Đón trò ra trường chính để giảm lớp ghép

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo đang nỗ lực để xoá các điểm lớp ghép, đón học trò về trường chính học.

Học tập trung học trò có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Học tập trung học trò có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm.

37 lớp ghép trên toàn huyện

Huyện Tuần Giáo ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên với 19 xã, thị trấn. Toàn huyện có 25 cơ sở giáo dục có học sinh tiểu học. Ngoài điểm trường trung tâm, có 66 điểm trường lẻ trong đó có điểm trường xa nhất cách trung tâm huyện hơn 70 km.

Năm học 2023-2024 toàn huyện 37 lớp ghép 637 học sinh (lớp ghép trình độ 1+2). Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên): “Trong những năm qua cùng với việc thực hiện chương trình GDPT 2018 và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, chất lượng giáo dục lớp ghép luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường. Vì vậy, chất lượng học tập của học trò có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Phòng GD&ĐT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó giảm số lớp ghép bằng cách đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở bản lẻ về trung tâm theo hướng dẫn số 550/UBND-VXKG ngày 9 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh.

Năm 2018 - 2019 toàn huyện có 45 lớp với 777 học sinh sau khi thực hiện phương án đưa học sinh về trung tâm năm học 2023 - 2024 chỉ còn 37 lớp với 637 học sinh (giảm 8 lớp, 140 học sinh).

Trước đó, để việc giảm lớp ghép hiệu quả ngành Giáo dục huyện đã thực hiện công tác điều tra, nắm bắt chính xác số trẻ trong độ tuổi tại các điểm trường để bố trí, sắp xếp lớp theo từng độ tuổi, đảm bảo theo quy định;

“Chỉ bố trí lớp mẫu giáo ghép khi không đủ số lượng trẻ để biên chế thành lớp đơn. Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, huy động vận động người dân đưa trẻ đến học tập trung. Đối với những điểm trường có khoảng cách gần, đi lại thuận tiện, đủ số lượng trẻ chúng tôi yêu cầu các trường bố trí lớp đơn theo quy định”, ông Đỗ Văn Sơn nói.

Một tiết học của cô trò vùng cao.

Một tiết học của cô trò vùng cao.

Những thuận lợi và khó khăn

Theo ông Đỗ Văn Sơn, quá trình giảm số lớp ghép triển khai ở Tuần Giáo có những thuận lợi như: Việc đưa học sinh về trung tâm giảm số lớp và định mức biên chế; nhiều chế độ hỗ trợ học sinh như chế độ hỗ trợ chi phí học tập, chế độ bán trú.

Khi học sinh học tập trung thuận lợi trong việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chăm sóc và giáo dục. Học trò có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn nhằm đảm bảo phù hợp với phát triển theo độ tuổi.

Song song với những thuận lợi, ngành Giáo dục Tuần Giáo cũng phải đối mặt với những khó khăn như, học sinh về trung tâm để giảm lớp ghép chỉ thực hiện lớp 3, 4, 5. Lớp 1, 2 các em còn nhỏ cần sự chăm sóc của gia đình.

Phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về việc đưa học sinh về trung tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho con em mình; lo ngại về việc đưa đón; học sinh hoạt xa gia đình; một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm phối hợp trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, còn ỷ lại phó mặc cho nhà trường.

Đối với cơ sở vật chất tại một số trường nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu phòng ở bán trú phải thuê trọ nhà dân gần trường, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài bởi lứa tuổi tiểu học dễ dàng học theo những hành động ngoài xã hội khi ở xa gia đình.

“Một số trường có học sinh bán trú, nhà trường phải thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh trong những ngày các em ở lại ăn, ngủ tại trường nhưng không không được hưởng chế độ như các trường bán trú”, ông Đỗ Văn Sơn nói.

“Lớp học ghép nhiều trình độ thường xa trung tâm, giáo viên phải dạy nhiều trình độ trong 1 lớp nên chất lượng có mặt còn hạn chế nhất định như bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh mũi nhọn, rèn kĩ năng sống, tổ chức hoạt động trải nghiệm”, ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo thẳng thắn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.