Huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển củ gừng. Hiện nay, toàn huyện đang trồng hơn 800 ha gừng, tập trung ở một số xã như: Na Ngoi, Tây Sơn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu…
Thời điểm này năm ngoái, gừng có giá 25.000-30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, ngay đầu vụ thu hoạch giá gừng đã rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Bà Xồng Y Mơ (trú xã Na Ngoi) cho biết, giá gừng hiện rẻ như cho những vẫn không có người thu mua, phải chất đống trong nhà. Trong khi đó, mọi khoản chi tiêu trong gia đình trông chờ vào vụ thu hoạch gừng này.
Lãnh đạo xã Na Ngoi cho biết, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, trong đó gừng là cây chủ lực. Ước tính, 1ha gừng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Những năm qua, gừng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, địa phương này cũng khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng để tăng thu nhập. Tuy nhiên, giá gừng rớt thê thảm khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, năm nay, sản lượng gừng của huyện đạt 5.400 tấn. Thời điểm này những năm trước, gừng được các thương lái thu mua với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên tới 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, giá gừng giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg, nhưng vẫn rất khó bán.
“Có nhiều nguyên nhân khiến giá gừng rớt thảm như vậy. Trong đó có việc gừng Trung Quốc với mẫu mã đẹp mắt, giá rẻ được thu mua về nhiều khiến nguồn cung vượt quá cầu”, ông Mạnh nói.
Để hỗ trợ người dân, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cũng đã có thư ngỏ kêu gọi hội nông dân các huyện, các đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn chung tay hỗ trợ, giải cứu gừng giúp người dân.
Sau gần 1 tháng nỗ lực, đến nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thu mua giúp người dân Kỳ Sơn hơn 60 tấn gừng.
“Chúng tôi kêu gọi mua gừng giúp người dân với giá 5.000 đồng/kg. Gần 1 tháng kêu gọi, nhưng số bán ra được vẫn còn rất ít. Hiện, toàn huyện vẫn còn tồn đọng 4.500 tấn gừng, nếu không tiêu thụ kịp trong khoảng 1 tháng tới, gừng có thể nảy mầm và sẽ giảm chất lượng”, ông Mạnh nói.
Gừng Kỳ Sơn có chất lượng sản phẩm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu rất cao. Loại cây trồng này cũng đã giúp nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn thoát nghèo.
Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ gừng ở địa phương này vẫn còn tự phát, phụ thuộc vào thương lái. Theo ông Mạnh, để người dân yên tâm trồng gừng thì cần phải tìm được đầu ra ổn định, đặc biệt là các nhà máy chế biến gừng.
Không chỉ Kỳ Sơn, đây cũng là tình trạng chung đối với nhiều người dân trồng gừng ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Lãnh đạo xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) cũng đã phải viết thư ngỏ gửi các đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải cứu 80 tấn gừng đang tồn đọng trong dân.