Nóng trong tuần: Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024

GD&TĐ - Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024, phát động giải báo chí về giáo dục... là 2 trong số nội dung giáo dục được quan tâm tuần qua.

Thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày khai giảng. Riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày khai giảng. Ảnh minh họa/ITN.
Thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày khai giảng. Riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày khai giảng. Ảnh minh họa/ITN.

Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024

Khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc được Bộ GD&ĐT ban hành trong tuần qua.

Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2023.

Thời gian kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2024; hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024.

Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2024. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2024.

Thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Về trách nhiệm thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định:

Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương. Thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với thời gian Bộ GD&ĐT quy định tại Khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; báo cáo Bộ GD&ĐT đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh trước khi thực hiện.

Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học. Báo cáo về Bộ GD&ĐT: tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng năm học 2023-2024 trước ngày 10/9/2023; sơ kết học kỳ I trước ngày 31/1/2024; tổng kết năm học, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 25/6/2024.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thời gian năm học 2023-2024, một số địa phương đã ban hành kế hoạch thời gian năm học phù hợp với thực tế địa phương và bảo đảm theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Họp báo và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Họp báo và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023.

Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Chiều 2/8, Bộ GD&ĐT phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo và phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Giải nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Theo Thứ trưởng, năm 2023 là năm thứ 6 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng tốt hơn, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức.

Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học. Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy… Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc. Thông qua các tác phẩm báo chí, chúng ta thấy được sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Tại họp báo, Ban tổ chức công bố thể lệ, giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài từ ngày 5/9/2022 đến hết ngày 5/9/2023.

Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 18/11.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo tham vấn về Dự án Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp, giai đoạn 2023-2026.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo tham vấn về Dự án Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp, giai đoạn 2023-2026.

Quan tâm giáo dục mầm non khu công nghiệp

Trong tuần qua, 2 hội thảo quan trọng về giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT tổ chức.

Trong đó, ngày 1/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức OneSky Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn về Dự án Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp, giai đoạn 2023-2026.

Dự án Hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023-2026 được thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2026. 5 địa phương tham gia dự án là: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tham gia dự án, các địa phương sẽ được xây dựng các mô hình điểm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng của đội ngũ liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục tại các địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, để giải quyết những tồn tại từ hệ thống giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn khu công nghiệp và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 của dự án, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã tham gia dự án giai đoạn 1 chia sẻ những kinh nghiệm và sự phối hợp trong thực hiện dự án. Đề xuất những nội dung cốt lõi cần chú trọng để dự án thực sự mang lại hiệu quả là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại các khu công nghiệp. Các hoạt động của dự án cần phải chi tiết, rõ ràng từ mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt tới các hoạt động của dự án. Đồng thời cần phân cấp quản lý từ cấp Bộ đến các cơ sở để đảm bảo hiệu quả của dự án.

Hội thảo Tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hội thảo Tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tham mưu ban hành và triển khai thực hiện, thảo luận một số vấn đề cơ bản, tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho trẻ em là con công nhân tại địa bàn khu công nghiệp; những giải pháp tham mưu ban hành chính sách, mở rộng huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án...

Tham luận tại hội thảo, đại diện các Sở GD&ĐT các địa phương đã nêu ra một số khó khăn khi thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp. Trong đó, có những khó khăn liên quan đến chính sách hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuê đất; xây dựng phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho trường mầm non ngoài công lập; hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để hướng dẫn các địa phương để thực hiện các chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động. Bên cạnh đó, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6-36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Góp ý về triển khai thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông

Những thông tin liên quan đến thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tiếp tục được chú ý trong tuần qua.

Nổi bật là hoạt động góp ý về triển khai thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 2/8. Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự Hội nghị.

Tại hội nghị, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp tình hình nhân dân về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 được công bố.

Báo cáo cho biết: Nhân dân đồng tình và ủng hộ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Với Chương trình GDPT 2018, nhân dân đồng tình và đánh giá cao Chương trình đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời.

Việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước được cấp uỷ, chính quyền quan tâm tổ chức triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp, đảm bảo đạt mục tiêu giáo dục.

Nhiều ý kiến nhân dân đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Chương trình cũng bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh.

Bên cạnh nhiều nội dung được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, báo cáo cũng cho biết, còn nhiều ý kiến băn khoăn về điều kiện thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất); việc một số trường học đưa danh mục có sự không rõ ràng giữa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, sách bài tập - dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; giá sách giáo khoa nhiều thời điểm tăng cao; bỡ ngỡ trong lựa chọn môn học ở THPT…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã chia sẻ, trao đổi cụ thể xung quanh những nội dung được các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm tại Hội nghị. Thứ trưởng khẳng định tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý. Với vấn đề mới, khó, tác động lớn như đổi mới giáo dục phổ thông, càng cần phát huy tinh thần này; nhưng đồng thời cũng phải có quan điểm, lập trường - bằng khoa học, khảo sát, đánh giá, đúc kết.

Trong tuần, thực hiện Kết luận số 563/TB-ĐGS ngày 28/7/2023 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình.

Nội dung giải trình liên quan đến việc triển khai biên soạn, thực hiện chương trình, biên soạn, thẩm định và phát hành, lựa chọn sách giáo khoa; thực nghiệm chương trình; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; lựa chọn môn học; tài liệu giáo dục địa phương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.