Cô giáo miền xuôi xung phong lên Yên Bái 'dạy chữ rèn người'

GD&TĐ - Tốt nghiệp Đại học sư phạm, cô giáo Vũ Thị Hạnh xung phong lên huyện miền núi huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để dạy chữ rèn người.  

Cô giáo miền xuôi gắn bó với học sinh dân tộc bằng tình yêu nghề.
Cô giáo miền xuôi gắn bó với học sinh dân tộc bằng tình yêu nghề.

NGƯT Vũ Thị Hạnh, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ cô giáo trẻ miền xuôi, với tình yêu lớn lao cô giáo đã rời xuôi lên ngược, vùng dân tộc để gắn bó cùng sự nghiệp trồng người.

Yêu và gắn bó với nghề

Trường THPT Chu Văn An đóng trên địa bàn huyện Văn Yên, là một huyện vùng cao nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái có 25 xã, 1 thị trấn và 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi khóa học sinh của nhà trường có trên 1/3 là các em học sinh dân tộc ít người. Nhiều em ở những xã vùng sâu, vùng xa của huyện như Xuân tầm, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Thượng, có xã cả trường chỉ có 1 vài em đi học THPT. Các em cách xa trường 30 – 40 km nên thường phải học trọ với muôn vàn khó khăn.

Nhớ lại những ngày tháng gian khó, cô Vũ Thị Hạnh cho biết: Nhiều em không vượt được khó khăn rất muốn bỏ học giữa chừng, những lý do rất đặc biệt là để “cưới vợ”, “lấy chồng”… hay xin nghỉ học vì dòng họ làm lễ “Cấp sắc” cho em. Cô giáo gặp gỡ phụ huynh học sinh để kết hợp động viên các em theo học thì “mẹ em không biết nói tiếng Kinh”… Nhiều cản trở, nhưng xác định trách nhiệm của người thầy nơi vùng cao, đặc biệt với người dân tộc nên cô Hạnh và đồng nghiệp lại càng phải nỗ lực nhiều hơn để không chỉ dạy chữ mà còn giúp tạo nguồn nhân lực sau này phục vụ, xây dựng bản làng.

NGƯT Vũ Thị Hạnh trong tình yêu của các em học sinh dân tộc Trường THPT Chu Văn An.

NGƯT Vũ Thị Hạnh trong tình yêu của các em học sinh dân tộc Trường THPT Chu Văn An.

Để thực hiện điều đó, cô giáo Vũ Thị Hạnh và các đồng nghiệp đã đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để các em được theo học tốt nhất. Cùng giáo viên chủ nhiệm, cô Hạnh tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của từng em để tìm ra giải pháp giúp các em được theo học và học tập tiến bộ.

Có những em cả lãnh đạo nhà trường, cả cô giáo chủ nhiệm đều không động viên được thì lại phải nhờ đến chính quyền địa phương, nhờ trưởng bản thuyết phục gia đình. Chính vì vậy, những năm gần đây tỷ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh dân tộc bỏ học còn rất thấp (dưới 1%).

Tình yêu nghề của cô giáo Vũ Thị Hạnh lớn dần theo năm tháng, các em học sinh dân tộc ít người đã đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Năm học 2022 – 2023 đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của trường có tới 21 em là con em dân tộc ít người.

Trong đó có em Bàn Thị Kim Thư, dân tộc Dao đạt giải nhì cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Lịch Sử; Em Đặng Thị Thu Quỳnh, dân tộc Tày giải nhì môn Vật lý cấp tỉnh, đoàn viên 3 tốt, đại diện cho đoàn viên tỉnh Yên Bái tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc năm 2022. Năm học 2021-2022, hai anh em sinh đôi dân tộc Tày là Trần Hà Phúc và Trần Hà Yên đều đạt giải HSG cấp tỉnh môn Sinh học và cùng đỗ Học viện Quân y.

Niềm vui lớn của cô giáo

Nhớ về những kỷ niệm của mình với học trò, cô giáo Vũ Thị Hạnh tâm sự: Gần 30 năm về trước, lớp tôi có một cậu học trò dân tộc Tày thuộc xã Đông Cuông, thường xuyên ngủ quên, trốn tiết, bỏ giờ và chán học. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thì được biết em rất thông minh nhưng lại rất mải chơi. Gia đình cũng khuyên bảo không được đành bắt em phải bỏ học về nhà làm nương rẫy. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy áy náy vì mình chưa tròn trách nhiệm, nên đã gặp gia đình, xin cho em tiếp tục theo học và đón em về ở cùng với gia đình mình để tiện khuyên bảo và dạy dỗ em.

NGƯT Vũ Thị Hạnh luôn đồng hành cùng phong trào và kết quả các kỳ thi học sinh giỏi của trường.

NGƯT Vũ Thị Hạnh luôn đồng hành cùng phong trào và kết quả các kỳ thi học sinh giỏi của trường.

Căn nhà gỗ vách đất 2 gian, chưa có buồng riêng với hai vợ chồng và một đứa con còn nhỏ, giờ thêm 1 cậu học sinh cá biệt đã làm đảo lộn nhiều sinh hoạt của gia đình. Nhiều hôm nửa đêm, cô còn phải cùng chồng đi tìm cậu học trò vì không thấy em về nhà. Nhưng cũng may, với sự yêu thương gần gũi, kiên trì và giáo dục sát sao, em học sinh ấy không chỉ hoàn thành chương trình lớp 12 mà còn thi đỗ đại học Lâm nghiệp, giờ lập nghiệp rất thành công bên những cánh rừng bạt ngàn tại Đà Lạt, Lâm Đồng, năm nào cũng về thăm cô chủ nhiệm và coi cô như người mẹ thứ hai.

Một bạn học sinh khác sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề Y, cũng lại quá ham chơi, có lúc bố mẹ đã phải mua xích để xích chân em lại mỗi khi đi làm. Là giáo viên dạy môn Sinh học, cô đã động viên, khích lệ. Nhiều buổi tối một cô một trò bên những trang sách để lấp kiến thức hổng, tạo động lực cho em phấn đấu và dần dần cậu học trò bé nhỏ đã nghiện môn Sinh học.

Lớp 11 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, lớp 12 đạt giải Ba cấp Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội. Giờ đây, em đã trở thành Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa Nội Thần kinh và công tác tại Bệnh viện E Hà Nội.

Được biết, thành tích dạy học của NGƯT Vũ Thị Hạnh lớn dần theo năm tháng. Đến nay số học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia do cô dạy và bồi dưỡng là 111 giải HSG (102 giải cấp tỉnh: 9 HSG giải cấp Quốc gia), 3 lần cô giáo được nhận giải thưởng “Viên phấn vàng” do UBND huyện Văn Yên trao tặng.

Nhiều học sinh, trong đó có những học sinh dân tộc ít người do nhà giáo trực tiếp giảng dạy đã trở thành các bác sỹ, kỹ sư, thầy cô giáo... trở về phục vụ quê hương, phục vụ bản làng và trở thành cán bộ nòng cốt của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt nhiều học sinh của cô giáo đã và đang làm giàu đẹp cho quê hương, dân tộc mình.

Đây là một GV có chuyên môn giỏi, tâm huyết, tận tuỵ với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu, đặc biệt là học sinh dân tộc. Cô giáo đã có nhiều đóng góp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục của trường và của ngành. Ghi nhận thành tích đó, cô giáo Vũ Thị Hạnh đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 2017 và Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020, cô giáo đang được Hội đồng cấp tỉnh Yên Bái đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân lần thứ 16, năm 2023. - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, Vương Văn Bằng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.