Nóng trong tuần: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn nhiều vấn đề giáo dục

GD&TĐ - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của ĐBQH; tham vấn chuyên gia về tổng kết Nghị quyết 29... là vấn đề giáo dục đáng quan tâm tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 8/11.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 8/11.

Bộ trưởng trả lời về nhiều vấn đề giáo dục

Trong 2 ngày 7-8/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, thiếu giáo viên, lương giáo viên, triển khai dạy các môn tích hợp, bạo lực học đường, dạy bơi cho học sinh, đặt hàng.

Liên quan đến giá sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết: Giá sách giáo khoa khi đi vào thị trường và xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn, chưa rẻ như thời mà Nhà nước trợ giá và bao cấp. Đây cũng là một thực tế. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định về mặt chuyên môn, còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Về môn tích hợp, Bộ trưởng nhận định việc dạy học vẫn còn “vướng” trong triển khai và cho rằng các trường không nhất thiết phải cùng lúc yêu cầu giáo viên dạy 2 - 3 mạch kiến thức trong môn tích hợp mà phải tuỳ theo năng lực giáo viên. Từng bước để lực lượng giáo viên thích ứng và không quá áp lực. Lứa sinh viên được đào tạo về dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024. Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước.

Trả lời liên quan đến thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, muốn giải quyết việc này cần có các giải pháp đồng bộ. Ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, thiếu nhiều giáo viên hơn. Về cấp học, giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học thiếu nhiều hơn. Trong bối cảnh này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra.

5 năm qua đã sắp xếp, dồn dịch hơn 3.000 điểm trường, góp phần khắc phục căng thẳng giáo viên do sự phân tán. Thời gian tới, việc dồn dịch cũng cần được xem xét ở những khu vực vẫn sắp xếp được.

Với việc giảm biên chế 10% ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, các biên chế viên chức chủ yếu là giáo viên. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỷ lệ này không nên “cào bằng”, máy móc giống nhau ở các địa phương, mà cần cân nhắc việc giảm tỷ lệ để có giáo viên.

Với các vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, khả năng xã hội hoá tốt hơn, cần có biện pháp chia sẻ, cần chuẩn bị nguồn tuyển đầu vào, đó cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục đã tiến hành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11.

Về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng cho rằng cần áp dụng một loạt các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, với sự vào cuộc của toàn thể xã hội. Với trách nhiệm của ngành Giáo dục đào tạo, một số giải pháp cụ thể, với các mức độ ưu tiên như: Tăng cường kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân học sinh; trang bị kỹ năng sống cho các em; tăng cường tập huấn cho giáo viên kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh; chú trọng vị trí tư vấn tâm lý học đường; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội...

Vấn đề đặt hàng đào tạo giáo viên, Bộ trưởng thông tin: Thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm còn có vướng mắc trong đặt hàng, đấu thầu. Bộ GD&ĐT đã sớm nhận thấy điều này.

Bộ GD&ĐT đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định trên. Hiện, dự thảo đã được xin ý kiến rộng rãi và đang trong giai đoạn hoàn thành để có thể ban hành trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia phục vụ tổng kết Nghị quyết 29

Chiều 10/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục, đại diện 15 trường ĐH và 12 sở GD&ĐT.

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Các báo cáo nêu cụ thể những kết quả đạt được và hạn chế; nguyên nhân tồn tại, hạn chế; định hướng giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao hai dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT; nhận định dự thảo được xây dựng nghiêm túc, công phu, trách nhiệm. Các ý kiến đồng thời góp ý cho cấu trúc, nội dung báo cáo, từ kết quả đạt được đến hạn chế, nguyên nhân hạn chế và giải pháp...

Đánh giá Nghị quyết 29 ban hành cách đây 10 năm là rất kịp thời, phù hợp từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh lại các kết quả, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp, bài học kinh nghiệm được chia sẻ, trao đổi tại hội thảo.

Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời cho biết thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức hội nghị toàn quốc để lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết một cách chất lượng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo.

Nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi

Ngày 10/11, tại Lào Cai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo đánh giá công tác huy động trẻ mẫu giáo, nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) 5 tuổi.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ: Giáo dục mầm non (GDMN), Cơ sở vật chất, Kế hoạch tài chính, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT. Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của 63 tỉnh, thành phố.

Tại hội thảo, bà Cù Thị Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cho biết: Giai đoạn 2015 - 2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để phát triển GDMN. Cùng với đó, tham mưu ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định để bổ sung hành lang, cơ sở pháp lý giúp địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các chính sách của địa phương đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ.

Nhờ đó, mạng lưới trường lớp mầm non tiếp tục được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục.

Đến năm 2023, toàn quốc có 3.224 trường mầm non dân lập, tư thục (tăng 52% so với năm 2015). Năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, lớp toàn quốc đạt 93,1%, tương ứng gần 4,3 triệu trẻ em mẫu giáo.

Ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp đồng bộ về bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và đổi mới. Từ đó, hoàn thiện Chương trình GDMN hướng tới phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được thực hiện có hiệu quả.

Tại Hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố đã đánh giá kết quả công tác huy động trẻ em mẫu giáo và công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Đồng thời, đưa ra những khó khăn, kiến nghị, giải pháp để huy động trẻ, nâng cao chất lượng PCGDMN.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị chú trọng tới công tác truyền thông trong việc thực hiện PCGDMN trẻ 3, 4 tuổi.

Truyền thông phải đi trước một bước. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, phải cho thấy được áp lực của giáo viên, khó khăn, vướng mắc trong toàn ngành. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, kịp thời động viên, chia sẻ để thầy cô tiếp tục gắn bó với nghề” – Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Tuần qua, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) ngày 8/11 công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 857 trường. Việt Nam có 15 đại diện.

Trường Đại học Duy Tân có thứ hạng cao nhất - 115, tăng 30 bậc so với năm ngoái. Top 200 còn có trường Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 138) và Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 187). Đại học Quốc gia TP HCM ở vị trí 220.

Có 4 trường lần đầu góp mặt gồm Đại học Nguyễn Tất Thành, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Giao thông vận tải và Văn Lang. Trong số này, trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xếp vào nhóm 291-300, ba trường còn lại lần lượt trong nhóm 401-450, 651-700, 701-750.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ