Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.
Ngành Giáo dục đạt được những thành tựu rất quan trọng
Thủ tướng bày tỏ vui mừng, cảm động khi tới dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường được thành lập từ năm 1982 với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của Thành phố Hà Nội, để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập, đóng góp cho xã hội; với giá trị cốt lõi, nhân ái, trách nhiệm, sáng tạo, hội nhập, phát triển.
“Chúng ta cảm nhận và trân trọng tình cảm ấm áp, sự yêu thương, lòng nhân ái của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các cháu học sinh thân yêu. Được nhìn thấy những nụ cười trên những gương mặt sáng ngời của các cháu, tôi cảm nhận rất rõ sự hào hứng, quyết tâm cho một năm học mới sắp bắt đầu”.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các thầy cô giáo, học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và toàn thể thầy cô, học sinh trên cả nước nói chung lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc năm học 2024-2025 gặt hái được nhiều thành tích tốt hơn năm học vừa qua.
Thủ tướng chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã căn dặn: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người; Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
Luôn ghi nhớ và khắc sâu lời dặn của Người, những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân; là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, then chốt trong bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước; với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo được tập trung triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhìn lại năm học 2023 - 2024 vừa qua, chúng ta vui mừng nhận thấy ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Chất lượng giáo dục được nâng lên; học sinh, trong đó có các cháu khuyết tật được chăm lo, giáo dục tốt hơn”, Thủ tướng đánh giá.
Tấm gương sáng về nỗ lực, vượt nghịch cảnh
Dự lễ khai giảng năm học mới đầy ý nghĩa tại ngôi trường đặc biệt, vinh dự được mang tên một nhà thơ yêu nước, giàu lòng nhân ái, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng vui mừng được biết, trong gần 42 năm trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn phấn đấu thực hiện mục tiêu “Trường học chất lượng cao - Hiệu quả hàng đầu trong công tác dạy học hòa nhập của cả nước”.
Nhà trường đã và đang thực hiện tốt mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9 - giai đoạn quan trọng nhất, tạo nền tảng phát triển cả thể chất và trí tuệ. Học sinh khiếm thị được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, cơ bản cho sự phát triển năng khiếu cá nhân…, từ đó tự tin và bình đẳng tham gia các hoạt động học tập hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ vô cùng ấn tượng với những thành tích xuất sắc mà các học sinh khiếm thị của trường đã đạt được như: cháu Đào Thu Hương, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ; cháu Nguyễn Thị Thanh Mai hoàn thành học tiến sĩ tại Mỹ; cháu Lã Minh Trường là gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; cháu Lý Thành Anh Kiệt mới là học sinh lớp 5 nhưng đã là tân sinh viên khoa Piano Học viện âm nhạc Quốc gia. Và còn rất nhiều những tấm gương học sinh vượt khó, học giỏi mà không thể kể hết tại buổi Lễ hôm nay.
Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tặng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tủ sách tham khảo; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng học sinh nhà trường 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cùng một số phần quà khác.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, đặc biệt là học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Các cháu thực sự là những tấm gương sáng của sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt được những thành tích rất đáng tự hào, không ngừng làm rạng danh mái trường mang tên danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Đồng thời, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng toàn ngành Giáo dục về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm học vừa qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn để đạt kết quả tốt hơn
Năm học mới 2024 - 2025, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục kiến tạo, yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục và đào tạo, tạo môi trường tiên tiến, lành mạnh về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, thúc đẩy xã hội học tập; đặc biệt là điều kiện thuận lợi cho các học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, cần quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024 - 2025.
Chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật và vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Trong đó, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hoá mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học. Tăng cường giáo dục hoà nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp để các cháu phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
Thủ tướng nhắn nhủ: Các bậc phụ huynh hãy luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với học sinh khuyết tật, phải tạo niềm tin để các cháu vượt qua nghịch cảnh, sự thiệt thòi, để học giỏi, sống tốt, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Nhà trường phải là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho học sinh, không có bạo lực học đường, không có ma túy học đường.
Các cháu học sinh trong cả nước hãy phát huy tốt vai trò là trung tâm, là chủ thể, là chủ nhân tương lai của đất nước; hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
Đối với các học sinh khuyết tật, cần đảm bảo trang bị mọi kỹ năng, kiến thức cần thiết để sau khi tốt nghiệp có thể độc lập trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
“Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn có sự quan tâm của xã hội, tình cảm của gia đình, lòng nhân ái của nhà trường, sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô giáo. Các cháu hãy luôn luôn cố gắng vượt qua những, thách thức và thiệt thòi; các cháu hãy không ngừng học tập chăm chỉ, tiếp thu kiến thức, chủ động, tích cực rèn luyện "Đức - Trí - Thể - Mỹ". Hãy luôn nuôi dưỡng ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước.
Bác tin tưởng rằng, mỗi ngày học tập, vui chơi dưới mái trường Nguyễn Đình Chiểu thân yêu, các cháu sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, lý thú và có thật nhiều kỷ niệm đẹp.
Bác mong tất cả các cháu học sinh, đặc biệt là các cháu học sinh khiếm thị luôn cố gắng phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa trong hành trình chinh phục tri thức, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm với đất nước, có năng lực vững vàng để phát triển non sông gấm vóc, đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu từng mong muốn”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhận thức sâu sắc về sứ mệnh vẻ vang và trọng trách của nghề giáo
Thủ tướng cũng đồng thời nhấn mạnh cần quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên của nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo để các thầy giáo, cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các thế hệ học sinh noi theo.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh; phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh phát huy sở trường, năng khiếu của mình.
Thầy cô truyền thụ sao cho các cháu hào hứng học tập đổi mới sáng tạo, không chỉ học qua sách vở mà còn chú trọng thực hành; không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà cần khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhiệm vụ của thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Thủ tướng mong rằng, các thầy cô giáo luôn nhận thức sâu sắc về sứ mệnh vẻ vang và trọng trách của nghề giáo, để không ngừng nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời đề nghị mỗi thầy giáo, cô giáo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, luôn chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và là ánh sáng soi đường, dẫn dắt cho học sinh khiếm thị trên con đường tiếp cận với thế giới tri thức rộng lớn của nhân loại.
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu: Mô hình dạy học hòa nhập hiệu quả
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được thành lập tháng 12/1982, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của Thành phố để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội.
Từ năm 1988 đến nay, được phép của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường đã tuyển sinh học sinh không khuyết tật đến học hòa nhập với học sinh khiếm thị; thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9.
42 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, nhà trường và học sinh khiếm thị đã được sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo, của Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều cơ quan ban ngành, nhiều tổ chức và cá nhân.
Với đóng góp của mình, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã có 11 năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố; Huân chương Lao động hạng Ba; bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố. Năm học 2016 - 2017, 2021 - 2022, nhà trường vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND Thành phố Hà Nội.