Nóng trong tuần: Tổng kết các cấp học, công bố 'điểm sàn'

GD&TĐ - Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023; công bố “điểm sàn” nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên 2023 là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.

Tổng kết năm học 2022-2023 các cấp học

Trong 2 ngày (20, 21/7), tại tỉnh Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, đề xuất phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, lãnh đạo các đơn vị vụ, cục Bộ GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên 63 sở GD&ĐT trong cả nước.

Ngoài phiên toàn thể là các hội nghị tổng kết cấp học mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên. Tại các hội nghị này, kết quả đạt được; tồn tại hạn chế và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ năm học tới được chia sẻ, trao đổi. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp có ý kiến chỉ đạo cụ thể với từng cấp học tại các hội nghị.

Tại Hội nghị toàn thể (Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023) đã đề cập tới các kết quả nổi bật của ngành trong năm học, liên quan đến: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD-ĐT; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng cho học sinh; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã điểm lại sơ bộ kết quả đạt được của năm học 2022-2023; nhìn nhận các khó khăn, thách thức đặt ra và lưu ý những công việc quan trọng trong thời gian tới.

Thách thức được chia sẻ thẳng thắn là rất nhiều những thiếu thốn, mà theo cách nói của Bộ trưởng là “thiếu đủ thứ”, đặc biệt về cơ sở vật chất, con người. Những “cái thiếu” này càng rõ ràng, càng được cộng thêm trước yêu cầu đổi mới, khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên. Trong đó, Bộ trưởng có nhắc tới 1 thứ thiếu “thuộc về chúng ta”, đó là chưa bày tỏ, kiến nghị được hết; chưa thấy hết việc cần làm.

Bộ trưởng đồng thời nhắc đến thách thức khi dù niềm tin của xã hội với giáo dục đã được cải thiện, nhưng chưa đủ để chúng ta làm việc lớn hơn, có tính chất đột phá trong thời gian tới. Đó là sự đồng lòng, nhất trí, đồng thuận trong nội bộ ngành đã có, nhưng thể hiện ra với xã hội còn chưa cao. Đó là dù đã nỗ lực, nhưng sự vươn lên chính mình của từng nhà giáo, từng cơ sở giáo dục dường như còn chưa đủ…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: Năm học 2023-2024, chúng ta sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế và tạo bước tiến lớn về thể chế và chính sách. Trong đó, căn cứ chính trị là toàn ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho Nghị quyết mới thay thế, ít nhất cho 10 - 15 năm và xa hơn nữa. Một năm hoàn thiện thể chế còn là vì chúng ta sẽ xây dựng Luật Nhà giáo; sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến ngành Giáo dục…

Năm học mới 2023-2024 - năm học mang tính chất bứt phá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 - Bộ trưởng yêu cầu cần dồn lực để vượt qua những khó khăn, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp; yêu cầu đổi mới theo chiều sâu, ở từng môn học, ở phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá...

Cùng với đó, quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường; phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, làm sao trên tinh thần tự nguyện, không gây bức xúc trong xã hội…

Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhìn chung sẽ ổn định, tuy nhiên cũng tính toán để là bước đệm, dự lệnh cho những thay đổi trong Kỳ thi từ năm 2025.

Công việc trước năm học mới, Bộ trưởng lưu ý chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về mọi mặt, như cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu; hoàn tất tập huấn giáo viên…

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng yêu cầu cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Công bố "điểm sàn" nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên 2023

Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với: nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học và nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2023.

Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hai nhóm ngành này năm 2023 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi, về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022.

Cụ thể, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22,5 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm; các ngành gồm: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng là 19 điểm.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Công bố điểm thi, phổ điểm tốt nghiệp THPT 2023

Tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cùng với đó là phân tích kết quả thi (phổ điểm), phổ điểm một số tổ hợp môn.

Theo kết quả ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Cụ thể, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 1,003,372 thí sinh tham gia thi bài thi Toán, trong đó điểm trung bình là 6.25 điểm, điểm trung vị là 6.6 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.6 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 123 (chiếm tỷ lệ 0.012%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 217,093 (chiếm tỷ lệ 21.64%).

Có 1,008,239 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.86 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 92 (chiếm tỷ lệ 0.009%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73,622 (chiếm tỷ lệ 7.3%).

Có 327,188 thí sinh tham gia thi bài thi Vật lí, trong đó điểm trung bình là 6.57 điểm, điểm trung vị là 6.75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 23 (chiếm tỷ lệ 0.007%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 48,379 (chiếm tỷ lệ 14.79%).

Có 328,117 thí sinh tham gia thi bài thi Hóa học, trong đó điểm trung bình là 6.74 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 14 (chiếm tỷ lệ 0.004%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 38,375 (chiếm tỷ lệ 11.7%).

Có 324,625 thí sinh tham gia thi bài thi Sinh học, trong đó điểm trung bình là 6.39 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6.5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 36 (chiếm tỷ lệ 0.011%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 33,754 (chiếm tỷ lệ 10.4%).

Có 683,447 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.03 điểm, điểm trung vị là 6.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0.006%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170,237 (chiếm tỷ lệ 24.91%).

Có 682,134 thí sinh tham gia thi bài thi Địa lí, trong đó điểm trung bình là 6.15 điểm, điểm trung vị là 6.25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6.25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 112 (chiếm tỷ lệ 0.016%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 91,073 (chiếm tỷ lệ 13.35%).

Có 565,452 thí sinh tham gia thi bài thi Giáo dục công dân, trong đó điểm trung bình là 8.29 điểm, điểm trung vị là 8.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 26 (chiếm tỷ lệ 0.005%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5,492 (chiếm tỷ lệ 0.97%).

Có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

Việt Nam giành thành tích xuất sắc tại Olympic Vật lí quốc tế 2023

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lí Quốc tế (IPhO) năm 2023 đã giành thành tích xuất sắc. Theo đó, 5/5 học sinh đều đoạt huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ