(GD&TĐ) - Hệ thống trường chuyên, ngay từ khi được thành lập đã khẳng định được vị thế và trở thành cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Được giảng dạy, học tập tại trường chuyên, đó có lẽ là mơ ước của hầu hết học sinh cũng như giáo viên với mong muốn được khẳng định và phát huy tối đa tài năng, trí tuệ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trường chuyên ngày nay cũng có không ít những nỗi niềm, trăn trở.
Trăn trở trường chuyên trong trường ĐH
Hiện nay, hệ thống trường THPT chuyên gồm trường chuyên thuộc các cơ sở giáo dục ĐH và trường chuyên thuộc tỉnh. Trường chuyên nằm trong trường ĐH có thể kể đến Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội, THPT chuyên KHTN (thuộc ĐHKHTN – ĐHQGHN), Trường phổ thông năng khiếu của ĐHQGHCM, Trường THPT chuyên ĐH Vinh.
Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên ĐH Vinh Nguyễn Văn Thuận, các tỉnh, nguồn ngân sách cho giáo dục lớn nên có điều kiện chăm lo cho trường chuyên. Trong khi đó, các trường ĐH vừa phải đảm đương nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH và sau ĐH, lại lo thêm cả đào tạo phổ thông nên chắc chắn khó khăn về kinh phí.
“Trường THPT chuyên ĐH Vinh thành lập đến nay đã được 48 năm, quy mô ngày càng rộng nên nguồn tài chính với trường cũng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Giáo viên trong trường được Trường ĐH Vinh lo lương và thu nhập tăng thêm. Vấn đề bồi dưỡng và đào tạo học sinh, ĐH Vinh cũng quan tâm nhiều. Tuy vậy, bản thân nhà trường cũng phải có nội lực riêng. Nếu phối hợp hai nguồn đó lại, phải xử lý thật khéo mới có thể hoạt động gọi là tạm được” – ông Thuận cho hay.
Ông Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐHKHTN (ĐHQGHN) - cũng rất trăn trở khi đề cập đến vấn đề kinh phí cho trường chuyên trong các cơ sở giáo dục ĐH. Ông Lương cho biết, mấy chục năm nay, Trường THPT chuyên ĐHKHTN chỉ được cấp 4,5 triệu/học sinh. Trong khi đó, chỉ cách gần 200 mét, Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam được cấp 16,5 triệu/ học sinh.
“Việt Nam chỉ có 3 - 4 trường chuyên nằm trong trường ĐH. Trên thế giới, những trường này rất được nhà nước ưu tiên. Chúng ta thì ngược lại, trường chuyên nằm ở các tỉnh nhiều quyền lợi hơn. Bản thân trường tôi hiện năm bè, bảy mối, chẳng biết ai quyết định số phận mình cả. Tôi cho rằng, phải có chính sách rõ ràng cho trường chuyên. Ví dụ như phải có tiêu chuẩn về mặt cơ chế là bao nhiêu giáo viên, tiêu chuẩn về giáo viên, tiêu chuẩn về đầu tư thấp nhất là bao nhiêu... Mặc dù hiện nay, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu có chính sách nhưng cần một chính sách thật rõ ràng là tất cả trường chuyên đều như nhau để học sinh được đối xử một cách công bằng” – ông Nguyễn Vũ Lương nhấn mạnh.
|
Học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) |
|
Trường thuộc tỉnh cũng kêu khó
Với những trường chuyên thuộc tỉnh, không phải trường nào cũng dư dả kinh phí. Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) Nguyễn Thị Hồng Thanh cho biết: Hải Dương là một tỉnh nghèo nên việc đầu tư cho trường chuyên còn hạn chế. Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, áp dụng công nghệ mới trong dạy học gặp nhiều khó khăn.
Ngay trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, để có được các loại dụng cụ thí nghiệm cho các môn Lý, Hóa, Sinh, nhà trường phải liên hệ với các trường xung quanh để mượn. Hoặc, hệ thống máy tính của trường được trang bị đã quá cũ; lượng máy chiếu phục vụ giảng dạy rất ít. Cả trường ngoài phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ thì chỉ có 3 phòng có hệ thống máy tính, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy các môn. Nhà trường phải tổ chức cho giáo viên đăng ký trước một tuần nếu muốn giảng dạy ở đây... Thêm vào đó, cả học sinh và giáo viên phải di chuyển sang dãy nhà khác để học, khá mất thời gian...
Bên cạnh khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, việc thu hút được học sinh giỏi cũng như đội ngũ giáo viên thực sự chuyên là khó khăn chung của tất cả các trường chuyên.
Cô Nguyễn Hồng Thanh cho hay, việc tuyển chọn được những học sinh có năng khiếu, yêu thích bộ môn thực sự chưa nhiều. Hiện tại, có nhiều học sinh học tốt nhưng vì gia đình ở nông thôn, không thực sự yên tâm khi đưa con lên trọ học ở thành phố, điều kiện kinh tế cũng eo hẹp. Tỉnh Hải Dương có chế độ học bổng cho học sinh giỏi của trường chuyên nhưng thực sự chưa tương xứng với những chi phí cho học tập.
Tất cả khoản chi phí cho học tập, kể cả khi đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và sinh hoạt của các em trong thực tế tương đối lớn. Hiện tại, nhà trường chưa xây dựng được khu ký túc xá mới, còn khu ký túc xá cũ thì quá xa trường nên không thu hút được học sinh. Mặt khác, việc bỏ tuyển thẳng đối với các học sinh được giải học sinhquốc gia vào tất cả các trường ĐH cũng khiến học sinh giỏi không mặn mà lắm với trường chuyên.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thuận, cùng với trường chuyên trong trường ĐH, hiện tỉnh nào cũng có trường chuyên. Thêm nữa, mục đích đi học của học sinh, phụ huynh cũng rất thực tế, căn bản hướng vào trường ĐH có tiếng, đầu ra ngành nghề là quan trọng, việc khăn gói đùm cơm đi học tỉnh xa như ngày xưa ít dần. Trường học tại các tỉnh xa cũng đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh về việc học nên việc quyết tâm phải vào được trường chuyên không còn như xưa.
Đội ngũ giáo viên cũng là niềm trăn trở của những lãnh đạo trường chuyên. Các trường chuyên đang rất thiếu đội ngũ giáo viên giỏi và thực sự tâm huyết. Mặc dù đã có chế độ ưu đãi phụ cấp 70% cho giáo viên, nhưng sự ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp dạy chuyên chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở mức một tiết chuyên bằng 3 tiết thường. Trong khi đó, những giáo viên giỏi dạy thêm bên ngoài thu nhập cao hơn nhiều so với dạy chuyên. Vì vậy, một bộ phận giáo viên không muốn tham gia dạy chuyên, không muốn phụ trách đội tuyển.
Để giải quyết những khó khăn nói trên, lãnh đạo các trường chuyên mong chờ vào sự sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, đầu tư cho trường chuyên cao nhất cả về cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy cũng như về tài chính; có chế độ học bổng cao để thu hút những học sinh có năng khiếu thực sự. Cùng với đó, cần hoàn thiện quy chế trường chuyên, có chế độ đãi ngộ riêng với những giáo viên trực tiếp dạy chuyên.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020. Đề án đặt mục tiêu xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Các trường THPT chuyên là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Nguyễn Nhung