Nông thôn mới giúp các huyện vùng cao giảm lớp ghép

GD&TĐ -  Điểm trường Hà Quảng, Trường PTDTBT TH&THCS Hòa Bình, năm học 2023-2024 toàn huyện chỉ còn một lớp ghép lớp 1+2 với 10 học sinh.

Hiện toàn huyện Văn Quan có duy nhất một lớp ghép lớp 1+2
Hiện toàn huyện Văn Quan có duy nhất một lớp ghép lớp 1+2

Cả huyện còn duy nhất 1 lớp ghép

Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện Văn Quan (Lạng Sơn), hiện toàn huyện có 40 điểm trường lẻ trong đó mầm non 24 điểm và tiểu học 16 điểm.

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan: “Nhiều năm qua ngành Giáo dục huyện luôn nỗ lực hết sức để xoá tình trạng lớp ghép, các điểm trường lẻ. Vì vậy, đến thời điểm này chúng tôi còn duy nhất 1 lớp ghép hai trình độ 1 và 2. Song chất lượng giáo dục lớp ghép đảm bảo theo chương trình giáo dục tiểu học.

Bên cạnh đó, đối với lớp ghép này chúng tôi yêu cầu chọn giáo viên là người có kinh nghiệm, biết nhiều thứ tiếng dân tộc để đứng lớp nhằm gần gũi với học trò, phụ huynh, dễ dàng chia sẻ, trao đổi. Đối với những học sinh nào chưa thành thạo tiếng phổ thông cô giáo có thể dùng tiếng mẹ đẻ của các em để giảng giải thêm”.

Được biết, để xoá lớp ghép, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền cho đội ngũ giáo viên nhân viên, phụ huynh học sinh về chủ trương giảm điểm trường lẻ.

Cụ thể, đối với các điểm trường lẻ quy mô nhỏ, đường giao thông thuận lợi nhà trường, giáo viên tuyên truyền cho phụ huynh hiểu những mặt tích cực khi học tập trung, chỉ ra những hạn chế khi học sinh phải học lớp ghép, các điểm trường lẻ.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động các giáo viên nhà ở gần các điểm trường lẻ, trên đường đi dạy có thể đưa đón học sinh đi cùng; tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh ở xa để các phụ huynh và học sinh yên tâm học tập. Đối với những em nhà xa, chúng tôi đặc biệt quan tâm để các em không cảm thấy cô đơn hay lạc lõng khi xa gia đình”, ông Ngô Văn Hiền cho biết thêm.

Hiện toàn huyện có 40 điểm trường lẻ trong đó mầm non 24 điểm lẻ, tiểu học 16 điểm trường lẻ.

Hiện toàn huyện có 40 điểm trường lẻ trong đó mầm non 24 điểm lẻ, tiểu học 16 điểm trường lẻ.

Nông thôn mới hỗ trợ giảm điểm trường, lớp ghép

Hiện nay, nhiều xã ở huyện Văn Quan đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, đường sá đi lại thuận lợi hơn, trường lớp, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được được đầu tư đầy đủ vì vậy các trường có lớp ghép, điểm trường học tạm có thể đón trò về trường để học tập trung.

Ông Ngô Văn Hiền cũng phân tích thêm, khi giảm lớp ghép, điểm trường lẻ, giáo viên thực hiện dạy học và các hoạt động giáo dục thuận lợi hơn; có điều kiện hướng dẫn, kèm cặp các em học tập được tốt hơn, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Học sinh được về trường chính học tập với đầy đủ các thiết bị dạy học, trường lớp khang trang, sạch đẹp đặc biệt chương trình GDPT 2018 học sinh được học môn Tin học, tiếng Anh và được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ năng khiếu phát triển toàn diện năng lực phẩm chất học sinh.

Bên cạnh đó đối với các điểm trường xa, Phòng Giáo dục đã tham mưu các cấp tăng cường đầu tư trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị học tập tại điểm trường chính cho các em học sinh học tập và vui chơi; tham mưu cho UBND đầu tư làm đường giao thông thôn xóm để phụ huynh và học sinh đi học thuận lợi hơn.

“Tuy nhiên cũng có những khó khăn, các em học sinh phải đi học với quãng đường xa hơn. Nhiều trường giáo viên phải hỗ trợ phụ huynh đưa đón học trò. Riêng đối với một số em xa quá phải ở bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 mới được về nhà đó cũng là điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng và trăn trở”, ông Ngô Văn Hiền bày tỏ.

“Phụ huynh, học sinh chúng tôi chủ yếu là người dân tộc. Nhiều gia đình chưa thực sự sát sao cũng như quan tâm đến việc học tập, phát triển thế mạnh của con. Do đó để họ hiểu và đồng lòng, toàn ngành giáo dục phải tăng cường tuyên truyền vận động, giáo viên nhà trường phải gần gũi để phân tích, hướng dẫn nhằm tạo cho học trò một môi trường học tập tốt nhất”, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ