Các chính sách này dẫn đến hệ quả làm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng.
Làn sóng hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đang ngày càng lan rộng, bắt đầu từ chính Nga và Ukraine. Trong đó, Ukraine hạn chế xuất khẩu dầu hướng dương, lúa mì, yến mạch và gia súc nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá. Còn Nga thì cấm xuất khẩu đường, ngũ cốc và phân bón phục vụ canh tác.
Một quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, nước sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ trên thế giới, cũng đã cấm tạm thời xuất khẩu mặt hàng dầu cọ từ cuối tháng 4, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang ngừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, ngô và dầu thực vật. Các chính sách hạn chế xuất khẩu này đang đẩy giá ngũ cốc, dầu, thịt và phân bón vốn đã ở mức cao kỷ lục càng trở nên đắt và khó mua hơn.
Diễn biến trên đặt ra gánh nặng đối với tầng lớp người nghèo trên khắp thế giới, những người đang phải dành một phần lớn thu nhập của mình cho việc mua thực phẩm. Ngoài ra, các nước nghèo cũng trở nên dễ bị tổn thương khi phải đứng trước những rủi ro về bất ổn an ninh lương thực.
Theo thống kê của Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), từ đầu năm 2022 đến nay, các quốc gia đã áp đặt 47 lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các loại lương thực, thực phẩm và phân bón, trong đó có tới 43 lệnh được áp dụng kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.
Ngay cả một cường quốc như Mỹ cũng chịu ảnh hưởng, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen mới đây thừa nhận đại dịch và chiến tranh đã cho thấy các chuỗi cung ứng của Mỹ không an toàn và linh hoạt.
Trong số các hàng rào bảo hộ lương thực đang được các nước dựng lên thì dày đặc nhất là liên quan đến mặt hàng lúa mì. Trước chiến sự, Nga và Ukraine xuất khẩu hơn 1/4 lượng lúa mì của thế giới. Nhưng kể từ khi xung đột nổ ra, lần lượt Nga, Ukraine và một nước xuất khẩu lúa mì lớn khác là Belarus bắt đầu hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.
Nguồn cung lúa mì thế giới càng khó khăn hơn trong những tháng sắp tới, vì vụ lúa mì vào mùa hè của Ukraine đang bị gián đoạn do chiến tranh. Hệ quả là hiện các cửa hàng tạp hóa ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Anh đã bắt đầu hạn chế về số lượng ngũ cốc hoặc dầu ăn mà mọi người có thể mua.
Trong khi đó, một số lệnh cấm xuất khẩu không liên quan đến chiến sự nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng đến động lực tăng giá trên toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đối với dầu cọ, một thành phần chính của thực phẩm đóng gói, nhằm giữ giá dầu ăn ở mức phải chăng cho các hộ gia đình Indonesia đã gây hiệu ứng toàn cầu. Cộng với nguồn cung dầu hướng dương thay thế từ Ukraine bị đình trệ đang đẩy giá dầu thực vật tăng vọt trên khắp thế giới.
Nếu cuộc xung đột Nga – Ukraine không sớm hạ nhiệt và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch không sớm được giải quyết thì thế giới sẽ sớm chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực trên diện rộng. Trong đó, những người thuộc tầng lớp nghèo và các quốc gia kém phát triển ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.