Nóng đòn trừng phạt dầu mỏ Iran

GD&TĐ - Giữa tuần qua, Mỹ đã bắt đầu các đòn trừng phạt các đối thủ cũng như bạn bè đã nhập khẩu dầu Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Nhà Trắng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn dự kiến trong việc ngăn chặn xuất khẩu năng lượng của Tehran, đồng thời các quan chức chính quyền của Tổng thống Trump sẽ phải đối phó với phản ứng của Iran.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran sẽ vẫn xuất khẩu dầu mỏ
Nhiều nhà phân tích cho rằng sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran sẽ vẫn xuất khẩu dầu mỏ

Khó loại bỏ hoàn toàn

Khi chính quyền Mỹ chấm dứt các miễn trừ cho phép tám quốc gia tiếp tục mua dầu thô và nước ngưng của Iran, một quan chức Mỹ cho biết họ đang lo ngại về phản ứng từ phía Tehran, nhất là khi những phản ứng này có thể nhắm vào các tài sản của Mỹ ở Trung Đông, khiến căng thẳng với Mỹ và khu vực leo thang.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran ở mức khá sâu và hướng tới loại bỏ hoàn toàn lượng dầu xuất khẩu của Iran. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng nhiều quốc gia sẽ nỗ lực tìm cách lách qua các biện pháp trừng phạt tiềm năng bằng buôn lậu và sử dụng các tập đoàn có ít kết nối với hệ thống tài chính của Mỹ.

Các cuộc xung đột quốc tế, sự cạnh tranh các ưu tiên chính sách đối ngoại cũng như sự tập trung mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump vào tác động chính trị của giá xăng dầu có thể khiến cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran giảm từ 1,1 triệu đến 1,3 triệu thùng mỗi ngày xuống bằng 0.

“Tôi không nghĩ dầu Iran sẽ ngừng chảy”, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg nhận định. Trong khi mong đợi “một sự giảm giá lớn”, thì bà Rosenberg cũng nhấn mạnh rằng “nó sẽ không về không. Mỹ đang đứng trước một thách thức lớn”.

Thẳng tay cắt giảm miễn trừ

Vào tháng 11/2018, chính quyền Mỹ đã chấp nhận 8 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn trừ tiếp tục được nhập khẩu dầu thô và nước ngưng của Iran, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hy Lạp và Italia. Dự kiến, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được gia hạn khi miễn trừ hết hạn vào tháng 5 năm nay.

Vì thế, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố về thị trường năng lượng ngày 22/4, không ít người tỏ ra bất ngờ. “Hôm nay tôi thông báo rằng chúng tôi sẽ không cấp bất kỳ khoản miễn trừ nào nữa - ông Pompeo nói - Chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp trừng phạt và giám sát việc tuân thủ. Bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào tương tác với Iran nên thận trọng. Đơn giản là lợi ích (của họ) sẽ không đáng giá so với nguy cơ họ phải gánh chịu”.

Việc tập trung vào xuất khẩu dầu là bước mới nhất trong chiến dịch “áp lực tối đa” của chính quyền Mỹ nhằm tạo ra sự thay đổi bên trong Iran - một nỗ lực mà nhiều người cho rằng mục đích chính là nhằm thay đổi chế độ ở nước này. Việc Mỹ gây áp lực mạnh mẽ tới Iran đã khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu xa lánh, nhất là khi họ còn mắc kẹt với thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã thẳng tay từ bỏ. Không chỉ thế, các xích mích về cách tiếp cận của Mỹ với Iran có thể làm suy yếu các ưu tiên chính sách đối ngoại khác, nhất là khi Nhà Trắng đang nỗ lực củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ và đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Hai ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đăng đàn, ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội châu Á ở New York: “Chúng tôi tin rằng Iran sẽ tiếp tục bán dầu” - ông nói - “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng và sẽ tiếp tục sử dụng eo biển Hormuz như một lối đi quá cảnh an toàn cho việc xuất khẩu dầu mỏ”.

Ông cũng cảnh báo thêm: “Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp nhằm cố gắng ngăn chúng tôi xuất khẩu dầu, thì đó là một điều điên rồ. Họ nên chuẩn bị cho hậu quả phải gánh chịu”, ông Zarif nói.

Kịch bản cho phản ứng của Iran

Các quan chức an ninh Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, Tehran có thể đáp ứng một cách quá khích bằng cách nhắm mục tiêu vào các cơ sở và nhân viên Mỹ trên khắp Trung Đông. Tuy nhiên, theo Henry Rome, một nhà phân tích của Eurasia Group, Iran sẽ không có xu hướng phản ứng mạnh mẽ. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm một số hình thức đàm phán với Mỹ, hoặc cố gắng chèo chống và hy vọng vào người kế nhiệm ông Trump.

“Ngược lại, nếu người Iran chọn cách đáp trả các biện pháp trừng phạt này một cách cứng rắn, thì tôi cho rằng mối đe dọa số một là thông qua mạng, chẳng hạn như phá hủy một nhà máy lọc dầu của Saudi hay phá hoại các ngân hàng ở Trung Đông”, ông Rome nói.

Các chuyên gia cho rằng, Iran sẽ tiếp tục buôn dầu qua Pakistan, Iraq, Afghanistan và một số điểm trung chuyển khác. Theo ông Rome: “Sau tháng 5, chắc chắn vẫn sẽ có dầu thô Iran tiếp cận thị trường, chỉ có điều với số lượng nhỏ hơn đáng kể”.

So với chính quyền Obama, chính quyền Trump giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran nhiều hơn, trong một khoảng thời gian ngắn và với ít sự hợp tác quốc tế hơn. Tuy nhiên, có thể cách mà ông Trump đang duy trì sẽ gây xáo trộn mạnh mẽ cho thị trường dầu quốc tế và cũng như mối quan hệ song phương của Mỹ với các nhà nhập khẩu dầu chính của Iran.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ