“Điểm sàn” nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe giữ ổn định
Ngày 29/7, Bộ GD&ĐT ban hành hai quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 đối với hai nhóm ngành: nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hai nhóm ngành này năm 2022 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi, về cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Cụ thể, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm; riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm; các ngành Sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng là 19 điểm.
|
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với tỉnh Tuyên Quang
Sáng 30/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Cùng tham dự có đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn và đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác phối hợp, sự hô ứng giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách, chỉ đạo các công việc liên quan đến giáo dục. Với địa bàn khu vực miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc như Tuyên Quang, sự phối hợp này càng quan trọng, bởi giải quyết vấn đề giáo dục cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác có liên quan.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với vai trò quyết định từ các địa phương là một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh với tỉnh Tuyên Quang. Theo Bộ trưởng, lần đổi mới này như một “cuộc cách mạng” trong giáo dục với những thay đổi toàn diện và sâu sắc; ở đó, lấy phát triển con người làm cơ sở để phát triển những yếu tố khác.
Trong bối cảnh đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, Bộ trưởng đề cập đến ý nghĩa của sự đầu tư đúng thời điểm và mong tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung cao độ cho đầu tư trong 2-3 năm tới. Trong đó, tập trung trong chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã chỉ ra một số “từ khóa” với giáo dục Tuyên Quang như: Đẩy mạnh xã hội hóa một cách phù hợp; đẩy mạnh kiên cố hóa trường học; hợp lý hóa về mạng lưới; chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; hiện đại hóa, số hóa trong phương pháp giáo dục...
Chiều 30/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã đến thăm Khu di tích Bộ Quốc gia Giáo dục và thăm 2 trường: THPT Hoà Phú, THCS Hòa Phú tại huyện Chiêm Hoá. Tại 2 trường: THCS Hòa Phú và THPT Hòa Phú, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã dành thời gian trò chuyện, động viên đội ngũ giáo viên của nhà trường và lưu ý nhà trường trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ảnh minh họa/ITN. |
Các địa phương công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022
Tuần này, các địa phương bắt đầu công bố tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thái Bình, tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 99,47%; trong đó, với học sinh trường THPT, tỷ lệ tốt nghiệp dự kiến là 99,70%; trung tâm GDNN-GDTX, tỷ lệ này là 97,67%.
Năm 2022, Hà Nam có 73 thí sinh trượt tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tỉnh này đạt 99,17%.
Đà Nẵng, tỷ lệ tốt nghiệp các trường THPT công lập là 99%, ngoài công lập 91% và Trung tâm GDTX là 82,5%. Tỷ lệ chung của toàn thành phố là 96,68%.
Phú Thọ, năm 2022 toàn tỉnh có 99,71% thí sinh đỗ tốt nghiệp (không tính thí sinh tự do); tăng 0,23% so với năm 2021. Đây cũng là năm mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trước khi phúc khảo bài thi cao nhất trong vài năm trở lại đây của tỉnh.
Chiều 25/7, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết đã hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 (đợt 1), với hơn 11.000 thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,41%.
Chiều 25/7, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, với tỷ lệ đỗ tăng 0,89% so với năm trước. Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp của địa phương này năm nay đạt 99,24%, điểm trung bình môn thi là 6,07. Với kết quả này, Điện Biên xác định đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 (đợt 1); thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp đạt tỷ lệ 96,96%.
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Cụm thi đua số 1. |
5 thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết năm học
Ngày 28/7, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Cụm thi đua số 1 được tổ chức tại Hải Phòng. Cụm thi đua số 1, gồm các Sở GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.
Năm học 2021-2022 là năm thứ ba, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những tác động không nhỏ tới công tác dạy và học. Với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng internet trong công việc để phù hợp với tình hình thực tế đã đảm bảo công việc được thông suốt, không bị gián đoạn và đạt được những kết quả nhất định.
Tại Hội nghị, các sở GD&ĐT đã trình bày các tham luận, trao đổi, nêu các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ GD&ĐT xung quanh các vấn đề như: Hướng dẫn cụ thể việc phân loại trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục năm 2019; chính sách đào tạo, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cấp học; ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương...
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo của Cụm thi đua số 1 với những đặc thù riêng tại từng địa phương, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT đã có những lưu ý với các sở GD&ĐT về số liệu, tiêu chí đánh giá, thang điểm cụ thể, thẩm định đánh giá về thi đua khen thưởng trong chính sách giáo dục; chuyển đổi số; triển khai giáo dục các cấp; giáo dục thường xuyên; giáo dục thể chất; dạy trực tuyến và trực tiếp; tuyển sinh; học phí; giáo dục đại trà; giáo dục mũi nhọn...