, mới là vở diễn đầu tiên và cũng là cuối cùng ông đề tên để chơi… “tới bến”.

Năm đó - 2017, ông đang là bệnh nhân điều trị ung thư được 3 năm. Có thể thuốc uống thay cơm nhưng ở sàn tập, nhìn cái vẻ bề ngoài vẫn xúng xính quần yếm hoa, đội mũ gắn sao lấp lánh rồi cứ thoắt bên nọ tới bên kia thị phạm diễn xuất cho nghệ sĩ thì thực là thật khó tin người đó đang mang trọng bệnh.

Chỉ có giọng nói vốn sang sảng là đục khàn nhưng cũng chỉ bởi quá say sưa với “Chuyện của dòng sông đỏ”. Này nhé, ông muốn đem đến cho khán giả một vở operetta (nhạc kịch) hiện đại mà truyền thống, trong đó, yếu tố hiện đại (các ca khúc, bản nhạc mới ông dày công đặt hàng nhạc sĩ nổi tiếng) lại được truyền thống dẫn dắt (từ nhân vật hề chèo tổng quản với những làn điệu, trình thức chèo cổ).

Rồi thì, một không gian biểu diễn lung linh sắc đỏ được tái hiện trên sân khấu của Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội - cái sắc màu mà Hoàng Hà Tùng đã rất thành công trong hội họa. Thêm nữa, các nhân vật như bước từ cổ tích tới với những vua, hoàng hậu, hoàng tử, phi tần… nhưng câu chuyện được kể ở đây lại không hề xưa cũ.

Trong không gian đầy ẩn dụ ấy, từ những luận bàn bằng âm nhạc đầy sôi nổi, chủ trò muốn đặt ra câu hỏi thuộc về bất cứ ai, khi nào, thời nào: “Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui?...”

Nếu như, với hội họa là quá trình sáng tạo thuộc về cá nhân thì với sân khấu thuộc về cả ê kíp từ tác giả đến đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên... Vậy nên, từ một kịch bản đau đáu trong đầu tới 5 năm trời cùng những ý tưởng làm thế nào để đem đến cho nó đời sống mới trên sàn diễn, lần này họa sĩ nhiều trò Hoàng Hà Tùng còn phải vượt qua “cửa ải” làm thể nào truyền được cho nghệ sĩ niềm hứng thú với “Chuyện của dòng sông đỏ” từ đó thổi bùng sức thăng hoa, sáng tạo.

Và ông có cái cách truyền cảm hứng rất khác lạ, đi từ rủ rỉ chia sẻ ý đồ cho mỗi vai diễn không phải trên sàn tập mà bên tách café đến “cú hích” của niềm tin khi sẵn sàng mở toang đất diễn cho nghệ sĩ tự do sáng tạo và lựa chọn phương án tối ưu nhất từ góc nhìn của mỗi người lúc được hóa thân vào nhân vật.

Tổng đạo diễn ấy đã “dễ dãi” nói với nghệ sĩ thế này: “Tôi thích sự ngẫu nhiên và những nét duyên sân khấu. Bởi vậy, tôi không gò ép các bạn vào khuôn mẫu mà chỉ đưa ra ý đồ để mọi người thể hiện theo cách tự bản thân thấy là hay nhất…”.

NSND hoa si hoang ha tung bay cung nhung giac mo (2).jpg
NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng (trái) chụp hình kỷ niệm trên sàn tập cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường (phải).

Thực ra, đó là sự trân trọng tự do sáng tạo cá nhân mà ông luôn thực hành một cách triệt để ở hội họa và gặt hái được không ít thành công. Chẳng thế mà những bức tranh dưới nét cọ của Hoàng Hà Tùng phải nói là luôn dị trong tổng hòa với cái thân thuộc và được nhiều nhà sưu tập quan tâm, đặt hàng.

Nhờ đó mà ông không chỉ sống được bằng nghề mà còn đủ khả năng lấy vốn đó trang trải cho những cuộc chơi nghệ thuật “tới bến” lên tới vài tỉ như khi làm vở “Chuyện của dòng sông đỏ” này. Vậy nên, ông khéo léo thúc đẩy ê kíp thể hiện cá tính qua những thử thách mới mẻ.

Như nghệ sĩ nổi danh làng chèo Thu Huyền vốn ngọt ngào trong bao vai đào thương hay quyến rũ khi là Thị Mầu thì giờ được Hoàng Hà Tùng yêu cầu hóa thân thành hề tổng quản dẫn dắt câu chuyện dài hơn một trăm phút bằng các làn điệu chèo đầy sôi động.

Các ca sĩ Tùng Dương, Khánh Linh, Minh Thu không chỉ khoe giọng hát mà còn phải hóa thân vào vai diễn có đủ cảm xúc vui – buồn, giận hờn… Thậm chí NSND Công Nhạc dù đã rất thành danh với vai trò là biên đạo múa dân gian thì cũng được thử sức trong bài toán giao hòa giữa múa dân gian với đương đại và do… sinh viên năm cuối thể hiện.

Đem thắc mắc, vì sao ông lại “cắc cớ” với cả sân khấu như thế để rồi nhận được câu trả lời hiển hiện sẵn trong cả cuộc đời lao động nghệ thuật của ông: “Tôi muốn chương trình của mình thực sự khác lạ được nhen từ cái ham những gì tươi mới trong câu hát, phá cách trong diễn xuất; sự say mê những vũ điệu tinh khôi, trong trẻo mà tươi mát… Với tôi như thế mới là sáng tạo nghệ thuật”.

Ban đầu ông tính công diễn “Chuyện của dòng sông đỏ” hai buổi nhưng sau chỉ còn một đêm. Chuyện là: Chẳng những “ngông” trong sáng tạo nghệ thuật mà ông cũng “ngông” khi bán hàng - không phát vé mời và chỉ biểu diễn nếu khán giả lấp đầy khán phòng. Buổi thứ hai không đạt được mục tiêu đó, Hoàng Hà Tùng liền dừng cuộc chơi với sân khấu và trở về bên hội họa cho đến tận những ngày tháng cuối cùng neo trên bến trần gian.

Vậy là, ông đã tạm biệt cõi tạm để bay cùng những giấc mơ của đam mê với hội họa với sân khấu. Chắc chắn rằng, ở miền xa thẳm ấy, ông sẽ tiếp tục khác lạ, độc đáo và không quên tổ chức những cuộc chơi “tới bến” miễn sao được dâng hiến cho nghệ thuật, cho cuộc đời…

“Anh Hoàng Hà Tùng với gia đình tôi là những người bạn lâu năm. Anh bị ốm từ lâu rồi nhưng là người rất kiên cường chống chọi lại với bệnh tật. Gần đây, anh ấy có điện thoại cho anh Tấn Minh nói đang ốm lắm, chúng tôi chưa kịp sang thăm thì anh đã đi, thật là rất buồn và tiếc!.

Trong giới hay gọi Hoàng Hà Tùng là Tùng Điên vì anh ấy là người hết sức say nghề không phải chỉ về mỹ thuật mà với tất cả những gì anh ấy muốn làm; là một người vô cùng nhiệt huyết đến mức người ta bảo là điên. Đến khi anh dàn dựng “Chuyện của dòng sông đỏ”, tôi cũng được mời làm vai diễn dẫn dắt của vở. Có thể nói, làm việc cùng anh tôi thấy anh rất say sưa và có sự sáng tạo rất hay, rất hấp dẫn, trân trọng, tôn trọng sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Vai hề dẫn chuyện cho vở nhạc kịch, kết nối câu chuyện đó, anh đưa ra ý tưởng và để tôi thỏa sức sáng tạo vai diễn của mình. Tôi nghĩ, những người tài năng bao giờ cũng phải có cái khác người như vậy, phải có những cái mạnh mẽ như vậy thì họ mới sáng tạo được những tác phẩm để đời.

Anh Hoàng Hà Tùng mất đi là sự mất mát rất lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà”.

NSND Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ tướng Nga, Mikhail Mishustin.

Moscow công bố danh sách nóng

GD&TĐ -Nga đã liệt kê 47 quốc gia có thái độ phá hoại trái ngược với các giá trị của Nga, mở đường cho công dân các nước này xin tị nạn ở Nga nếu họ muốn.