Chẳng hạn như cách gọi: “Nội thất” tuổi học trò.
1. Những tín hiệu ban đầu
Một ngày nào đó, khi bước vào tuổi mới lớn, cả học trò nam lẫn học trò nữ đều tự nhiên cảm thấy mình trở thành người... “nhớn”. Đây cũng chính là thời điểm mà các cậu ấm, cô chiêu bắt đầu cần đến các loại đồ dùng - gọi một cách tế nhị là “đồ trang trí nội thất” để sử dụng bên trong.
“Đồ trang trí nội thất” là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng cho mọi người, dù đang ở trong độ tuổi nào. Với độ tuổi học trò mới lớn đó không phải là sự “đua đòi” như vài người xấu mồm, xấu miệng bĩu môi. Khác với các đồ trang trí nội thất trong nhà, thường được “khoe” ra cho mọi người chiêm ngưỡng và bình phẩm, “đồ trang trí nội thất” cá nhân là loại đồ gần như... bí mật.
Mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh nên các món “đồ trang trí nội thất” cho dù chất lượng tốt hay xấu, đắt giá hay rẻ tiền thì cũng của ai dùng người nấy biết, miễn sao chúng thực hiện đúng các chức năng và chủ nhân cảm thấy sạch sẽ, an toàn tự tin và thoải mái.
Về mặt y học, “đồ trang trí nội thất” của tất cả mọi người nói chung và của tuổi học trò mới lớn nói riêng không chỉ là áo quần mặc thuần túy mang tính... che thân, mà là loại “hàng rào” đặc biệt bảo vệ sức khỏe. Nhiệm vụ của loại “hàng rào” đặc biệt này che chắn các khu vực nhạy cảm của cơ thể, giúp chúng luôn được “giữ gìn” chu toàn nhất.
2. “Nội thất” của phái đẹp
Ảnh minh họa/INT |
“Đồ trang trí nội thất” gần như không thể thiếu, nhất là bước vào lứa tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì của các nữ sinh thường được đánh dấu bởi tín hiệu “đèn đỏ” lần đầu tiên, sau đó là hằng tháng, cứ đến hẹn lại lên. Nhưng trong lúc chu kỳ chưa được ổn định, hoặc đôi khi vì một lý do sức khỏe nào đó mà đèn đỏ bất ngờ “sáng lên”, nếu không có lớp “hàng rào bảo vệ” này giấu cho điều bí mật thì thật ngại ngùng.
Sở thích về màu sắc và chất liệu mỗi người một khác. Người thích mặc các loại vải mát mẻ, trong suốt, thì đồ nội thất là thành trì che giấu những gì mang tính... con gái, hạn chế sự khêu gợi tính tò mò của những người không lương thiện hay tạo ra hoàn cảnh buộc họ rơi vào trạng thái không lương thiện. Bởi vậy, phái đẹp phải hết sức thận trọng, nếu không thì đừng oán thán!
Thử hình dung tình huống xui xẻo: Khi vội vàng, trượt chân bị ngã hay vô tình bị vướng rào rách toạc lớp áo quần bên ngoài, “đồ nội thất” đúng là “lá bùa hộ mệnh” cứu nguy cho “khổ chủ”.
Ngoài ra, “đồ trang trí nội thất” cũng ngăn cản sự cọ xát khi di chuyển, làm dịu đi sự hưng phấn mang tính bản năng, giúp cho phái đẹp luôn ở trong trạng bình an, tập trung vào các hoạt động thường nhật mà không bị chi phối bởi những cảm xúc bất thường nổi loạn từ cơ thể do những cảm giác mang tính ma mị kia.
3. “Nội thất” của phái mày râu
Ảnh minh họa/INT |
Tương tự các thành viên của phái đẹp, “đồ nội thất” của các thành viên thuộc cánh mày râu, còn được gọi là phái mạnh cũng là thành trì bảo vệ và kìm nén những cảm xúc bất chợt của “chú chim” non ngày non tháng này, nhờ vào tác dụng giảm lực ma sát do sự cọ xát từ các hoạt động và di chuyển.
Có thể xem “đồ nội thất” khu vực nhạy cảm của các đấng mày râu như là một “chiếc tổ” bảo vệ tốt nhất từ sự chấn thương bất ngờ đến từ bên ngoài, nhất là khi tập luyện hoặc chơi thể dục thể thao.
“Nội thất” của các thành viên phái mạnh còn giúp che đậy, xóa nhòa “những giấc ẩm ướt” bất chợt đến từ giấc ngủ của đêm hôm trước. Ngoài ra, nếu không có sự kiềm hãm của “chiếc tổ” nội thất đặc biệt này thì các chàng chỉ còn một cách là độn thổ khi bất ngờ “chú chim non” muốn “ngẩng cao đầu... tập hót”.
Xem ra, “đồ nội thất” đâu chỉ là vật trang trí khi đến tuổi trở thành người... “nhớn”, chúng còn là thứ “công cụ” hữu hiệu không chỉ bảo vệ sức khỏe, mà còn bảo vệ nhân cách của con người!
Tùy điều kiện và hoàn cảnh mà các thành viên phái đẹp hoặc mày râu tự chọn hoặc trao đổi với người thân để chọn cho mình những “đồ trang trí nội thất” phù hợp và phát huy tối đa tác dụng của chúng.
Nên chú ý, đừng bao giờ để sự lơ đãng xô đẩy vào thế bí khi cần có sự bảo vệ nhưng lại... quên các “lá chắn thành trì”. Mong các thành viên ở độ tuổi học trò mới lớn luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.