Hệ thống giáo dục đại học có khả năng thích nghi và đổi mới

GD&TĐ - Chiều 26/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học

Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học. Ảnh: Như Quỳnh.
Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học. Ảnh: Như Quỳnh.

Hội nghị diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì.

Năm nhiều khởi sắc của giáo dục đại học

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong năm học vừa qua, khối giáo dục đại học đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học. Đây là một năm học thành công, nhiều khởi sắc của giáo dục đại học. Và đây là kết quả của một quá trình kiên trì, bền bỉ phấn đấu, đổi mới.

Thứ trưởng cho rằng, việc thực hiện tự chủ đại học tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống. Công tác tuyển sinh tiếp tục được hoàn thiện, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngày càng thuận lợi và tăng cơ hội cho thí sinh, minh bạch trong toàn hệ thống, được xã hội đánh giá cao.

Đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và nhu cầu tự thân của các đơn vị; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý và hỗ trợ người học đã được thực hiện tốt.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; nghiên cứu khoa học mà kết quả một phần thể hiện ở các công bố quốc tế đã chuyển từ tăng số lượng sang chú trọng chất lượng, thực chất.

Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

“Điều này cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nhật.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nhật.

Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục trong lĩnh vực này.

Một số cơ sở giáo dục đại học chậm thực hiện việc kiện toàn bộ máy tổ chức, còn lúng túng trong việc xác định đúng và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học, gây cản trở tới các hoạt động đào tạo.

Một số cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định trong việc bảo đảm các điều kiện mở ngành, điều kiện hoạt động của ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nhiều trường sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu.

Ngoài ra, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo trọng điểm, thiết yếu khó thu hút sinh viên. Việc triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, đào tạo tiến sĩ cho giảng viên theo Đề án 89 còn gặp khó khăn ở nhiều khâu.

Công tác đánh giá, kiểm định chất lượng ở một số nơi chưa đi vào thực chất, thậm chí gây thêm phiền hà, tốn kém, trong khi kết quả đánh giá và kiểm định chưa tạo ra sự chuyển biến căn bản về chất lượng, đem lại lợi ích cho người học.

Hoạt động khoa học công nghệ chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp, quốc tế. Một số nơi còn chạy theo thành tích công bố, thậm chí còn có vấn đề liêm chính học thuật.

Đại diện các trường đại học tham gia Hội nghị. Ảnh: Như Quỳnh.
Đại diện các trường đại học tham gia Hội nghị. Ảnh: Như Quỳnh.

Những hạn chế nêu trên, theo Thứ trưởng, xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học, giảng viên, khoa học công nghệ…chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo và chủ trương tự chủ đại học.

Thứ hai, tư duy, nhận thức về giáo dục đại học nói chung và tự chủ đại học nói riêng còn chậm đổi mới. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là một vấn đề cốt lõi. Bởi thể chế, chính sách liên quan đến giáo dục đại học chưa theo kịp thực tế cũng bắt nguồn từ tư duy, nhận thức về giáo dục đại học nói chung và tự chủ giáo dục đại học nói riêng còn chậm đổi mới.

Bên cạnh đó, năng lực quản trị đại học, đặc biệt hiểu biết và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đại học trong đó có cả ở cơ quan quản lý nhà nước và tại cơ sở chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.

Thứ ba, nguồn lực cho giáo dục còn hạn hẹp. Điều này dẫn tới việc các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.

4 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của khối giáo dục đại học trong năm học mới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Như Quỳnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Như Quỳnh.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nhật

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nhật

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng chỉ ra 9 giải pháp cụ thể.

Nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản quy chế nội bộ; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chú trọng công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo năng lực và hiệu quả.

Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tổ chức thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, xây dựng, ban hành và thực hiện các chuẩn chương trình đào tạo của các khối ngành/nhóm ngành.

Tập trung, xây dựng và hoàn thiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu. Đồng thời, đề xuất các cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ người học.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường bảo đảm và kiểm định chất lượng theo chương trình 78 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Tăng cường hợp tác trong mạng lưới, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của địa phương.

Nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học và tại Bộ GD&ĐT (hệ thống HEMIS).

Đổi mới phương thức, nội dung truyền thông về giáo dục đại học, nhất là truyền thông chính sách, chú trọng hợp tác theo mạng lưới các cơ sở cơ sở giáo dục theo lĩnh vực trong công tác truyền thông.

Các đại biểu tham gia Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Như Quỳnh.
Các đại biểu tham gia Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Như Quỳnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.