Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Đổi thay nhờ hướng đi đúng

GD&TĐ - Không thể phủ nhận sự thay đổi của làng quê khi thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM). Điện, đường, trường, trạm được bê tông và kiên cố hóa ở thâm sơn cùng cốc. Giáo dục vì thế cũng thay da đổi thịt.

Học sinh Trường THCS Đạo Trù phần lớn là con em đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Học sinh Trường THCS Đạo Trù phần lớn là con em đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát triển trung tâm học tập cộng đồng, đề cao giáo dục suốt đời được các cấp ủy Đảng coi là giải pháp hữu hiệu để người dân nghèo trở thành chủ thể của đổi mới và chủ động đổi mới. 

Diện mạo mới

Những ngày này, bộ mặt nông thôn của xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có sự thay đổi rõ rệt. Điện, đường, trường, trạm khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, không còn bóng dáng của một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như những năm mới bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM.

Chia sẻ về hành trình xây dựng NTM, ông Lý Ngọc Một – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - cho biết: Đạo Trù là xã miền núi xa trung tâm huyện Tam Đảo với hơn 17 nghìn nhân khẩu, trong đó 87,5% là người Sán Dìu. Điều kiện tự nhiên hạn chế, xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên những năm đầu xây dựng NTM, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức được tầm quan trọng, cấp bách trong nhiệm vụ xây dựng NTM, xã Đạo Trù đã sớm thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM theo chỉ đạo của cấp trên. Ban Chấp hành Đảng ủy xã kịp thời ban hành các nghị quyết, chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng NTM. Đồng thời, tổ chức quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Từ đó, để người dân hiểu rõ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, tạo niềm tin cho nhân dân để cùng vào cuộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện.

Từ những chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM có sự thay đổi rõ rệt. Vai trò chủ thể của người dân từng bước được xác định rõ ràng, qua đó khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp tích cực xây dựng NTM.

Cũng theo ông Một, xác định giáo dục là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Đạo Trù đã tập trung nguồn lực, đề xuất với cấp có thẩm quyền đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp cùng ngành Giáo dục trong việc phổ cập giáo dục mầm non, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Đến nay, 6/6 trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Xã đã phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Năm 2017 - 2018, được công nhận là xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương còn quan tâm chỉ đạo mở các lớp học tập cộng đồng để giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng – hiệu quả sản xuất và thu nhập người dân ngày càng được nâng cao.

Điển hình như gia đình ông Lưu Văn Nguyên (thôn Tiên Long, xã Đạo Trù) vốn thuộc diện khó khăn của xã. Từ khi có chương trình NTM, gia đình ông mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi lợn, gà đồi. Ông Nguyên cho biết: Bằng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách cộng với sự giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ thú y, mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi đã bước đầu mang lại thu nhập cho gia đình.

Đến nay, gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn có thể mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho cuộc sống gia đình như: Tivi, tủ lạnh, xe máy... Bên cạnh đó, thu nhập từ chăn nuôi cũng giúp gia đình có điều kiện để chăm lo cho việc học hành của con cái. Gia đình có 2 cháu học tại Trường Đại học Luật và Thủy lợi.

Học sinh khá giỏi, học sinh nghèo được nhà trường và hội khuyến học khen thưởng, động viên.
Học sinh khá giỏi, học sinh nghèo được nhà trường và hội khuyến học khen thưởng, động viên.

Hành trình không có điểm dừng

Ông Lý Ngọc Một cho biết: Xây dựng NTM là mục tiêu có khởi đầu, nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, bên cạnh việc giữ vững những kết quả đã đạt được, xã tiếp tục đầu tư và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao các tiêu chí theo chuẩn mới: Phấn đấu hoàn thành 100% các tiêu chí đạt chuẩn NTM vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2022, nhất là tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu để xã Đạo Trù đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025.

Riêng về tiêu chí giáo dục, xã đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho giai đoạn trước mắt và lâu dài, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng nhiều sau khi xã Đạo Trù về đích NTM và đặc biệt là 3 thôn (Đạo Trù Hạ, Đạo Trù Thượng và thôn Tiên Long) không còn trong Chương trình 135 của   Chính phủ.

Theo chia sẻ của thầy Lê Mạnh Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đạo Trù, nhà trường có hơn 700 học sinh và phần lớn là con em đồng bào Sán Dìu. Kết thúc năm học 2020 - 2021, những chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên từ Chương trình 135 không còn nữa. Nắm bắt được tác động “ngược” của NTM, nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho phụ huynh hiểu; đồng thời tìm nguồn thay thế giáo viên chuyển trường để bảo đảm định biên giáo viên/lớp.

Phong trào khuyến học khuyến tài trên địa bàn xã những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, vào dịp 20/11, UBND xã đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng các thầy cô giáo, học sinh đỗ đạt. Ngoài ra, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được quỹ khuyến học của địa phương giúp đỡ để tiếp tục đến trường. 
Ông LÊ KIM HÙNG (Bí thư Chi bộ thôn Tiên Long, xã Đạo Trù)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ