Tăng cường giải pháp đẩy mạnh hiệu quả trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Triển khai dạy học môn tích hợp theo Chương trình GDPT 2018, các trường học đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn.

Tăng cường giải pháp đẩy mạnh hiệu quả trong dạy học môn tích hợp.
Tăng cường giải pháp đẩy mạnh hiệu quả trong dạy học môn tích hợp.

Giải pháp cụ thể cho từng phân môn

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã tích cực phối hợp, đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn tích hợp.

Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, các thầy cô sẽ thực hiện dạy lần lượt theo mạch kiến thức. Giáo viên chuyên môn Hoá - Sinh dạy các mạch kiến thức Chất, Sự trao đổi chất và Vật sống, giáo viên chuyên môn Vật lí dạy mạch kiến thức Năng lượng. Đối với một số đơn vị thiếu đội ngũ giáo viên theo phân môn Hoá, Sinh hoặc Vật lí, trong mỗi học kỳ, nhà trường sẽ chủ động xây dựng thời gian giảng dạy phù hợp cho giáo viên.

Đồng thời, các đơn vị luôn tích cực, chủ động chỉ đạo các nhóm giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên trao đổi, chia sẻ kiến thức trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nhằm thực hiện tốt các nội dung chung, các nội dung tích hợp, nội dung kiểm tra trong môn Khoa học tự nhiên.

Đối với bộ môn Lịch sử và Địa lí, do đa số giáo viên được đào tạo đơn môn, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường bố trí giáo viên thực hiện dạy theo 2 phân môn. Một số tiết thuộc phần chung, các giáo viên Lịch sử và Địa lí cần đảm bảo kiến thức, phối hợp đạt hiệu quả cao nhất.

Phát huy tính chủ động của người dạy và học

Năm học 2023-2024, trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên) có 18 lớp, với tổng số 554 học sinh. Năm học này, nhà trường tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1,2,3,4 đối với cấp học tiểu học và lớp 6,7,8 đối với cấp học THCS.

Cô Dương Thị Phong, Hiệu trường trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ chia sẻ: Trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, nhà trường luôn tạo điều kiện mở các chuyên đề trao đổi, điều chỉnh phân phối chương trình, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, hợp lý đồng thời tập trung đầu tư, trang bị công nghệ thông tin, các thiết bị dạy học hiện đại,… tăng cường sự chủ động cho cả thầy và trò trước những yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo cô Phong, đối với những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên hiện vẫn do giáo viên phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách. Trong khi đó, môn Lịch sử và Địa lý, nhà trường có thuận lợi vì giáo viên được đào tạo đại học chuyên ngành kép Lịch sử - Địa lý tạo thuận lợi cho công tác soạn bài, lên lớp và liên kết các mạch kiến thức của cả 2 phân môn.

Một tiết học bộ môn Khoa học tự nhiên tại lớp 7A trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên).
Một tiết học bộ môn Khoa học tự nhiên tại lớp 7A trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên).

Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ cho rằng: Việc tích hợp nội dung của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi các giáo viên cần đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, bên cạnh việc tham gia tập huấn, bồi dưỡng, cũng cần tích cực trao đổi kinh nghiệm tại các buổi sinh hoạt chuyên môn ở cả ba phân môn, dự giờ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp,...

Ưu điểm của Chương trình GDPT 2018 đó là không đặt nặng về kiến thức, mà tập trung vào năng lực của học sinh. Vì vậy, học sinh, để học tốt môn này, ngoài việc chăm chú nghe giảng, các em cũng phải chủ động trong việc học, từ việc chuẩn bị bài tập ở nhà theo yêu cầu, HS cũng cần thực hành nhiều hơn thay vì học những kiến thức lý thuyết, máy móc.

Sau mỗi bài dạy, cô Nguyên cũng thường cho học trò vẽ sơ đồ tư duy về nội dung đã học để có cái nhìn tổng quát. Ngoài ra, cô cũng thường xen kẽ trò chơi khi giảng dạy hoặc sử dụng phương pháp thuyết trình. Với phương pháp này, học sinh sẽ chuẩn bị nội dung thảo luận để nảy ra vấn đề, từ đó giáo viên sẽ kết luận.

“Sau hơn 3 năm triển khai chương trình dạy môn tích hợp, hầu hết các thầy, cô đã làm quen với công việc này. Nhờ vậy, những khó khăn từng bước được tháo gỡ qua sự phân công phù hợp, nhịp nhàng giữa các giáo viên, phương pháp dạy học tích hợp đã và đang tạo được hiệu ứng tích cực trong nhà trường”, cô Dương Thị Phong, Hiệu trường trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.