Nông sản bị bế tắc

GD&TĐ - Kể từ khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2, hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine tại Biển Đen đã bị đình trệ nghiêm trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước chiến tranh, trung bình mỗi tháng Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn nông sản sang Trung Đông, châu Á và châu Phi qua Biển Đen.

Nhưng sau chiến tranh, các cảng Ukraine dọc Biển Đen đã bị phong tỏa. Nước này chỉ có thể xuất khẩu qua hệ thống đường sắt, hệ thống đường thuỷ qua sông Danbue. Ước tính vào tháng 5, chỉ 15 - 20% khối lượng nông sản được xuất khẩu. Với công suất này, Ukraine phải mất hơn một năm mới giải phóng hết số lượng ngũ cốc đang tồn đọng, chưa kể đến số lượng nông sản sắp thu hoạch.

Tình hình trên, cùng với hàng loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây đối với Nga và Belarus – hai nước xuất khẩu lúa mì thuộc hàng đầu thế giới, đã dẫn đến tình trạng giá cả tăng vọt và gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Trong đó, các nước nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi buộc phải trả nhiều tiền nhưng nhận được ít lương thực hơn.

Để ngăn chặn tình hình diễn biến xấu, đầu tháng 6, Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga và Ukraine cùng Thổ Nhĩ Kỳ - nước láng giềng và là thành viên của NATO, đạt được thỏa thuận về hành lang hàng hải an toàn cho các tàu vận chuyển ngũ cốc đi qua Biển Đen.

Tuy nhiên, mong muốn này sẽ khó thành hiện thực do vấp phải nhiều trở ngại liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine. Mỹ cáo buộc Nga biến lương thực thành vũ khí ở Ukraine và khả năng cao gây ra “chiến tranh lúa mì” toàn cầu. Ngược lại, Nga cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm cho vấn đề trên khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Dù với bất kể lý do nào, việc xuất khẩu nông sản tại Ukraine hiện nay là một thách thức đòi hỏi sự vào cuộc và nhượng bộ của nhiều bên liên quan.

Trao đổi với các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng tìm cách vận chuyển ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine nhưng yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, Nga cho rằng Ukraine cần rà phá thuỷ lôi tại các cảng ở Biển Đen nếu muốn nối lại các kênh xuất khẩu lương thực. Nếu Kiev thực hiện động thái này, Nga sẽ đảm bảo tuyến hành lang hàng hải an toàn cho các tàu chở ngũ cốc xuất phát từ Ukraine với sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng phía Kiev đã bác bỏ đề xuất này bởi mục tiêu hàng đầu hiện nay của Ukraine là “đảm bảo an ninh”.

Kể cả đạt được thỏa thuận trên, Ukraine có thể mất ít nhất 2-3 tháng để rà phá thuỷ lôi và cần sự tham gia hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Romania. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đẩy chi phí xuất khẩu lên cao vì chi phí bảo hiểm cho các chuyến tàu sẽ rất lớn.

Còn việc vận chuyển qua các tuyến giao thông khác tại Ukraine không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu hiện nay và việc vận chuyển qua đường tàu hỏa, đường thuỷ qua sông Danube hết sức phức tạp và tốn kém.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây loay hoay tìm kiếm biện pháp giải phóng số nông sản tồn đọng tại Ukraine, người dân châu Phi đang lâm vào cảnh chết mòn vì thiếu lương thực. Báo động đỏ từ Liên Hợp Quốc vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.