Nông dân hứng khởi học nghề nông

GD&TĐ - Mỗi khi nhìn lại mảnh vườn, thửa ruộng nhà mình, trong lòng bà con nông dân lại chộn rộn niềm vui. Được “đi học”, nay áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đâu còn là chuyện khó với bà con! Những câu chuyện ghi lại ở miệt vườn Đồng Tháp, lấp lánh niềm vui của bà con…

Nông dân hứng khởi học nghề nông

Nông dân đi học nghề nông

Nhiều bà con nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đang tất bật cho việc ruộng vườn. Có lẽ điều làm cho nhiều bà con phấn khởi nhất lúc này đó là họ đã áp dụng được những cách làm nông hiệu quả, chi phí sản xuất thấp, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm... Ví du, như chuyện cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều chủ vườn xoài ở huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh cho ra hoa từ rất sớm.

Tìm đến vườn xoài tròn chục năm tuổi của ông Nguyễn Văn Bằng (ngụ ấp 4, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh), chúng tôi không khỏi tò mò cũng như vui mừng khi nhìn thấy các cây xoài đậu trái rất nhiều. Theo lời ông Bằng, từ trước ông chủ yếu học kinh nghiệm trồng xoài của những nông dân khác nên việc trồng và chăm sóc chưa đúng bài bản. Trước đây, cây bệnh, người dân thấy “nóng ruột” nên ai chỉ dùng thuốc gì là chạy mua về dùng.

“Nghe tin có lớp dạy nghề nông nghiệp là tôi đăng ký liền. Giáo viên dạy rất dễ hiểu. Giờ học lớp nghề sản xuất xoài theo hướng GAP, mình mới biết cách ghép tỉa cành tạo tán, cách chăm sóc cây, sử dụng thuốc. Học xong tôi về áp dụng thử nghiệm kiến thức, quả đúng là cho ra kết quả rất tốt”, ông Nguyễn Văn Bằng chia sẻ.

Suốt mấy tháng nay, đi đâu ở Đồng Tháp cũng nghe bà con nông dân bàn rôm rả chuyện đi học nghề nông. Có mặt tại các lớp học, những buổi đi thực hành mới thấy được hết sự hứng khởi của nông dân trong việc tiếp thu kiến thức để tự “làm mới” mình. Lớp dạy nghề nông nghiệp được các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 8/2017. Đáng phấn khởi là ngay khi thông báo mở lớp tại các xã hoặc ở nhà dân, nhiều nông dân sau khi tìm hiểu lợi ích của việc học nghề, dù rất bận rộn nhưng vẫn sắp xếp thời gian học.

Giáo viên Võ Thị Tuyết Nhung, giảng dạy lớp “Sản xuất xoài theo hướng GAP”, cho biết: Lớp có 26 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, tổng thời gian dạy là 15 ngày. Học viên đi học và tham gia thực hành rất đều đặn.

Nâng chất nguồn nhân lực nông nghiệp

Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, bền vững, bảo vệ môi trường, gắn kết sản xuất với nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Tỉnh cũng đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020 cho 12.150 người, tổng nhu cầu vốn cho công tác đào tạo này trên 10,9 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc bà con nông dân chú tâm vào việc học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Võ Trung Kiên - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lãnh, cho biết: “Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp thật sự chất lượng nhờ thời gian thực hành nhiều nên học viên tiếp thu rất nhanh và vận dụng từ việc học vào việc trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả. Phòng tổ chức được 8 lớp với gần 240 học viên học các nghề như: Chăn nuôi gà, sản xuất xoài theo hướng GAP, kỹ thuật trồng ớt, trồng rau”.

Sở dĩ hoạt động dạy nghề nông nghiệp đạt được thành công, nhiều bà con nông dân tiếp thu tốt nội dung học là vì trước đây dạy nghề có 40 tiết chia đều cho lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, nhiều nghề không phù hợp với nhu cầu học của nông dân. Hiện nay, các lớp nghề nông thôn có thời lượng dạy là 100 tiết (khoảng 15 ngày) nhưng chỉ có 20 tiết lý thuyết, còn lại thực hành tại các ao cá, đồng ruộng, vườn cây ăn trái…

Học nghề nông nghiệp để “làm mới” mình, người nông dân Đồng Tháp giờ đây không ngừng tiếp thu kiến thức mới để cho ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó tăng thu nhập cho gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.