NSND Bùi Bài Bình: “Diễn tả sự tinh anh ở Bác là khó hơn cả”

Người vừa hoàn thành vai diễn Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri” (kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: NSƯT Vương Đức, Công ty TNHH một thành viên phim truyện VN sản xuất) nhận lời tiếp chuyện tôi theo cách mà gần như không có một người nổi tiếng nào lúc này làm: 

NSND Bùi Bài Bình: “Diễn tả sự tinh anh ở Bác là khó hơn cả”

Tự anh phi xe máy đến tòa soạn giữa trưa hè nắng gắt, không quên bận… một chiếc áo chống nóng, đúng điệu một người chuyên đóng những vai khắc khổ. Nhưng từ đó, cũng tỏa ra một sự ấm áp, giản dị… - như một phép kết nối anh với vai diễn lớn vừa đến trong sự nghiệp.

Hỏi Bùi Bài Bình vì sao lại chọn cách đó, thay vì bắt phóng viên “muốn qua sông thì phải lụy đò”, anh cười hiền: “Nắng thế này, không lẽ bắt phụ nữ nhao ra đường. Thôi mình giúp được gì ai chút nào thì giúp vậy…”.

Vậy mà tôi lại nghe nói, khác với vẻ ngoài dễ gần, Bùi Bài Bình thực ra rất khó tính: Khá là kén vai diễn, lại cũng không mấy cởi mở, mặn mà với việc lên báo…

- Đúng là tôi có bị mang cái tiếng đó thật và chắc cũng không oan lắm (cười). Vì thường thì trước một lời mời đóng phim, nếu như tôi cảm thấy không có nhiều kết nối giữa tôi và vai diễn thì tôi sẽ không bao giờ nhận lời dù được thuyết phục đến mấy. Tương tự, tôi cũng sẽ không bao giờ nhận lời lên báo, nếu như không có chuyện mới để kể và còn phải là chuyện mới về nghề, chứ mấy chuyện đời thường kiểu: Lấy vợ cùng nghề, mở quán càphê…, tôi chẳng thấy nó giúp ích được gì cho bạn đọc cả...

Được mời đóng vai Bác Hồ - một lựa chọn mà như đạo diễn Vương Đức nói vui là “khiến cả ngành điện ảnh lo ngại” (vì mấy ai nghĩ lại có thể là Bùi Bài Bình), bản thân anh có ngạc nhiên? Điều gì khiến anh tin rằng mình có thể đảm nhận được vai diễn khi không sở hữu một ngoại hình gần giống?

- Ngạc nhiên thì không nhưng e ngại thì có, vì chưa cần đọc kịch bản cũng đã biết, để gánh vai diễn đặc biệt này hoàn toàn không là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu một diễn viên mà cứ trông cậy vào ngoại hình của mình thì có thật sự là một người làm nghề chuyên nghiệp? Và tại sao lại đi từ chối một cơ hội lớn như thế trong nghề, khi mình chưa cố gắng hết sức?

Trong những diễn viên từng được mời đóng vai Bác Hồ, ngoài Tiến Hợi ra thì liệu mấy ai may mắn có được ngoại hình giống Bác? Ngoài việc trông cậy vào bàn tay biến hóa của các nghệ sĩ hóa trang cùng sự trợ giúp của 4 diễn viên lồng tiếng (tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung), thì tay nghề, vốn sống cũng là hành trang cần thiết để giúp tôi tiếp cận vai diễn sâu hơn. Với hình tượng nhân vật này, điều cần lột tả theo tôi chưa hẳn là cái giống về đường nét, cử chỉ… mà quan trọng hơn cả là thần thái ung dung, tĩnh tại của Bác, ngay cả trong những tình huống lịch sử cam go nhất. Một cơ duyên nhỏ ở đây là vào đúng lúc vai diễn này đến với tôi thì tuổi đời của tôi cũng vừa bằng đúng tuổi đời của Bác ở thời điểm diễn ra câu chuyện.

“Nhà tiên tri” chọn tái hiện giai đoạn lịch sử từ năm 1947-1950, khi Bác Hồ đang “nằm gai nếm mật” ở Việt Bắc, thời điểm Pháp nhận được viện trợ của Mỹ để tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Lý do anh được chọn, có phải một phần là: Một người chuyên vào những vai khắc khổ, truân chuyên thì sẽ dễ tìm ra được những nét diễn đắt để thể hiện những ngày tháng gian khổ, đong đầy thao thức, trăn trở ấy của Bác?

- Kịch bản được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết từ cách đây mấy năm. Trước lúc viết, anh ấy cũng đã nói: “Tôi viết vai này là để cho ông, chỉ có thể là ông”, nên hẳn là có sự “đo ni đóng giày” ở đây. Nhưng tôi nghĩ, đây không hẳn là chuyện sở trường. Bởi, như đã nói, dù trong tình huống lịch sử cam go nào, thì cái hơn người ở Bác cũng là một tâm thế nhìn đời, nhìn thời cuộc hết sức anh minh, tĩnh tại, để đưa ra được những lời tiên đoán và quyết sách sáng suốt nhất. Diễn tả sự giản dị của Bác theo tôi không khó bằng việc lột tả thần thái tinh anh ấy ở “nhà tiên tri”.

Quá trình nhập vai hẳn lấy đi của anh khá nhiều tâm sức?

- Từ lúc mở máy đến lúc đóng máy chính thức thì chỉ mất 6 tháng, nhưng trước đó tôi phải mất nhiều tháng tìm đọc, tìm xem những cuốn sách, bộ phim kể về Bác và cả những bức ảnh của Bác để tìm kiếm những nét diễn sâu hơn về nhân vật, dù không phải cử chỉ, thao tác nào tôi muốn tìm cũng có. Đồng thời phải ép mình giảm cân (số cân cần giảm là 5 cân so với ngoại hình của Bác ở thời điểm đó); học tiếng Nga, tiếng Pháp đã đảm nhận những cảnh diễn có thoại là ngoại ngữ.

Thậm chí, đi làm lại răng (vì cái răng khểnh quá đặc thù của tôi), nuôi râu… Những ngày quay ở rừng phải nói là khá vất vả vì chúng tôi phải dậy từ rất sớm, riêng công việc hóa trang đã mất đến hàng tiếng, dù có đến 5 người làm. 

Ở rừng lại thường tắt nắng sớm, nên cần đẩy lịch quay lên sớm hơn để có được những thước phim đẹp. Cữ tháng 6- tháng 7 ở rừng cũng là mùa của muỗi vắt nên phải nói là đánh vật với “giặc rừng”. Nhiều hôm trời lại nắng như rang, cứ diễn xong một cảnh là các lớp hóa trang bị bong ra, lại phải mất cả tiếng chỉnh sửa. Chưa kể, có hôm tôi còn bị ngựa hất, đè lên người, ngừng thở mất mấy phút, khiến đoàn phim hoảng hốt. 

Lại có cảnh quay, lúc cả anh Vương Đức và tôi đều đang phân vân lựa chọn cách diễn sao cho đắt, thì tôi đã phải trình ra 5 cách diễn để nhận được cái gật đầu tâm đắc của đạo diễn ở phương án cuối cùng. Đó cũng là cảnh quay mà tôi phải quay tới 5 lần, cho 5 phương án…

Với những trải nghiệm quý giá vừa có trong “Nhà tiên tri”, điều sâu sắc nhất đọng lại trong anh là gì?

- Để có được ngày hôm nay, cha ông ta, mà đặc biệt là vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã phải trải qua những năm tháng không hề đơn giản, khi mà mọi ranh giới mất - còn, sống - chết chỉ là trong gang tấc, đòi hỏi sự hy sinh quên mình hơn bao giờ. Sống cho ra sống, cho xứng một kiếp người, dù là một con người bình thường nhất, lúc này, tôi nghĩ, hẳn cũng là một cách để tri ân…

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ