Nóng trong tuần: Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng ĐH; quản lý sách trẻ em

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học; quản lý sách giáo khoa, sách cho trẻ em là vấn đề giáo dục được quan tâm trong tuần qua.

Quang cảnh Hội thảo Giáo dục năm 2023 về "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học".
Quang cảnh Hội thảo Giáo dục năm 2023 về "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học".

Tự chủ đại học cần đột phá thể chế

Tuần qua, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học; trong đó, tập trung về chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục đại học.

Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, hội thảo hướng tới đề xuất các ý tưởng, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức.

Còn thể chế, chính sách pháp luật nếu được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp, có tầm nhìn, khả năng dự báo thì sẽ góp phần “soi đường”, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực phát triển; ngược lại, sẽ gây ra những rào cản đối với sự đổi mới và phát triển.

Do đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng giáo dục đại học từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo ngày 5/11.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo ngày 5/11.

Đánh giá giáo dục đại học Việt Nam đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống, song Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng sự phát triển này còn chậm, không có bứt phát trong sự phát triển giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng, với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ; nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Bộ trưởng nhấn mạnh tới nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường đại học.

Trong vấn đề thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, chiều sâu.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đề xuất có thể tính đến làm một Luật để sửa nhiều Luật, tránh những chồng chéo hiện nay với dẫn giải: Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện một Luật sửa nhiều Luật, đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp. Tuy nhiên cũng cần tính đến để tránh những chồng chéo.

Nếu có thể đề xuất một Luật như vậy thì nên lấy tâm điểm là tự chủ đại học và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các Luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học. Nhìn chung, Bộ trưởng đề xuất cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ đại học.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Tăng cường quản lý sách tham khảo, sách cho trẻ em

Quản lý sách tham khảo, sách cho trẻ em như thế nào để không bị lọt các nội dung không phù hợp cũng là vấn đề được thảo luận trong tuần qua. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, cho rằng, cần có những quy định trong việc sử dụng sách phát hành trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Điều này góp phần tăng cường trách nhiệm của nhà nước, hạn chế những nội dung không phù hợp trong sách tham khảo sách, sách dành cho trẻ em trong các hoạt động giáo dục nhà trường.

Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước theo thẩm quyền, hạn chế tối đa các nội dung không phù hợp đối với sách tham khảo, sách cho trẻ em

Theo Thứ trưởng, vừa qua, một số hình ảnh, nội dung lan truyền trên mạng xã hội không phù hợp. Đây không phải lần đầu, cũng có thể cố ý hoặc vô tình khiến người dân hiểu nhầm sang là nội dung của sách giáo khoa.

Thứ trưởng cho rằng, việc này rất nguy hiểm, tác động xấu đối với toàn bộ hệ thống giáo dục nên phóng viên cần lưu ý khi đưa tin, viết bài. Theo đó, cần kiểm chứng rõ nguồn gốc, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan.

Quang cảnh Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Quang cảnh Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Thay đổi về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

Một sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua là Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.

Báo cáo kết quả về hợp tác và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết: Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành Giáo dục; giúp nâng cao chất lượng, vị thế và uy tín của giáo dục và đào tạo Việt Nam, không chỉ ở tầm khu vực mà cả bình diện quốc tế.

Về hoạt động khoa học, công nghệ, ông Trịnh Xuân Hiếu – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT, chia sẻ, 10 năm qua, hành lang pháp lý cũng như một số chính sách cụ thể đã được ban hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần thực hiện mục tiêu chung về phát triển giáo dục đại học đã được nêu trong Nghị quyết.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Tuy nhiên, vấn đề chi ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục địa học còn là vấn đề cần được quan tâm, chú trọng.

Ghi nhận các trao đổi, góp ý tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay các ý kiến đều đánh giá cao dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 nội dung về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, trong đó nhấn mạnh những chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo qua 10 năm.

Thứ trưởng đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ sở giáo dục địa học, các Sở GD&ĐT, chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục tham gia góp ý kiến bằng văn bản hoặc trao đổi để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

9 học sinh được tặng Bằng khen của Thủ tướng

Theo Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 3/11, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 9 học sinh có thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học và thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Trong đó, 7 em đã đạt thành tích xuất sắc tại các kì thi Olympic quốc tế gồm: Olympic Vật lý châu Á, Olympic Toán học quốc tế, Olympic Sinh học quốc tế, Olympic Tin học quốc tế. Hai học sinh còn lại đạt giải Ba tại hội thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ