Nghi Kiều là xã miền núi thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đất canh tác khô cằn, bạc màu. Trước đây, người dân thường trồng cây ngô, cây lạc nhưng do năng suất thấp nên thu nhập rất bấp bênh.
Từ vài năm trở lại đây, bà con nông dân xã Nghi Kiều bắt đầu chuyển sang trồng cây hành tăm cho nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ông Nguyễn Hữu Cần (trú xóm Xuân Hòa, xã Nghi Kiều) cho biết, trước đây gia đình ông đã trồng nhiều loại cây nhưng thu nhập không đáng kể. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây hành tăm, gia đình ông đã mạnh dạn trồng hơn 2 sào.
Hành tăm được trồng từ tháng 7 năm trước cho đến tháng 3 năm sau có thể thu hoạch củ. Quá trình trồng hành tăm bắt đầu từ việc làm đất nhỏ, rồi lên luống cao, sau đó rải phân chuồng và phân NPK. Người dân dùng lá cây thông, rơm rạ hoặc trấu phủ lên, sau khi hành nảy mầm thì bón thêm phân đạm.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên diện tích hành tăm của gia đình ông Cần phát triển tốt, vừa qua cho thu hoạch hơn 12 tạ. Với mức giá từ 16.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí gia đình ông còn lãi hơn 15 triệu đồng.
Theo ông Cần, hành tăm năm nay dễ tiêu thụ hơn, thương lái đến thu mua tận nhà, có thời điểm giá lên tới 40.000 đồng/kg. Từ hiệu quả của loại cây này mang lại, vụ sau gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Có 4 sào hành tăm trồng trên đất ruộng, bà Nguyễn Thị Lan (trú xóm 7, xã Nghi Thuận) cho biết gia đình mình đã gắn bó với loại cây trồng này từ rất nhiều năm. Từ đầu tháng 3 đến nay chính là thời điểm thu hoạch hành tăm.
Người phụ nữ này cho biết, trước Tết Nguyên đán, giá hành non chưa đến độ thu hoạch có giá lên đến 40.000 đồng/kg, tuy nhiên, có rất ít giá đình bán, chỉ vài người dân bán lẻ tại các chợ.
Hiện nay, hành tăm đang vào chính vụ, người dân thu hoạch rộ gần 90% diện tích. Mặc dù giá chỉ còn 20.000 đồng/kg nhưng củ to, sản lượng cao hơn, lại được thương lái thu mua tận nhà nên bà con rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết, cây hành tăm được trồng nhiều trên địa bàn xã với hơn 100ha. Thời điểm hiện tại, người dân thu hoạch củ để bán với mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi đó có thời điểm hành tăm rớt giá chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Nhận thấy hành tăm là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp, lãnh đạo xã Nghi Kiều kỳ vọng diện tích trồng loại cây này sẽ ngày càng tăng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết, toàn huyện hiện có hơn 275 ha trồng hành tăm, tăng gần 42 ha so với năm ngoái. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 2.047 tấn, tăng 122 tấn so với năm ngoái. Trong đó, các xã trồng nhiều phải kể đến như: xã Nghi Kiều 100 ha, Nghi Lâm 92 ha, Nghi Thuận 61 ha, Nghi Văn 23 ha…
Theo ông Hòa, giá bán của hành tăm năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái, trung bình 18.000 đồng/kg, riêng loại hành đẹp có giá hơn 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hành tăm là loại củ khó bảo quản, người dân cũng chưa tự liên kết, kết nối đầu ra cho sản phẩm nên có nhiều thời điểm củ hành tăm rớt giá, khó tiêu thụ.
Ở các vùng trồng hành tăm khác như huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn… vụ thu hoạch chính muộn hơn, nhưng nhờ trúng đợt tăng giá nên bà con rất phấn khởi bám đồng thu hoạch.