Thúc đẩy phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện

GD&TĐ - Phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở Nậm Nhùn.

Toàn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) có gần 4.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện thuộc địa phận của thị trấn Nậm Nhùn, xã Mường Mô và Nậm Chà. Để phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, bên cạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích nuôi cá, huyện Nậm Nhùn chú trọng triển khai lồng ghép các chính sách hỗ trợ cho nhân dân, hợp tác xã có điều kiện, động lực để mở rộng quy mô lồng cá.

Cá lăng, cá chiên là 2 loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao được các HTX, người dân nuôi nhiều, tạo nên thương hiệu cá trên thượng nguồn sông Đà.
Cá lăng, cá chiên là 2 loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao được các HTX, người dân nuôi nhiều, tạo nên thương hiệu cá trên thượng nguồn sông Đà.

Xã Mường Mô là một trong những địa phương đi đầu của huyện Nậm Nhùn khi khai thác được tiềm năng, lợi thế mặt nước của lòng hồ thuỷ điện với diện tích trên 1.000 ha để phát triển nuôi cá lồng. Hiện tại toàn xã có 291 lồng cá của nhiều hộ dân và 2 hợp tác xã: Long Vũ và HTX Thanh niên Mường Mô. Đặc biệt, các HTX tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cá, liên kết với bà con trong bao tiêu sản phẩm nhằm cung ứng cá chất lượng cho khách hàng và đảm bảo thị trường đầu ra ổn định.

Gia đình anh Vũ Văn Quân, ở bản Nậm Hài, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Lai Châu đã được 3 năm nay. Hiện tại, gia đình anh có 10 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá trạch, cá nheo. Mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng từ việc nuôi và bán các loại cá này.

Anh Quân cho biết, để nuôi cá được hiệu quả cao, thứ nhất đầu tư, thứ hai là phải biết chăm sóc thì cá mới phát triển, cho thu nhập tốt. Hàng ngày kiểm tra cá, nếu có biểu hiện yếu là phải xử lý ngay, lồng bẩn thì chuyển cá sang lồng mới rồi xịt lồng sạch phơi khô, sau đó mới chuyển cá lại. Chế độ ăn thì hoàn toàn bằng tự nhiên, từ thu mua cá bà con đánh bắt trên sông về cho cá ăn. Sản lượng cá của gia đình anh Quân được vài tấn mỗi năm.

Còn anh Lê Văn Vũ - Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Long Vũ, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn thông tin, hiện HTX Long Vũ nuôi 30 lồng cá trên thượng nguồn sông Đà. HTX 1 năm đưa ra thị trường cá lăng, cá chiên tầm 5-7 tấn, cộng cả cá nheo, cá lăng đuôi đỏ, trắm, chép thì hơn 20 tấn cá nữa trên 1 năm. Hợp tác xã liên kết cùng bà con, đứng ra để lấy giống và bán cá ra thị trường cho bà con.

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện Lai Châu, người dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn phát triển nuôi cá lồng.
Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện Lai Châu, người dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn phát triển nuôi cá lồng.

Trong tổng số 505 lồng cá hiện có trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, có đến 289 lồng cá được hỗ trợ theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, mô hình khuyến nông tỉnh, còn lại là nhân dân phát triển thêm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Ước tính sản lượng nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện năm 2022 đạt 225 tấn.

Anh Lù Văn Dũng - HTX Thanh niên Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho biết, đối với HTX Thanh niên, được cấp uỷ chính quyền quan tâm hỗ trợ làm 10 lồng cá, mỗi lồng 10 triệu. Qua đó, HTX thấy được tiềm năng phát triển thêm 5 lồng nữa. Hiện tại HTX có 15 lồng, nuôi các loại cá có giá trị kinh tế để phục vụ cho du khách đến tham quan, ăn uống tại nhà nổi.

Theo ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nậm Nhùn, phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền đến bà con tận hưởng các chính sách giai đoạn 2021-2025 như Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, hỗ trợ bà con làm lồng cá. Ngoài ra, kêu gọi đầu tư của HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con; ưu tiên nuôi các loại cá chất lượng cao để mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con.

Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo khối ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện.

Cùng với đó, huyện khuyến khích các HTX nuôi cá lồng chú trọng phát triển thêm các loại dịch vụ trên khu vực nuôi; gắn phát triển nuôi trồng thuỷ sản với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Không những tạo điểm nhấn cho du lịch của huyện mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.