Giáo viên vùng khó càng gặp khó
Tháng 3/2019, xã vùng biên Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) “về đích”, sau 7 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 lên 30,6 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 6,4%... Thế nhưng, cũng từ khi xã đạt chuẩn NTM, đời sống của giáo viên ở đây lại ảnh hưởng ít nhiều.
Cô Hà Thị Tiếp – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Lư - cho biết: Xã đạt NTM, mức thu nhập bình quân của người dân tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nên chế độ bán trú cho học sinh bị cắt giảm. Còn chế độ phụ cấp đứng lớp, khu vực... của giáo viên cũng giảm xuống ngang bằng với miền xuôi. So với trước kia, giờ đây mỗi tháng tổng các khoản phụ cấp và lương của cô Tiếp bị cắt giảm gần 6 triệu đồng.
Xã Tam Thanh (Quan Sơn) tuy chưa đạt chuẩn NTM nhưng vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (vùng III), giáo viên cũng bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp. Theo cô Ngân Thị Thướng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh, trước kia, trường có người hưởng lương và phụ cấp ở mức 8 - 9 triệu đồng/tháng. Hiện, giảm xuống chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Cô Nguyễn Thị Diệp – Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa - cho hay, xã Phú Nghiêm đã đạt chuẩn NTM. Vì vậy, giáo viên bị cắt giảm các khoản phụ cấp hàng tháng khá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhà giáo. Không những vậy, học sinh của nhà trường cũng không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước như trước kia.
“Trường có 162 học sinh, nhưng chỉ còn 2 cháu thuộc diện hộ nghèo và 16 cháu thuộc diện hộ cận nghèo, được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Còn giáo viên thì càng khó khăn hơn khi bị điều chỉnh bởi Quyết định 861”, cô Diệp chia sẻ.
Cũng theo cô Diệp, những giáo viên mới vào ngành, trước kia, lương và phụ cấp được khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, nhưng bây giờ chỉ còn 4,3 triệu đồng/tháng. Nhiều giáo viên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nay bị cắt giảm lại càng khó hơn.
Mong có chính sách riêng cho giáo viên vùng khó
Thu nhập từ nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống gia đình khiến nhiều giáo viên phải tranh thủ làm thêm như bán hàng online, nhận hàng gia công về nhà làm thêm, chăn nuôi gia súc, gia cầm... là thực tế được ghi nhận ở xã NTM.
Cô Phạm Thị Sâm – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trung Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa), quê ở huyện Cẩm Thủy, lấy chồng ở huyện Quan Hóa, nhận công tác tại trường 3 năm nay. Tháng 9/2019, trong lúc từ trường về nhà, cô Sâm không may bị tai nạn giao thông, gẫy 8 chiếc xương sườn, xương đòn và xương cánh tay phải. Sau thời gian điều trị, cô lại tiếp tục bám lớp, bám trường để truyền thụ kiến thức cho học trò.
Giờ đây, ngoài giờ lên lớp, cô giáo Sâm tranh thủ thuê mặt bằng mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt ở trung tâm thị trấn Quan Hóa, để kiếm thêm thu nhập. “Khi em mới vào ngành, lương và phụ cấp của em còn được hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bị điều chỉnh theo Quyết định 861, thu nhập hàng tháng của em chỉ còn chưa đầy 5 triệu đồng. Vì vậy, em bàn với chồng, phối hợp với một cô giáo nữa thuê mặt bằng bán hàng để kiếm thêm thu nhập. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, thì không đủ trang trải cuộc sống của bản thân, chứ chưa nói là nuôi con gái 5 tuổi đang học mầm non”, cô Sâm trải lòng.
Bà Hà Thị Hương – Bí thư Huyện ủy Quan Hóa - cho hay: Huyện có xã Phú Nghiêm đạt chuẩn NTM. Còn lại, sau khi rà soát theo quy định, Quan Hóa không còn xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng III). Do đó, 988 giáo viên của địa phương cũng bị cắt giảm các khoản phụ cấp.
“Giáo viên mầm non và tiểu học phải đi dạy cả ngày, mà thu nhập hàng tháng chỉ được vài triệu đồng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đề nghị lên HĐND tỉnh có giải pháp và quyết sách, cũng như cơ chế sao cho phù hợp, để hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên bớt khó khăn. Bởi lẽ, nếu thu nhập hàng tháng thấp quá, đương nhiên thầy cô phải tìm công việc khác để làm thêm. Như vậy, họ sẽ không còn thời gian chăm lo cho công tác chuyên môn ở trường, lớp, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi”, bà Hương chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, huyện có hơn 900 giáo viên các cấp học (từ mầm non đến THCS). Nhiều thầy, cô giáo là người miền xuôi lên vùng sâu, vùng xa công tác. Tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương và phụ cấp hàng tháng, nay bị cắt giảm khoản phụ cấp nêu trên, đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm, có cơ chế hỗ trợ cho giáo viên, để nâng mức thu nhập hàng tháng lên, kể cả đối với những xã đã đạt chuẩn NTM. Khi có mức thu nhập hàng tháng ổn định, giáo viên sẽ yên tâm và dành thời gian cho công tác chuyên môn hơn”, ông Thư chia sẻ.
Sau khi rà soát các xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quan Sơn còn 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy thuộc vùng III. 10 xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn với gần 800 giáo viên đang công tác ở các nhà trường đều bị cắt phụ cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tâm tư.
Bà Lương Thị Hạnh - Phó Bí thư phụ trách Huyện ủy Quan Sơn - trao đổi: Thời điểm này chúng ta thực hiện theo chuẩn nghèo cũ và kéo dài hết năm 2021. Từ năm sau, sẽ thực hiện chuẩn nghèo theo tiêu chí mới có thể phải rà soát lại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn. Vì thế, tiêu chí chuẩn nghèo mới sẽ nâng mức thu nhập lên, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện vùng 30A sẽ lại tăng cao. Hy vọng, lúc đó đội ngũ giáo viên vùng sâu, xa sẽ được hỗ trợ thêm.