Người hoạt động nghệ thuật thường trẻ hơn tuổi. Hương Dung không là ngoại lệ. Gặp bà ngoài đời, khó có thể tin người phụ nữ từng trải qua nhiều vất vả lo âu ấy đã gần 70. Từ dáng đi đến giọng nói nét cười ở Hương Dung luôn toát lên vẻ trẻ trung, tươi tắn, khiến cho thời gian cũng phải ngại ngần.
Cô văn công tài sắc
NSND Hương Dung sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, từ nhỏ đã đam mê diễn xuất, thích học theo các cô văn công về làng biểu diễn.
Theo lời bà kể, ở tuổi 13, bà giấu gia đình đi thi tuyển diễn viên nhưng rồi cũng không được cha mẹ đồng ý cho theo nghiệp diễn. Nhập ngũ năm 1975, nhờ nhan sắc và năng khiếu trời cho, cô bộ đội trẻ tích cực hoạt động nghệ thuật, tham gia biểu diễn các tiểu phẩm, hội diễn trong quân đội.
Thêm một vài lần thay đổi công việc, định hướng ngành nghề, nghiệp diễn vẫn cứ theo đuổi như duyên nợ. Song cũng phải đến năm 1985, cơ hội mới thực sự đến với Hương Dung. Đoàn Nghệ thuật Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ) được thành lập, đầu tư dựng vở “Nữ ký giả” để tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Thời điểm đó, Hương Dung đang công tác ở Đoàn Nghệ thuật Công an Hải Phòng, được giới thiệu lên Hà Nội, là một trong những ứng cử viên cho vai nữ chính Hà Thu – một vai diễn với yêu cầu khắt khe về ngoại hình, đài từ và diễn xuất.
Ngoài Hương Dung còn nhiều ứng viên khác. Một không khí sôi nổi và trang nghiêm bao trùm. Ai cũng hiểu, ở lần đầu “ra quân”, lãnh đạo Đoàn mong muốn đầu tư cho vở diễn để có một màn “debut” ấn tượng.
Có thể nói, trước thời điểm này, Hương Dung chỉ là một cô diễn viên bình thường, gần 30 tuổi chưa từng sở hữu vai diễn như mong muốn. Cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với thử thách lớn. Song Hương Dung đã đối diện, đã vượt qua một cách tự nhiên, như không hề áp lực, như thể chờ đợi điều này từ lâu.
Vai nữ chính đầu tiên trong cuộc đời diễn viên đem về cho bà Huy chương Vàng, vượt cả sự mong đợi của bản thân và đồng nghiệp. Tiếp theo đó là những đêm kịch cháy vé, sự hưởng ứng tương tác nồng nhiệt của khán giả. Bà kể, năm đó nhiều người đặt tên con là Hà Thu, và nhiều người cũng đặt may cho mình bộ ký giả giống như nữ chính Hà Thu mặc trên sân khấu.
Với vai diễn này, Hương Dung chính thức được nhận vào biên chế Đoàn Nghệ thuật Bộ Nội vụ (Tiền thân của Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân sau này). Cũng từ đây, bà liên tục đóng vai chính, gặt hái được một số Huy chương Vàng ở các hội diễn, liên hoan sân khấu.
Bà cũng cộng tác với nhiều đơn vị, mở rộng phạm vi hoạt động nghệ thuật, không chỉ đóng kịch mà còn đóng phim, tham gia diễn xuất ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia lồng tiếng cho nhiều bộ phim. Và trong sâu thẳm, bà biết ơn vai diễn đầu tiên, biết ơn những người đã gặp, biết ơn những cơ hội không lặp lại lần thứ hai trong đời.
Đằm chín với nghề
Thời điểm rời Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân (1993), lòng Hương Dung day dứt, tiếc nuối. Gần 10 năm gắn bó với nơi này cũng là thời điểm rực rỡ của sân khấu. Đoàn đã trao cho bà rất nhiều cơ hội, là bệ đỡ để tài năng của bà được khai mở, tỏa sáng.
Song hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, chồng là diễn viên trong quân đội thường xuyên vắng nhà, hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học, lại “lỡ kế hoạch” thêm một cậu ấm.
Hương Dung mong muốn được cải thiện kinh tế gia đình, chăm sóc các con tốt hơn. Vì vậy, bà nộp đơn xin nghỉ hưu sớm, gộp cả thời gian công tác trong quân đội và công an là đủ tuổi nghỉ theo chế độ 176 lúc bấy giờ.
Gọi là nghỉ hưu, nhưng với Hương Dung đó là thời điểm đằm chín của nghề và nghiệp, cũng là đằm chín của một nhan sắc phụ nữ. Cơ hội hợp tác với bên ngoài rất nhiều, song cũng cần phải bươn chải rất nhiều. Hương Dung tự khám phá, tự học hỏi đào tạo cho chính mình, làm đủ việc, đủ vị trí: Diễn viên, lồng tiếng, biên kịch, trợ lý, đạo diễn, tổ chức sản xuất…
Từ bỡ ngỡ đến thạo việc, từ chỗ bị “chỉ đạo” đến chỗ “đi chỉ đạo”, từ chỗ tự học đến thành thày dạy, Hương Dung đa màu sắc, và biến hóa, thích ứng vô cùng linh hoạt. Từ phòng thu, trường quay đến sân khấu nhỏ, từ lớp kèm cặp diễn xuất ở nhà đến giảng đường đại học, đâu cần là có Hương Dung. Thậm chí khi Hương Dung cần, thì quán cà phê, quán bán đồ ăn cũng là không gian “khởi nghiệp” để trang trải cuộc sống, vun vén cho gia đình.
Thú vị là thế và cũng vất vả là thế song Hương Dung thật sự hạnh phúc vì vẫn theo nghề, sống được với nghề. Bà là một trong số ít diễn viên Việt Nam đi lên bằng thực lực mà lại không qua trường lớp đào tạo chính quy, cũng không có bệ đỡ hay sự bảo trợ từ người nổi tiếng.
Bí quyết của Hương Dung là cứ hết lòng với công việc, bất kể việc gì, miễn đó là những công việc lương thiện, những công việc giúp bà gắn bó với nghệ thuật. Bao năm tháng mưu sinh, nếu không có một năng lượng dồi dào, một ngọn lửa đam mê thôi thúc, hẳn người phụ nữ nhan sắc ấy rất có thể đã “bỏ cuộc chơi” để đi tìm một miền đất khác, nhàn nhã hơn, bằng phẳng hơn.
Rời xa sân khấu, các vai diễn trên sóng phát thanh, truyền hình và đặc biệt là các vai diễn lồng tiếng giúp Hương Dung đến gần hơn với khán giả. Chỉ cần nghe giọng đã biết đó là Hương Dung. Chỉ cần cảm nhận âm sắc, ngữ điệu, đã có thể hình dung được các nét biểu cảm của nữ diễn viên.
Bằng trải nghiệm và sự thông minh sắc sảo, Hương Dung đã tự rèn luyện, tích lũy cho mình những vốn liếng sâu sắc liên quan đến đài từ, kỹ thuật nhả chữ, khả năng diễn đạt các sắc thái tình cảm và hành động kịch qua ngôn ngữ.
Bà lại được trời cho một giọng nói trọn trịa, mềm mại và trong sáng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Có ba yếu tố ấy, thành công là điều chắc chắn. Và Hương Dung đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực lồng tiếng, là một diễn viên xuất sắc, một người truyền thụ đầy tâm huyết với lớp trẻ.
Giọng nói, đài từ là điều NSND Hương Dung rất chú trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu, giọng nói chính là hành động ngôn ngữ, góp phần tạo nên hành động kịch. Đài từ cũng quyết định người diễn viên có được lựa chọn vào vai chính hay không, có đủ sức dẫn dắt, làm chủ sân khấu, tạo nên sự bùng nổ của hành động kịch hay không.
Với sân khấu là thế. Còn khi diễn xuất hay lồng tiếng cho phim truyền hình lại khác, gần gũi hơn, tự nhiên hơn. Đặc biệt khi lồng tiếng phim hoạt hình, đó thực sự là miền đất để Hương Dung sáng tạo.
Khi là một giọng trẻ thơ, khi một giọng người cao tuổi, lúc là người mẹ hiền hòa, lúc lại có thể là bà phù thủy ghê gớm. Cả những thanh âm tự nhiên sống động như tiếng gió thổi, tiếng chim hót, tiếng gà kêu… cũng được bà tái hiện trực tiếp, với sự hồn nhiên đáng yêu.
NSND Hương Dung tâm niệm, tiếng nói là một phần của tâm hồn, của nhân cách, trình độ văn hóa; tiếng nói còn là tài sản, là thanh âm, là hồn dân tộc. Hương Dung không chỉ chia sẻ những tâm huyết của mình với các bạn diễn trẻ mà còn vận dụng cả trong các lớp học về giao tiếp, về diễn thuyết ngoài đời.
Đó chính là điều thú vị ở nữ nghệ sĩ này. Vậy nên, bà có nhiều học trò ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Còn với đồng nghiệp, việc gì khó có Hương Dung. Thù lao ít hay nhiều Hương Dung cũng chẳng tính toán thiệt hơn. Miễn là được làm việc, được kết nối, được lan tỏa năng lượng của mình.
Vậy nên, gặp Hương Dung bao giờ cũng cảm nhận một sự tươi trẻ, nồng hậu. Bất kể trong lòng bà có điều không vui, thì cái không vui ấy sẽ được nén lại, nhường cho thái độ, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ.
Việc nào đạo diễn cảm thấy Hương Dung chưa thực hiện được như mong muốn có thể yêu cầu bà làm lại, một lần, hai lần, rất thoải mái vui vẻ. Trong sâu thẳm, Hương Dung luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật.
Một vai diễn lớn với đầy đủ hỉ nộ ái ố vẫn là ước mơ mà bà chưa được chạm tới, chưa được thử sức. Một lần được trở lại sân khấu và bùng cháy với tất cả năng lượng, đam mê cũng là một giấc mơ đẹp đầy tiếc nuối.
Đa tài và đa nghề, được tự do và tung tẩy, thử sức trong nhiều lĩnh vực, song có lẽ đến thời điểm này, điều mà NSND Hương Dung trân trọng nhất, yêu thương nhất và cũng dành nhiều sức lực nhất để vun đắp giữ gìn - đó chính là mái ấm gia đình.
Những đứa con đã đủ lông đủ cánh, có những miền không gian riêng nhưng luôn thấu hiểu sự hy sinh, nhẫn nại của người mẹ. Và dù có những điều chưa được như ý thì bà vẫn luôn cảm ơn cuộc đời này đã đem tới cho bà nhiều cơ hội, tạo cho bà nhiều thử thách, để sau tất cả là những trải nghiệm giàu có phong phú, làm nên một Hương Dung đa màu sắc và cũng đầy an nhiên của hiện tại.
Không qua đào tạo chính quy, lại khá lận đận ở buổi đầu đến với nghệ thuật, nhưng với lòng say mê và sự can đảm, Hương Dung đã tự tìm lối đi cho mình, tự học tự đào tạo bằng nhiều cách khác nhau, mà hiệu quả nhất chính là lắng nghe và biết lắng nghe.
Lắng nghe những người đi trước. Lắng nghe chính mình để hiểu mình đang làm gì. Hiện bà vẫn chăm chỉ học tiếng Anh để được khám phá những tri thức mới mẻ, đồng thời chống lại những nếp nhăn sẽ ngày một hằn thêm nơi vỏ não.
Hương Dung cũng thích trồng hoa, hào hứng khoe thành quả trên trang Facebook cá nhân. Hẳn bà không biết những bông hoa đủ sắc màu ấy luôn thầm thì lời cảm ơn dành cho người phụ nữ đã góp phần dệt thêm sắc và hương cho cuộc đời này.
NSND Hương Dung sinh năm 1956 tại Thái Bình, trưởng thành tại TP Hạ Long - Quảng Ninh, từng nhập ngũ và tham gia biểu diễn trong quân đội. Từ năm 1985 đến năm 1993, bà là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân, sau đó nghỉ hưu, tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực của sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Hương Dung được phong tặng danh hiệu NSUT năm 2010 và danh hiệu NSND năm 2023.