“Nón học đường”: Biểu tượng giáo dục

GD&TĐ - Nếu hỏi người Đức, món đồ giáo dục có ý nghĩa nhất là gì? Họ lập tức trả lời là nón học đường. Nó được quấn bằng bìa cứng, đổ đầy đồ dùng học tập, bánh kẹo, đồ chơi…

Nón học đường là món quà không thể thiếu với mọi trẻ em Đức.
Nón học đường là món quà không thể thiếu với mọi trẻ em Đức.

Bất kể thời đại và điều kiện tài chính, phụ huynh Đức nhất định phải tự tay chuẩn bị nón học đường, tặng con nhân ngày đầu tiên đến lớp.

Món quà ngọt ngào

Ngôn ngữ Đức gọi nón học đường là Schultüte. Truyền thống tặng Schultüte phổ biến từ năm 1810. Phụ huynh Đức lấy ý tưởng từ Piñata (đồ vật dạng hộp làm từ giấy vụn, gốm, hoặc vải nhiều màu sắc, bên trong nhét các loại đồ chơi, kẹo, sử dụng cho dịp lễ hội của Mexico), biến tấu thành hộp hình nón.

Ban đầu, quà trong Schultüte chủ yếu là bánh kẹo, đồ chơi. Sau năm 1950, quà trong nón có thêm thước, bút, sách, vở…

Theo truyền thống, phụ huynh Đức lén tự tay chuẩn bị Schultüte rồi đưa cho ông bà. Buổi tối ngày cuối cùng trước hôm tựu trường, ông bà mở tiệc gia đình đãi các cháu. Cuối buổi liên hoan, họ thưởng nón học đường, chúc các cháu năm học mới vui khỏe, thành tích tốt.

Từ nhiều tháng trước khi Jara (6 tuổi, đang sống ở London, Anh với cha mẹ) vào lớp 1, bà nội của bé (cư trú tại Đức) đã sẵn sàng cho “Schultüte khổng lồ” làm món quà bất ngờ. Bà chọn mua nón học đường có thể điều chỉnh kích cỡ tại cửa hàng thủ công. Nó màu xanh ngọc lam, in hình nàng tiên cá và to bằng cả người Jara.

Kế tiếp, bà chọn các món quà để cho vào trong nón học đường, cẩn trọng sắp xếp vào vali. Dù vướng không ít trở ngại do Covid-19 và khoảng cách địa lý, Schultüte của bà vẫn đến tay Jara. “Cháu cực kỳ hạnh phúc, thậm chí còn ôm luôn nón học đường đi ngủ”, Jara khoe.

Biểu tượng giáo dục

Nón học đường đại diện cho cột mốc “rời nhà, vào trường”.
Nón học đường đại diện cho cột mốc “rời nhà, vào trường”. 

Bề ngoài, nón học đường chỉ là món quà đơn giản, dễ làm. Phụ huynh Đức có thể tự tay quấn Schultüte, hoặc mua hộp làm sẵn bằng bìa cứng hoặc nhựa từ các cửa hàng. Tùy vào điều kiện tài chính, họ mua các món quà phù hợp, cho vào trong rồi đóng nắp, dán kín lại.

Đã hơn 2 thế kỷ kể từ ngày xuất hiện, Schultüte vẫn chiếm giữ tình cảm yêu thích của người Đức. Nó đóng vai trò là món quà ý nghĩa nhất, gửi trọn tình thương yêu từ phụ huynh. Đối với văn hóa Đức, Schultüte là biểu tượng giáo dục. Nó đi cùng lịch sử, vượt qua chiến tranh, xuyên suốt nhiều thập kỷ phân chia Đông – Tây.

Ngày nay, bên trong Schultüte chứa đầy những món đồ sang trọng, đẹp mắt. Giữa kỳ chiến tranh, đói khát, nó chẳng có gì ngoài khoai tây. Bất chấp điều kiện, người Đức tuyệt đối không bỏ chuẩn bị nón học đường cho con trước ngày tựu trường. Với cả phụ huynh và học sinh, Schultüte là khởi đầu của một giai đoạn mới.

“Tôi vẫn nhớ thời ấu thơ chơi nghịch trong đống đổ nát của nhà mình sau những đợt bom rơi”, giáo viên về hưu Hans-Günter Löwe (Hamburg) kể lại. Ông còn giữ được tấm ảnh ngày đầu tiên đi học, chụp năm 1949.

Trong ảnh, Löwe mặc áo khoác được mẹ chắp vá từ nhiều mảnh vải vụn, đeo tất cao đến đầu gối và đi ủng, tay ôm Schultüte bọc giấy bạc sáng bóng. Ông đoán ngày đó, mẹ đã phải đổi đồ đạc lấy giấy bạc và bìa cứng, tự làm nón học đường.

“Chúng tôi sống cùng nhau trong căn phòng rách nát, chật chội. Vậy mà tôi không hề biết mẹ đã làm Schultüte, cho đến khi được bà trao nó vào tay. Hẳn là mẹ đã làm nó khi tôi ngủ say”, Löwe xúc động.

“Chuyện đi học không thể bắt đầu nếu thiếu nón học đường”, Jacqueline (người Đức làm việc ở Anh) tuyên bố. Quê Jacqueline ở Saxony (miền Đông nước Đức), một trong các cái nôi sớm nhất của nón học đường. Suốt thời học sinh, buổi liên hoan cuối kỳ nghỉ dài và Schultüte là nỗi mong chờ và niềm hạnh phúc. Cảm xúc đó in sâu trong trái tim cô, vĩnh viễn là kỷ niệm tuổi thơ tuyệt vời nhất.

Cũng tại Saxony, thư viện bang còn giữ được ảnh tư liệu xa xưa nhất của Schultüte. Nó chụp hình con trai của mục sư ở Sachsen, ôm nón học đường vào ngày đầu tiên đến trường, năm 1781. Thuở ấy, Schultüte chỉ chứa đầy hoa quả khô, ví dụ như nho khô.

Bây giờ, nó không chỉ đa dạng mẫu mã hộp nón, mà còn phong phú quà cáp. Một vài mẫu Schultüte công nghệ hóa, có cả đèn led nhấp nháy, nút phát âm thanh… phù hợp với thị hiếu học sinh.

Kết nối bền chặt

Trong suốt hơn 200 năm đầy biến động của lịch sử Đức, truyền thống tặng nón học đường không bị bỏ lỡ.
Trong suốt hơn 200 năm đầy biến động của lịch sử Đức, truyền thống tặng nón học đường không bị bỏ lỡ.

Văn hóa Đức đề cao sự nghiệp học tập. “Schultüte là nghi thức học đường truyền thống”, nhà sử học Christiane Cantauw (Đức) phản ánh. “Nó đại diện cho việc đứa trẻ khép lại những năm tháng ấu thơ vô lo, bước vào con đường học hành”.

Hình dạng nón của Schultüte đánh dấu mốc chuyển tiếp đặc biệt này. Trẻ em Đức ôm Schultüte là phần nào rời nhà, chuyển sang thế giới trường học. Tại nơi này, các em là thành viên mới, có quyền và nghĩa vụ riêng.

Thú vị là Schultüte không chỉ mang thông điệp rời đi mà còn níu kéo. Thông qua hành động trao tặng nó cho con em, phụ huynh Đức khéo léo nhắc nhở “con vẫn là một phần của gia đình và chúng ta ủng hộ, đồng hành cùng con trên suốt hành trình mới”. Sự “buông mà nắm” này tạo nên mối kết nối bền chắc, đến nỗi được so sánh với… đám cưới.

Mùa hè năm 2021, Đức bị lũ lụt nghiêm trọng. Tại một vài vùng nông thôn, nhiều trẻ em bị mất nón học đường do lũ cuốn. Nhà trị liệu Manuela Schmidt (Wachtberg) liền nảy sinh ý tưởng tình nguyện mới: Tặng Schultüte. Cô liên hệ với các gia đình, cùng nhau làm nón học đường thủ công.

“Là một nhà trị liệu tâm lý, tôi hiểu rõ tầm quan trọng và cảm giác mà Schultüte có thể đem đến. Sự hiện diện của nó cho cả trẻ em lẫn gia đình vùng lũ niềm hy vọng, lòng vững tin vào ngày mai để mạnh mẽ tiến lên”, Manuela chia sẻ.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Kim Sang Sik chính thức nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam.

AFC đưa tin về HLV Kim Sang Sik

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) mới đây đã đăng tải bài viết đưa tin về việc VFF bổ nhiệm ông Kim Sang Sik làm HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam.