NSND Đức Long: Không được hát là nỗi sợ hãi lớn nhất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghệ sĩ Đức Long được nhớ đến với phong cách lịch lãm, bộ vest phẳng phiu, cặp kính gọng quen thuộc, hát những bản nhạc say đắm bằng giọng ca trầm ấm.

NSND Đức Long. Ảnh: NVCC
NSND Đức Long. Ảnh: NVCC

NSND Đức Long có quan điểm: Mỗi người chọn một cách sống phù hợp. Có người thấy phải có cái nọ, cái kia mới là hạnh phúc, không cô đơn. Còn với ông, xe sang, nhà lầu chỉ là vật ngoài thân.

Những thứ đó chưa bao giờ là cám dỗ, khiến ông cảm thấy phải phấn đấu bằng được để có. Ông chỉ muốn khám phá, đi đến tận cùng của âm nhạc, bởi theo nghệ sĩ, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát.

“Nấc thang mới” cuộc đời

Nghệ sĩ Đức Long được nhớ đến với phong cách lịch lãm bộ vest phẳng phiu, cặp kính gọng quen thuộc, hát lên những bản nhạc say đắm bằng giọng ca trầm ấm. Cùng xuất thân “trai vùng mỏ” như NSND Quang Thọ, nhưng NSND Đức Long vất vả hơn nhiều. Ông sinh năm 1960 ở TP Hạ Long, mồ côi cha mẹ từ khi 8 tuổi và từng làm đủ mọi nghề để sống và có tiền ăn học: Đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác...

Sau này, Đức Long làm công nhân Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai và bắt đầu tham gia các hoạt động âm nhạc quần chúng của tỉnh Quảng Ninh. Để theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, Đức Long đăng ký học chuyên ngành thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Cuộc sống buồn vui sướng khổ đều gắn với âm nhạc.

“Sau khi giành giải Nhất cuộc thi Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn Quốc năm 1980 với bài hát ‘Chiều Hạ Long’, tôi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Đến năm 1982, tôi được Đoàn nghệ thuật Quân chủng Phòng không Không quân mời về.

Chính nấc thang này cho tôi một cuộc sống mới, cuộc sống mà dù có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến. Đó là được trở thành ca sĩ. Bởi chính môi trường đó đã trui rèn cho tôi những phẩm chất của một người lính hát, ấy là sự tận tâm, là hy sinh, nhiệt huyết.

Dù có đi bất cứ nơi đâu, hát ở sân khấu nào chúng tôi cũng rút ruột như ‘con tằm nhả tơ’ để được phục vụ khán giả, nhất là những người lính”, nghệ sĩ Đức Long chia sẻ.

Không chỉ là ca sĩ biểu diễn trên sân khấu, nghệ sĩ Đức Long còn tham gia công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông từng đào tạo nhiều thế hệ học trò như Tùng Dương, Minh Thu, Hiền Anh…

“Sau khi tham gia học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi được giữ lại làm trợ giảng rồi giảng viên thanh nhạc. Suốt chặng hành trình đó, ngoài ca hát lưu diễn, một phần quan trọng trong đời sống của tôi là ươm mầm và chắp cánh cho những tài năng âm nhạc.

Trong quá trình dạy học, tôi luôn tâm niệm dạy nhạc cũng như dạy chữ, trước hết phải bồi dưỡng về tâm hồn, nhân cách, sau đó mới đến tài năng. Vì thế, đa số những học sinh mà tôi giảng dạy, các em đều có cách cảm thụ âm nhạc rất cá tính, đầy màu sắc riêng biệt nhưng rất nhân văn, rất giàu cảm xúc. Vì đó, khi hát các em chạm đến trái tim người nghe”, nghệ sĩ Đức Long cho biết.

NSND Đức Long dạy hát cho một người em để người này hát tặng con trai trong ngày cưới. Ảnh: NVCC

NSND Đức Long dạy hát cho một người em để người này hát tặng con trai trong ngày cưới. Ảnh: NVCC

Truyền được tình yêu và sự đam mê

Ở vị trí người thầy, NSND Đức Long tâm sự, dạy thanh nhạc thì phải truyền được tình yêu và sự đam mê thực sự cho các học trò. Điều quan trọng là phải làm sao để khi ra trường các em có thể làm nghề thật tốt, tự tin trong vai trò một nghệ sĩ.

Mặc dù luôn khuyến khích, động viên học trò nhưng với những học trò không có năng khiếu, ông cũng thẳng thắn khuyên họ theo nghề khác. Ông quan niệm, nghề này nếu không có năng khiếu thì có khổ luyện cũng không thể thành tài. “Chắc bởi sự chân thành, thẳng thắn đầy trách nhiệm đó mà học trò yêu quý, tin tưởng tôi chăng?”, nam nghệ sĩ tự hào về các thế hệ học trò của ông.

Với những cống hiến cho âm nhạc nước nhà, mới đây, nghệ sĩ Đức Long đã nhận danh hiệu NSND ở tuổi 65.

“Người nghệ sĩ nào cũng mong có được những sự ghi nhận đúng nghĩa dù anh có tự tin đến bao nhiêu. Và để có được sự vinh danh này, người nghệ sĩ phải lao động và cống hiến một cách chỉn chu, nhiệt tâm nhất. Tôi luôn tự hào rằng tôi được biểu diễn bằng xúc cảm và sự nghiêm túc làm nghề, không màng đến danh vọng.

Thế nhưng, trong hành trình đó tôi có sự may mắn là được hội đồng nghệ thuật ghi nhận. Họ đã vinh danh tôi bằng những Huy chương Vàng, Bạc ở các hội diễn, để tôi được là nghệ sĩ của nhân dân. Đó không phải là điều quá vinh dự và tự hào hay sao?”, NSND Đức Long nói.

Tính đến ngày Đức Long được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND là tròn 47 năm công tác. Quá trình làm nghề của ông nhiều kỷ niệm vui, cũng có nhưng nỗi buồn, nhưng tất cả đều qua mau.

“Buồn kiểu nghệ sĩ, thoáng đến rồi thoáng đi chỉ sau tràng pháo tay động viên của khán giả. Đến hiện tại, khi đã nghỉ hưu, tôi hài lòng và tự hào với những gì mình đã làm được, đã cống hiến. Tôi không xấu hổ vì hành trình đã qua”, giọng ca “Chiều Hạ Long” chia sẻ.

Khi được hỏi về cuộc sống ở tuổi hưu, NSND Đức Long cho biết, gần như không bị xáo trộn gì với dấu mốc nghỉ hưu. Bản thân ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã nghỉ hưu.

“Có thể với nhiều ngành nghề khác sau khi nghỉ hưu mọi người dễ “sụp” vì nghĩ là người thừa, không được đến cơ quan, không được ngồi bàn giấy. Còn tôi? Trước tuổi hưu hay sau tuổi hưu, tôi vẫn đến cơ quan, vẫn đi dạy, đi diễn như bình thường.

Hằng ngày, tôi cũng đi tập với các nghệ sĩ. Ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có chương trình vẫn mời tôi tham gia biểu diễn. Thế nên, cá nhân tôi nghĩ mình chưa có hưu”, nghệ sĩ vui vẻ cho biết.

NS Đức Long và học trò - ca sĩ Minh Thu. Ảnh: NVCC

NS Đức Long và học trò - ca sĩ Minh Thu. Ảnh: NVCC

“Quý ông hát” độc thân

Khác với hình ảnh một “quý ông hát” Đức Long, ở ngoài đời nam nghệ sĩ sống kín đáo, bình dị. Ông từng kết hôn, nhưng lại sớm độc thân chỉ sau 5 năm hôn nhân.

“Chẳng ai muốn một cuộc hôn nhân thất bại cả, nhưng vì nhiều lý do mà cuộc sống vợ chồng tôi cứ mỗi ngày một nhạt nhẽo đi. Có khi cả ngày hai người không nói với nhau một câu, dù chẳng có chuyện gì xích mích.

Đến giai đoạn cuối, tôi trở về nhà, hai người nhìn nhau như hai người xa lạ. Việc của ai người nấy làm, không liên quan gì đến nhau. Tôi nghĩ nếu cứ như thế này thì là sống một mình chứ có phải là có gia đình đâu. Tôi cũng đấu tranh ghê lắm, nhưng rồi chuyện gì đến đã phải đến.

Chúng tôi ra tòa mà đến giờ vẫn không hiểu lý do tại ai. Đến giờ tôi cũng không tính tới chuyện lập gia đình nữa. Tôi cho rằng nên nghĩ thoáng một chút, đừng quan niệm phải có gia đình, có vợ con mới là hạnh phúc”, NSND Đức Long tâm sự.

Nghệ sĩ trải lòng rằng, ông ngẫm nghĩ bản thân đã trải qua nhiều nỗi khổ nên thấu hiểu tất cả những nỗi cùng cực trên đời. Nhưng bù lại, cũng không ai sướng bằng ông. Trong số các ca sĩ dòng nhạc tiền chiến, ông là người được đi nhiều nơi, đến nhiều nước. Vì thế mà đôi khi ngẫm nghĩ, ông nhận thấy nên biết tự bằng lòng với những gì mình có.

“Tôi độc thân nhưng chưa bao giờ phải mua cơm hộp. Tôi tự biết chăm sóc mình từ nhỏ rồi. Hơn nữa, thế hệ chúng tôi (cuối năm 1950 - đầu năm 1960) là kiểu vứt ra đường đều có thể tự lo được hết. Còn nếu sau này không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ chọn nhà dưỡng lão”, nam nghệ sĩ cho biết thêm.

Đặt vấn đề cho rằng, nghệ sĩ thường sống tình cảm, “chiều chuộng” cảm xúc chứ kiểu lý trí như ông rất hiếm. NSND Đức Long cười nói rằng: “Nếu vậy thì họ là nghệ sĩ còn tôi không phải nghệ sĩ! Tôi không nhận mình là nghệ sĩ, chính xác tôi là công nhân lành nghề, làm nghề mang niềm vui đến cho mọi người.

Không phủ nhận việc nghệ sĩ phải luôn yêu và được yêu thì nghệ thuật mới thăng hoa. Nhưng số phận của mình không tìm được người như thế mà ngược lại mình có nhiều bạn bè, học trò làm được điều tốt hơn cho mình thì chắc chắn sẽ thăng hoa rồi.

Hơn nữa, như tôi đã nói, tôi không phải nghệ sĩ mà chỉ là người công nhân lành nghề. Tôi nuôi cảm xúc như mọi người đan một cái áo vậy. Bạn định đan áo cho ai, hình dung cái áo sẽ đan như thế nào, kích thước ra sao... thì âm nhạc cũng vậy. 7 nốt nhạc cũng tôi được đào tạo 9 năm trong trường, chúng tôi nhìn là biết sẽ phải hát như nào chứ không nhờ vào chuyện tình cảm yêu đương nam nữ để âm nhạc thăng hoa”.

Nghệ sĩ Đức Long thừa nhận ông là một người giàu có về mặt tình cảm, nhưng không giàu có về vật chất. Nhiều đồng nghiệp cùng thời có tài sản sung túc. Học học trò có người còn... giàu hơn ông. Nhưng, giờ Đức Long vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ ở phố Lê Duẩn. Ông không có xe sang hay của để dành.

Dù vậy, ông vẫn sống cuộc đời vui vẻ. Theo ông, tài sản không bao giờ là thước đo cho sự hạnh phúc. Nam nghệ sĩ tâm sự rằng cuộc đời ông viên mãn nhất chính là được hát. Ông mãn nguyện khi được sống tạm đủ để toàn tâm toàn ý với nghệ thuật, muốn khám phá, đi đến tận cùng của âm nhạc.

“Đối với tôi, âm nhạc là cuộc sống của tôi, khán giả là niềm hạnh phúc. Những tràng pháo tay, ánh đèn sân khấu làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi hài lòng với điều đó. Tôi không cô đơn. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát, ngoài ra tôi không sợ gì cả”, NSND Đức Long khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ