"Cây thoát nghèo" bí đầu ra
Bí xanh được người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trồng trên nương rẫy, quả đẹp, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Năm nay, mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch nhiều ngày nhưng giá bán thấp hơn các năm trước.
Mỹ Lý là xã biên giới trồng nhiều diện tích bí xanh nhất huyện Kỳ Sơn. Có những gia đình vụ này thu hoạch trên 5 tấn quả bí, tuy nhiên bà con không mấy phấn khởi vì vẫn còn hàng trăm tấn chưa tiêu thụ được.
Ông Vi Văn Hoàng (trú bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý) cho biết, năm nay gia đình trồng bí xanh trên nương rẫy, sản lượng ước khoảng 7 tấn quả, nhưng đến hôm nay mới tiêu thụ được 1/3 số lượng quả.
Theo ông Hoàng, trước đây, bí xanh thường được người dân xã Mỹ Lý trồng xen kẽ trong nương ngô, khoai… để tận dụng làm thức ăn. Vài năm gần đây, bí xanh được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng, thương lái tìm về tận nơi để thu mua nên một số người dân chuyển hẳn sang trồng loại cây này.
Không có thương lái hỏi mua, nông dân đành chất bí đầy ở góc nhà. |
Bí xanh có vòng đời thu hoạch nhanh, cách chăm sóc đơn giản, lại phù hợp với khí hậu cận ôn đới. Loại cây này được mở rộng diện tích, dần trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều người dân nơi đây thoát nghèo.
"Các năm trước, vào vụ thu hoạch bí thương lái thu mua giá khoảng 8.000 đồng/kg. Nhưng năm nay thương lái thu mua ít, giá chỉ có 4.000 - 5.000 đồng/kg vẫn khó tiêu thụ. Hiện gia đình tôi trên nương còn khoảng 5 tấn quả", ông Hoàng chia sẻ.
Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, toàn xã có hơn 100 hộ dân trồng bí xanh. Hiện còn gần 200 tấn bí của người dân vẫn chưa bán được. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội liên hiệp Phụ nữ xã đang vận động, kêu gọi các đơn vị, cá nhân giải cứu bí xanh giúp người dân.
Theo ông Bảy, năm nay bí xanh được mùa, hộ ít nhất cũng được khoảng 5 tấn, nhà nhiều thì trên 10 tấn nhưng rất ít người đến thu mua. Hiện nhiều gia đình đã thu hoạch không biết bán đi đâu đành chất đầy nhà, nhiều người khác đành phải để ngoài ruộng chờ tìm nơi bán.
Giá giảm gần một nửa nhưng hàng trăm tấn bí xanh vẫn đang thiếu đầu ra. |
Điệp khúc được mùa mất giá
Nguyên nhân cho việc bí xanh khó tiêu thụ, ông Bảy cho rằng, các năm trước chỉ có một số hộ trồng bí với diện tích ít, nên dễ tiêu thụ. Năm nay, có nhiều gia đình trồng mới nên diện tích và sản lượng tăng mạnh.
Trước việc hàng trăm tấn bí xanh đang tồn đọng, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị đang kêu gọi các trường học mầm non, phổ thông trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ bí xanh cho người dân.
Còn Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cũng kêu gọi người dân hỗ trợ tiêu thụ bí xanh. Giá bí xanh bán tại xã Mỹ Lý khoảng 5.000 đồng/kg, trong khi đó giá thu mua của Hội phụ nữ xã là 8.000 đồng/kg.
Đây không phải là lần đầu tiên nông sản của huyện Kỳ Sơn thiếu đầu ra. Tháng 4 vừa qua, 4.500 tấn gừng ở các xã Na Ngoi, Tây Sơn, Đoọc Mạy, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu… cũng không tiêu thụ được.
Năm 2021, gừng có giá 25.000-30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, ngay đầu vụ thu hoạch giá gừng đã rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn kêu gọi "giải cứu" gừng. |
Những năm qua, gừng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, địa phương cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng để tăng thu nhập. Tuy nhiên, giá gừng rớt thê thảm khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Để hỗ trợ người dân, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn phải gửi thư ngỏ kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn chung tay hỗ trợ, giải cứu củ gừng.