Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh cần lưu ý về thời gian nhập học cũng như các điều kiện cần và đủ để chính thức trở thành tân sinh viên.
Điểm chuẩn không biến động nhiều
Năm nay, điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ trên 18 điểm đến 28 điểm. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, xét tổng thể, điểm chuẩn năm nay tương đối ổn định. Tùy từng ngành có biên độ tăng từ 0,1 - 0,5 điểm so với năm ngoái. Một số ngành có điểm chuẩn cao từ 26 - 28 điểm, nhưng cũng có ngành lấy hơn 18 điểm.
“Đơn cử như ngành Sư phạm Lịch sử, điểm chuẩn 28 điểm. Trước đó, ngành này đã có 16 học sinh đạt giải quốc gia đăng ký xét tuyển theo diện tuyển thẳng; do đó chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm nên điểm chuẩn theo phương thức này sẽ dâng cao. Tuy nhiên, so với năm ngoái, điểm chuẩn không có nhiều chênh lệch” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm Mỹ thuật (18 điểm). Thông thường, điểm chuẩn ngành này không cao vì thành phần điểm thi năng khiếu chiếm tỷ trọng lớn. Một số ngành như: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn cơ bản không có nhiều thay đổi, vẫn ổn định ở mức 26 - 27 điểm. “Với mức điểm chuẩn như hiện nay cho thấy, chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm ngày càng khởi sắc và có sức hút riêng với thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhận định.
Khẳng định, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không xét tuyển các đợt bổ sung trong năm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đồng thời lưu ý thí sinh cần xác nhận nhập học trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Thời gian xác nhận từ ngày 24/8 đến 17 giờ ngày 8/9. “Hiện nhà trường đã hoàn tất hạ tầng công nghệ thông tin để thí sinh nhập học online trước khi đến trường nhập học chính thức. “Theo kế hoạch, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức nhập học vào ngày 9/9. Nhà trường sẽ gửi thông tin hướng dẫn tới từng thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay.
Trước 17 giờ 00 ngày 8/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống. Ảnh minh họa: INT |
Điều kiện cần và đủ trở thành tân sinh viên
PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) thông tin: Điểm chuẩn đầu vào của trường dao động từ 24,5 - 27 điểm. Sau khi biết điểm chuẩn và xác định được mình đã trúng tuyển, thí sinh cần thực hiện các bước: Xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống; xem nội dung email của trường gửi để biết thông tin tài khoản nhập học, thủ tục nhập học; đóng học phí, chuẩn bị các thông tin cần thiết để hoàn tất thủ tục khai báo nhập học trực tuyến; tải bản điện tử thẻ sinh viên; Giấy báo trúng tuyển & nhập học.
Trong Giấy báo trúng tuyển & nhập học có chứa thông tin mã sinh viên, lớp, số điện thoại của thầy/cô cố vấn học tập để liên hệ khi cần. Sau khi hồ sơ nhập học được duyệt, thí sinh truy cập cổng đào tạo của trường xem thông báo, đăng nhập bằng tài khoản được cấp để xem thời khóa biểu sau ngày 31/8.
“Thí sinh cần thường xuyên kiểm tra email để nhận các thông báo tiếp theo từ trường” - PGS.TS Nguyễn Viết Thái lưu ý và cho biết, Trường ĐH Thương mại dự kiến tổ chức cho thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp từ 11/9 - 16/9. Sau đó, các em sẽ được học chính trị đầu khóa và khám sức khỏe. Dự kiến ngày 29/9, nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới và tối cùng ngày sẽ có chương trình chào tân sinh viên.
Năm nay, nhiều ngành của Trường ĐH Công Thương TPHCM có mức điểm trúng tuyển xấp xỉ với điểm sàn của trường. TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều ngành có điểm trúng tuyển bằng hoặc cao hơn 0,5 - 2 điểm so với điểm sàn của trường đã công bố. Một số ngành có điểm chuẩn trên 20 điểm gồm:
Marketing 22,5 điểm; Thương mại điện tử 22 điểm; Ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn 21.
“Dự đoán, Trường ĐH Công Thương TPHCM sẽ tuyển sinh bổ sung khoảng 10 ngành, gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công nghệ hóa học, Chế biến món ăn, Khoa học dinh dưỡng…” - TS Thái Doãn Thanh thông tin. Thí sinh cần chuẩn bị các điều kiện nhập học theo thông báo của cơ sở giáo dục đại học; đồng thời chủ động liên hệ chỗ ở. Thí sinh đặc biệt cảnh giác đối với những thông tin yêu cầu nộp tiền online, nhập học giả danh.
“Với thí sinh không trúng tuyển đợt 1, các em cần theo dõi các trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký, hoặc tham gia xét tuyển vào bậc học cao đẳng, trung cấp. Nếu vẫn quyết tâm vào ngành, trường học mà mình chưa trúng tuyển năm nay, thì các em có thể ôn tập lại để xét tuyển cho năm sau. Tuy nhiên, sử dụng phương án này, thí sinh phải xác định rõ khả năng của mình” - TS Thái Doãn Thanh lưu ý.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học và tổ chức nhập học cho thí sinh trong thời gian quy định. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 24/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ 00 ngày 8/9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định. Phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác xét tuyển của cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật.
Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý
- Trước 17 giờ ngày 8/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống.
- Sau ngày 8/9: Cơ sở đào tạo có thể bắt đầu khai giảng năm học mới.
- Sau ngày 9/9: Cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.
- Từ tháng 10 đến tháng 12: Cơ sở đào tạo có thể xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm 2023.