Phát triển vắc-xin mRNA phòng bệnh cúm

GD&TĐ - Công nghệ vắc-xin RNA đã trở thành thuật ngữ phổ biến khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chiến lược vắc-xin mới đã thúc đẩy hiệu quả các tế bào T CD4 và CD8 trong mô phổi.
Chiến lược vắc-xin mới đã thúc đẩy hiệu quả các tế bào T CD4 và CD8 trong mô phổi.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu chiến lược vắc-xin mRNA phòng bệnh cúm. Trong đó, liều đầu tiên được sản xuất dưới dạng thuốc xịt mũi.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là vắc-xin mRNA tự khuếch đại nhắm vào nucleoprotein của virus cúm. Cấu trúc đó trong virus cúm A là một loại protein đa chức năng được bảo tồn cao. Đồng thời, là mục tiêu chính trong nghiên cứu vắc-xin và thuốc kháng virus vì nó ít có khả năng biến đổi so với các protein bề mặt của virus.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Minnesota có chiến lược tạo ra các tế bào T bộ nhớ thường trú ở phổi, được duy trì ổn định trong các mô hô hấp. Nghiên cứu đang được tiến hành trên các mô hình động vật.

Mỗi năm tại Mỹ, có khoảng 36.000 ca tử vong và hàng triệu người nhập viện do bệnh liên quan đến cúm. Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có 250.000 - 500.000 ca tử vong do cúm hằng năm.

Mục tiêu trong nghiên cứu mới này là chiến lược vắc-xin cúm mRNA giúp thúc đẩy các tế bào T của bộ nhớ trong phổi. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp bị nhiễm trùng.

Tiến sĩ Marco Kunzli thuộc Trung tâm Miễn dịch học, Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Trường Đại học Minnesota, cho biết: “Các tế bào T ghi nhớ ở đường hô hấp, thường được tạo ra bằng cách tiêm vắc-xin hoặc nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không chắc liệu việc tiêm vắc-xin mRNA có thiết lập các tế bào T ghi nhớ đường hô hấp hay không”.

Các nhà khoa học đã thiết lập những tế bào T ghi nhớ hệ hô hấp trong phổi của mô hình động vật thông qua công nghệ vắc-xin mRNA. Chiến lược được đưa ra bao gồm vắc-xin dạng xịt mũi và tăng cường bằng cách tiêm bắp, sau đó là tiêm nhắc lại. Chiến lược này đã thúc đẩy hiệu quả các tế bào T CD4 và CD8 trong mô phổi. Ngoài nghiên cứu hiện tại, những phát hiện này giúp làm nổi bật cách công nghệ vắc-xin mRNA có thể được điều chỉnh để bảo vệ phổi khỏi bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào, chẳng hạn như RSV (virus hợp bào hô hấp) hoặc các mầm bệnh khác.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, tiêm bắp cơ bản và mũi tăng cường là đủ để tạo ra tế bào T ghi nhớ đường hô hấp trong các mô hình động vật. Trong khi đó, việc tăng cường bổ sung xịt mũi sẽ mở rộng hơn nữa cả tế bào T ghi nhớ cư trú tuần hoàn và phổi.

Nghiên cứu mới cho thấy tiềm năng về những phương pháp nhằm quản lý mRNA để đạt được mục tiêu miễn dịch. Các nhà khoa học cũng đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin mRNA cho một số lượng lớn bệnh, bao gồm nhiều dạng ung thư, bệnh hiếm gặp và truyền nhiễm. Nghiên cứu mới nhấn mạnh rằng, công nghệ mRNA không chỉ mạnh mẽ, mà còn có khả năng được khám phá như một vũ khí phù hợp để chống lại bệnh cúm.

Theo MedicalXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ