Nhiều ý kiến góp ý dự thảo quy định lựa chọn sách giáo khoa
Tuần qua ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên của bộ GDĐT.
Điều nổi bật, hầu hết các ý kiến bày tỏ đồng tình với điểm mới quan trọng của dự thảo, đó là chuyển hội đồng lựa chọn sách giáo khoa về cơ sở giáo dục. Kết quả lựa chọn của hội đồng lựa chọn SGK nhà trường mang tính chất quyết định. Sở GD&ĐT chỉ tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố các đầu sách của cơ sở giáo dục chọn.
Thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, giáo viên là người biết rõ điều kiện cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ của trường, nắm tâm lý, năng lực từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK; vì vậy sẽ có lựa chọn phù hợp nhất.
Tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chuyên môn, thành viên hội đồng, nhất là hiệu trưởng nhà trường được phát huy cao nhất, vì dự thảo quy định hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định.
Trả lời Báo Tin tức (TTXVN), tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: Quy định mới trong dự thảo trả lại đúng vai trò cho giáo viên và các cơ sở giáo dục. Thầy cô là người hiểu rõ điều kiện và hoàn cảnh của học sinh từng nơi, từng vùng để từ đó chọn những bộ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, các trường phải làm một cách nghiêm túc, cần vì yêu cầu đổi mới giáo dục cho từng đối tượng học sinh để lựa chọn đúng bộ sách giáo khoa phù hợp, không bị tác động bởi yếu tố khác. Khi được làm chủ phải thực sự tròn trách nhiệm, tránh làm mất đi tính khách quan.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng chia sẻ: Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý nhất và ở nhà trường thì giáo viên là người trực tiếp giảng dạy.
Họ đọc nhiều sách giáo khoa của môn mình dạy, thảo luận trong tổ bộ môn để tìm ra sách giáo khoa nào là thích nhất, phù hợp nhất với học sinh của trường. Bên cạnh đó, phụ huynh là người bỏ tiền mua sách giáo khoa, cũng có vai trò quan trọng.
Trả lời Báo Thanh Niên, thầy Nguyễn Văn Đại Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Thanh (hiện đã nghỉ hưu), Q.12, TP.HCM ủng hộ việc nhà trường được chọn lựa sách cho học sinh của mình.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm nhà trường, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh… là người hiểu, nắm được hết những đặc thù của học sinh, phụ huynh địa phương mình từ đó sẽ có sự lựa chọn được bộ sách phù hợp cho học sinh, với con em phụ huynh tại nơi đó.
ĐH Bách khoa Hà Nội cùng 5 cơ sở giáo dục ĐH khác của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới. |
6 trường Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới
Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh đêm 27/9 công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới năm 2024.
Theo công bố này, Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, đó là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Cụ thể, trong hơn 1.900 ĐH, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601-800 thế giới, vẫn dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam. ĐHQG Hà Nội nằm trong nhóm 1.201-1.500. ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế cùng xếp thứ 1.501+.
Trên thang điểm 100, ĐHQG Hà Nội dẫn đầu trong các ĐH Việt Nam về khía cạnh giảng dạy với 20,9. Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân có thế mạnh ở chất lượng nghiên cứu với 90,6 và 87,5 điểm; khía cạnh này số điểm của ĐH Huế là 16,4 và ĐH Bách khoa Hà Nội là 46,8 điểm.
Đáng chú ý, Trường ĐH Mở TPHCM lần đầu vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới, nhưng với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo). Điều này đồng nghĩa đơn vị này cùng 768 tổ chức khác đều chưa có thứ hạng vì chỉ đạt được một số tiêu chí nhất định, chứ không đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng đang nỗ lực để được xếp hạng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023. |
Chuyên gia bàn về khoa học Giáo dục và sư phạm
Một sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua là Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023) do Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN chủ trì tổ chức vào ngày 27/10. Đây là diễn đàn quy mô với nhiều báo cáo chất lượng từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cụ thể, HaFPES 2023 được tổ chức trong không gian mở nhằm tạo ra một môi trường học thuật chuyên sâu, tạo ra các không gian thảo luận theo từng chủ đề, chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
HaFPES 2023 nhận được tổng cộng 136 công trình nghiên cứu từ các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, với 95 bài toàn văn được gửi phản biện và 71 bài đã được duyệt đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Trực tiếp báo cáo tại Hội thảo có 34 công trình nghiên cứu từ 33 tác giả trong nước và 18 tác giả quốc tế đến từ (Mỹ, Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Nauy, Hàn Quốc) tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của giáo dục đương đại bao gồm:
Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; Công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá HaFPES 2023 là sự kiện quan trọng, tập hợp được các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục, các thầy cô giáo hàng đầu của cả nước, cũng như các nhà khoa học quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam đã có từ lâu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, đặc biệt đưa ứng dụng các nghiên cứu để ban hành các chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi của khoa học công nghệ, của tri thức theo diễn tiến thời đại rất nhanh, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt các xu thế, có những dự báo về tương lai. Đây là những vấn đề đặt ra cho khoa học giáo dục của chúng ta.