Năm học mới thúc đẩy phát triển GDĐT bằng hoàn thiện thể chế

GD&TĐ - Năm học 2023-2024, chúng ta sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023.

Cộng đồng trách nhiệm vượt qua khó khăn, thách thức

Phát biểu kết luận Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn điểm lại 3 năm học vừa qua khi ngành Giáo dục phải vừa chống dịch, vừa bù đắp, kiên trì mục tiêu chất lượng và vừa đổi mới, với khẳng định “cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu”.

Nhìn lại một năm với nhiều kết quả, theo Bộ trưởng để đạt được kết quả này, phần rất quan trọng, lực lượng quyết định, triển khai đổi mới trong thực tế là lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT.

Ghi nhận, cảm ơn đội ngũ lãnh đạo các Sở GD&ĐT vì những nỗ lực vượt bậc trong những năm khó khăn vừa qua, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ sự thấu hiểu với những khó khăn, áp lực của cán bộ, lãnh đạo cấp Sở với chia sẻ “Chúng ta cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, cảm thông với nhau trong một sự nghiệp lớn, rất khó”.

Vui mừng với kết quả đạt được của năm học song Bộ trưởng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Trong đó, trước mắt là thách thức của việc thiếu đủ thứ: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, thiếu tài chính, thiếu sự chăm lo.

Theo Bộ trưởng, càng đổi mới, càng đặt trước yêu cầu chất lượng cao thì sự “thiếu” càng lớn hơn. Và trong sự “thiếu” này vẫn có cái thiếu “thuộc về chúng ta”, khi chưa bày tỏ hết mức, chưa kiến nghị hết mức, chưa nhìn thấy những việc cần phải làm để bày tỏ, kiến nghị một cách mạnh mẽ.

Đánh giá niềm tin của xã hội với ngành thời gian qua đã được củng cố hơn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đây vẫn là thách thức khi những vấn đề dư luận bức xúc về ngành vẫn còn, từ đó đặt ra yêu cầu cần gia tăng hơn nữa niềm tin bền vững của xã hội với sự nghiệp giáo dục.

“Sự đồng lòng trong ngành đã có nhưng để thể hiện ra xã hội, để lôi cuốn xã hội chưa cao”, khẳng định điều này như một thách thức, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành tuy đông với lực lượng chiếm tới 1/4 dân số nhưng chưa mạnh, còn cảm giác tự mình thấy mình ở nhóm yếu thế.

Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, sự vượt lên chính mình, vươn lên của từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên, nhà quản lý còn chưa đủ cũng đang tạo ra thách thức cho ngành. Theo Bộ trưởng, đây là điều cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế trong năm học mới 2023-2024.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế trong năm học mới 2023-2024.

Tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: Năm học 2023-2024, chúng ta sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế; tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách.

Trong đó, căn cứ chính trị là toàn ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế. Bộ trưởng đề nghị các sở GD&ĐT khi hoàn tất báo cáo đánh giá cần mạnh dạn nêu cả những đề xuất, kiến nghị, làm căn cứ xây dựng Nghị quyết tiếp theo, mở đường cho sự phát triển của ngành trong 10 năm sau và xa hơn nữa; với sự đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng cho công việc lớn này.

Một việc lớn khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là xây dựng Luật Nhà giáo. Cùng xây dựng Luật Nhà giáo, năm học tới, chúng ta cũng sẽ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến hoạt động ngành Giáo dục…

Đây là bộ luật rất quan trọng với ngành và trong quá trình thảo luận, từng chính sách trong Luật cần có sự đóng góp ý kiến, hô ứng từ cơ sở, các thầy cô giáo, nhà trường…; từ đó mới thuyết phục được xã hội, Chính phủ, Quốc hội…

Cũng theo Bộ trưởng, trong chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông, năm học 2023-2024 là năm bứt phá, thực hiện một khối công việc lớn: vừa rút kinh nghiệm, đánh giá 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 3, lớp 7, lớp 10; triển khai trực tiếp với lớp 4, lớp 8, lớp 11; vừa chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp. Những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.

Năm học 2023-2024 cũng là năm triển khai trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học; đồng thời yêu cầu đi vào đổi mới theo chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá... Ví dụ, nếu Lịch sử chỉ dạy, kiểm tra thiên về số liệu, sự kiện… thì sẽ không bao giờ có thể hấp dẫn. Với Ngữ văn, tiếp tục đổi mới để môn học này trở thành một công cụ giúp phát triển con người, bồi đắp cảm xúc, tình cảm, thái độ, nhân cách; không chỉ miệt mài đi sâu vào văn bản. Môn Toán phải dạy học sinh tư duy. Môn thực hành như Vật lí, Hóa học, đừng để dụng cụ đã thiếu nhưng không dùng, dùng không hiệu quả…

Cùng với đó, quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường; phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, làm sao trên tinh thần tự nguyện, không gây bức xúc trong xã hội…

Công việc trước năm học mới, Bộ trưởng lưu ý chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về mọi mặt, như cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu, không bán kèm sách tham khảo gây bức xúc người dân và xã hội; hoàn tất tập huấn giáo viên…

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, theo Bộ trưởng, cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.

Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhìn chung sẽ ổn định, tuy nhiên cũng tính toán để là bước đệm, dự lệnh cho những thay đổi trong Kỳ thi từ năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.