Nơi đàn ông đội vương miện hoa

GD&TĐ - “Hoa nam”, đó là biệt danh mà người Ả rập Xê - út dùng để gọi cánh đàn ông Qahtanite, vì họ luôn đội vòng hoa trên đầu. Các trai tráng trẻ trung đội vòng hoa cực kỳ sặc sỡ, được kết từ rất nhiều loại hoa. Còn các bác trung niên thì đội vòng lá, thường là kết bằng cây húng dại.

“Hoa nam”.
“Hoa nam”.

“Người đẹp” là phái mạnh

Ngày nay, nếu đến vùng ‘Asir của Ả rập Xê - út, bạn sẽ thấy vô số các tiệm bán “vương miện hoa”. Chúng là những vòng hoa được kết từ cỏ cây, hoa lá của địa phương, và là một phần trong trang phục truyền thống của đàn ông Qahtanite.

Trong khi cả thế giới cho rằng hoa gắn liền với nữ giới thì ở nơi này, các đấng mày râu mới là “phái đẹp” với vòng hoa kiêu sa, rực rỡ trên đầu.

Với các du khách ưa selfie, ‘Asir đúng là một vùng đất lý tưởng. Mua một vòng hoa và đội nó lên đầu, thế là cả khuôn mặt như nở bừng xuân sắc. Nhưng đàn ông Qahtanite không phải chỉ đội “vương miện” hoa cho có duyên, họ còn đội nó để thể hiện một thái độ thân thiện cực kỳ đáng mến. Đó là lòng yêu cỏ cây và sự hòa bình.

Hiện tại, phần lớn người Qahtanite đều tập trung ở vùng phía nam của Bán đảo Ả Rập. Họ tự xưng là hậu duệ của Ishmael, con trai của Ngôn sứ Abraham, nhân vật được cho là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập (theo Kinh thánh Do Thái). Hoa nam (Flower Men) là biệt danh dùng để gọi đàn ông Qahtanite, vì họ có phong tục đội vòng hoa ở trên đầu.

Thú vị là việc chọn vòng hoa còn phụ thuộc vào tuổi tác của mỗi đấng mày râu nữa. Theo đó, những thanh niên sẽ đội vòng hoa được kết từ hoa, thường là hoa cúc và hoa nhài. Họ cũng thi đua xem ai là người đẹp nhất. Còn cánh trung niên thì chỉ đội vòng hoa kết bằng cỏ, lá mà thôi, thường là dùng cành cây húng dại.

Một số anh em đội vòng hoa hàng ngày, như một kiểu phụ kiện làm đẹp vậy. Một số khác lại chỉ đội vòng hoa trong các ngày lễ. Đặc biệt, hầu hết hoa cỏ được dùng để tết vòng hoa đều thuộc về các loài thảo dược. Vì thế, chúng còn được nam giới Qahtanite đội vì mục đích chữa bệnh khi đau ốm.

Một ngôi làng cổ của người Qahtanite.
Một ngôi làng cổ của người Qahtanite.

Làm nhà nơi hiểm trở

Miền đất của các hoa nam, ‘Asir là một cao nguyên có mưa nhiều nhất vương quốc Ả rập Xê - út. Trên các sườn đồi, ruộng bậc thang xếp tầng xanh mướt, đẹp diệu kỳ. Cư dân Qahtanite chủ yếu sống bằng nghề nông. Họ trồng lúa mỳ, cà phê và cây ăn trái.

Thực chất, người Qahtanite cũng mới chỉ đến định cư ở ‘Asir được khoảng 350 năm. Trước đó, họ sinh sống ở Najd và Hijaz. Vì không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của đế chế xâm lược Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), một số gia đình đã dắt díu nhau bỏ trốn. Thế rồi họ gặp được ‘Asir, mảnh đất tuy lắm vách đá cheo leo nhưng cũng chính nhờ thế mà lại an toàn.

Năm tháng trôi qua, các thế hệ Qahtanite nối tiếp chào đời, mỗi ngày một chăm chỉ làm lụng, mưu cầu được sống trong an lành. Song đến Thế kỷ XX, họ lại bị lực lượng trung thành với Nhà Saud, gia tộc nắm quyền cai trị của Ả rập Xê - út, làm phiền. Cuối cùng, vào năm 1932, ‘Asir bị sáp nhập vào vương quốc.

Thực tế, rất khó để xâm nhập các khu định cư của người Qahtanite, vì họ chia thành các nhóm nhỏ và dựng làng trên các địa thế cực kỳ hiểm trở. Nguyên nhân thì đã rõ ràng rồi, là để tự vệ và tránh bị cướp bóc.

Giả dụ như muốn tấn công làng Habala (có nghĩa là “Dây thừng”), bè lũ xâm lược sẽ buộc phải đu thang bằng dây thừng mà vào. Nhưng từ thập niên 1990, chính phủ Saudi đã cho làm cáp treo để dễ bề tiếp cận. Thế nên nếu muốn ghé thăm Habala lúc này, du khách chỉ việc ngồi thảnh thơi ngắm cảnh trên khoang cáp treo ít phút.

Cáp treo để tới làng Habala vốn phải đu dây thừng mới vào được.
 Cáp treo để tới làng Habala vốn phải đu dây thừng mới vào được.

Sự đền đáp xứng đáng

Trong nửa cuối Thế kỷ XX, chính phủ Ả rập Xê - út buộc người Qahtanite phải rời khỏi các ngôi làng gần như biệt lập giống như Habala, để tới các khu định cư mới có đầy đủ cơ sở vật chất, tiện ích y tế, giáo dục.

Người Qahtanite đã đồng ý rời đất tổ, nhưng bất chấp nỗ lực hiện đại hóa của chính quyền, họ kiên quyết giữ gìn phong tục tập quán của cha ông.

Không phụ công họ, tất cả những gì được gìn giữ ấy hiện đều trở thành phương tiện thu hút du khách. Trong những quán ăn nhỏ nằm rải rác trên con đường quanh co tiến lên đỉnh Jabal Sawda, ngọn núi cao nhất của Ả rập Xê - út, các nhân viên phục vụ là nam giới vẫn đội vòng hoa truyền thống trên đầu, lịch thiệp bưng cơm nước phục vụ thực khách.

Trong khu du lịch Habala, các hướng dẫn viên địa phương duyên dáng với trang phục truyền thống, quấn khăn kẻ sọc sặc sỡ quanh thắt lưng. So với kiểu ăn mặc kín bưng của phụ nữ Ả Rập, cánh chị em Qahtanite diện đồ thoải mái hơn. Họ không đội vòng hoa như nam giới, nhưng khoe khăn trùm đầu rực rỡ, đầy hình thêu và tua rua phức tạp màu vàng, đỏ, xanh.

Ở ‘Asir cũng vẫn còn các tòa nhà bằng bùn đất và đá được xây dựng từ khoảng 200 năm trước. Hiện tại, chúng không còn được người dân sử dụng nữa, mà chỉ để phục vụ du khách hiếu kỳ muốn tận mắt chiêm ngưỡng kỹ thuật xây dựng cũ.

Người Qahtanite rất tự hào về nghệ thuật kiến trúc trước đây của tổ tiên. Các ngôi nhà này tuy bề ngoài thô sơ nhưng lại cực kỳ thích hợp với khí hậu của ‘Asir. Chúng có hệ thống thoát nước mưa trên mái nhà, và mật độ gạch thích hợp nhất để thoát nhiệt khi nóng và giữ ấm khi lạnh.

Bên trong các ngôi nhà còn ấn tượng hơn, đặc biệt là phòng khách. Nó có các bức tường được lấp đầy bởi hoa văn hình học sơn màu xanh, vàng, đỏ...

Một trong các truyền thống của người Qahtanite là sơn lại nhà cửa mỗi năm một lần. Tùy vào tuổi tác, giới tính của gia chủ mà các hoa văn, màu sắc lại có sự khác biệt. Và người phụ trách vẽ chúng là các chị chứ không phải các anh.

Nơi đàn ông đội vương miện hoa ảnh 3

Già trẻ “hoa nam” tươi như hoa Qahtanite mới là người phụ trách dẫn dắt du khách tham quan.

Tiếp tục phát huy

Sau khi người Qahtanite bị buộc phải chuyển cư, các ngôi làng cũ của họ đều bị bỏ trống. Song các thế hệ sau đã không hề bỏ rơi đất tổ. Họ vẫn quay về dọn dẹp, sửa sang, và bây giờ biến chúng thành những địa điểm du lịch thu hút du khách hàng đầu.

Không như các nơi khác thịnh hướng dẫn viên nữ, ở ‘Asir là các nam hướng dẫn viên đầu đội vòng hoa. Họ sẽ dẫn du khách về làng cũ, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo và thực hiện các buổi lễ truyền thống. Chính nhờ những “hoa nam” này, bản sắc Qahtanite đã không bị thui chột. Trái lại, chúng còn mỗi ngày một nổi bật. Khách du lịch đặc biệt thích thú trước các vũ điệu cổ của họ, cũng vô cùng ham mê khám phá các làng mạc như pháo đài tự vệ có từ xa xưa.

Vốn dĩ, Ả rập Xê - út là quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhưng “miệng ăn núi lở”, trữ lượng dầu của họ không phải là vô hạn. Vì thế, vương quốc này có kế hoạch giảm gánh nặng cho dầu mỏ, bằng cách tăng cường nguồn thu nhập từ du lịch.

Mục tiêu là đến năm 2030, chấm dứt sự phụ thuộc toàn phần vào dầu mỏ. Để làm được điều đó, chính phủ quyết định chi gần 1 tỷ dollar cho công tác khôi phục và bảo tồn các di sản văn hóa. Lẽ đương nhiên, ‘Asir cũng đóng một vai trò quan trọng trong dự án này. Cùng với lòng tự hào và thái độ bảo vệ nghiêm túc của người Qahtanite, văn hóa Qahtanite chắc chắn sẽ tiếp tục thịnh vượng, ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

Một mảnh hoa văn sơn tường phòng khách truyền thống của người Qahtanite.
Một mảnh hoa văn sơn tường phòng khách truyền thống của người Qahtanite.
Theo BBC.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.