Nỗi niềm "Hai không"

Nỗi niềm "Hai không"

(GD&TĐ) - Tôi là một giáo viên có thâm niên gần 30 năm trong nghề đồng thời cũng là một phụ huynh có 2 con trải qua mái trường phổ thông thời trước, trong và sau khi diễn ra CVĐ “Hai không”. Từ một tháng nay, sau khi có kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp 2011, trong tôi, nhiều cảm xúc buồn, vui xen kẽ. Tôi mạo muội viết những dòng này gửi Giáo dục và Thời đại, một tờ báo luôn chuyển tải những thông tin chính thống về giáo dục đến với bạn đọc.

Ở cương vị của một cô giáo chuyên dạy học sinh cuối cấp, có lẽ sự trăn trở nhiều nhất của tôi ở thời điểm những năm 2006 trở về trước là làm thế nào đỡ vất vả, bớt đi những áp lực trong mỗi mùa thi tốt nghiệp. Ngày ấy, vừa kết thúc học kỳ một của năm, giáo viên đã phải “chạy” chương trình cho thật nhanh để khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi là chỉ tập trung dạy những môn đó, làm sao cho đạt được trăm phần trăm để mà “ăn nói” với cấp trên, để khỏi ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua của nhà trường. Khổ nỗi học sinh lớp sau đã quá biết thực trạng của những lớp trước, thi cử được quay cóp gần như thả cửa nên những HS khá, giỏi không mấy mặn mà với việc ôn tập, phụ đạo, còn HS yếu, kém thì biết có học kiểu gì thế cũng được đi thi, cũng sẽ tốt nghiệp nên giáo viên gần như “đánh vật” ở các lớp dạy phụ đạo cuối cấp mà kết quả không bao nhiêu. Lâu dần, mọi người đều lặng im, chấp nhận. Năm học 2003-2004, tôi đã từng viết đơn xin thôi việc, chỉ vì một trường hợp không thể chấp nhận: Trong lớp 12 tôi dạy bấy giờ có học sinh con của một thương gia ở Tam Kỳ-Quảng Nam. Em vừa lười biếng, vừa ngỗ nghịch, thiếu lễ độ do ỷ lại. Tôi từng là một GV luôn có thành công trong GD học sinh cá biệt nhưng lại bất lực trước HS này. Thế nhưng ý kiến của tôi đề đạt lên Hiệu trưởng không cho em được dự thi tốt nghiệp đã không được chấp thuận, với lý do “ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể”. Tôi cam đoan với vị hiệu trưởng là HS không có kiến thức mà cho đi thi đã không đỗ, còn làm mất niềm tin vào sự công bằng của những HS khác. Nhưng kết cục thì mọi sự đảo ngược: kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, em HS cá biệt nói trên được đến 48 điểm (6 môn thi) ngang bằng với kết quả của một HS giỏi.

Nỗi niềm "Hai không" ảnh 1
"Hai không" vì tương lai con em chúng ta

Chính vì vậy, vào đầu năm học 2007, khi nghe tin Bộ GD-ĐT phát động CVĐ “Hai không”, tôi và nhiều đồng nghiệp khác mừng vui khôn xiết. Từ đây, tôi sẽ không phải “bó tay” bất lực trước những học trò yếu kém, ỷ lại; không phải tìm lý do thoái thác đi coi thi, vì sợ phải ngoảnh mặt làm ngơ trước gian lận, quay cóp, không muốn nhìn cảnh phao thi trắng sân trường sau mỗi buổi thi. Chúng tôi quán triệt tinh thần “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD” đến phụ huynh và học sinh nhưng nhiều người vẫn còn bán tín, bán nghi nên chưa thật nỗ lực. Kết quả mùa thi năm 2007 năm ấy, tỷ lệ tốt nghiệp của trường chúng tôi chỉ còn có 69%, chứ không phải là 94,5% như năm trước. Nhưng bản thân tôi cảm thấy hài lòng khi nhìn vào những tờ ghi điểm của từng học sinh lớp tôi dạy, thấy phản ánh khá sát lực học của từng em. Nhất là khi thống kê riêng điểm của từng bộ môn, thấy rõ giáo viên nào có tay nghề và tâm huyết thì lớp đó tỷ lệ vượt trội hơn hẳn. Từ kết quả này, ở những năm sau, độ chuyên cần của HS thật sự chuyển biến, phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình hơn, nên chúng tôi giảng dạy trên lớp thoải mái, tự tin hơn. Mỗi mùa coi thi, tôi không còn phải né tránh, không những thế, còn thích được chứng kiến sự nghiêm trang của các sĩ tử khác hẳn ngày thường. Sau đó là sự hồi hộp đón chờ kết quả …

Ở cương vị một người mẹ có 2 con theo học phổ thông, tôi cũng xin được bộc bạch nỗi niềm có thật. Trước hết là đứa con gái đầu lòng của tôi, học lớp 12 ở thời điểm 2 năm trước khi có CVĐ “Hai không”. Mùa thi năm ấy cháu trở về nhà với vẻ không vui. Tôi lo lắng hỏi nguyên do, thì cháu bảo làm bài rất tốt, nhưng ấm ức một nỗi là mất bao công sức học bài mà khi vào phòng thi lại thấy “thả cửa” nên học sinh siêng năng cũng như học sinh lười biếng. Tôi thương cháu sớm phải chứng kiến sự bất công ấy nhưng không biết giải thích thế nào để cháu hiểu. Hai năm sau, đúng vào năm đầu tiên diễn ra CVĐ “Hai không” đến lượt con trai tôi thi tốt nghiệp lớp 12. Cháu học không giỏi như chị gái lại nghiện game onlie, thấy trong xóm có mấy anh chị cũng biếng lười, ham chơi như mình mà đỗ tốt nghiệp “khỏe như không” nên tôi đe nẹt thế nào, cháu cũng cho là dọa dẫm. Kết quả thi tốt nghiệp lần một năm ấy, cháu bị thiếu một điểm phải thi lần 2, cháu mới giật mình tỉnh ngộ và quyết chí dốc sức ôn tập trong 2 tháng hè. Sau đó thì cháu đã đậu được tốt nghiệp với số điểm cao hơn lần trước là 3 điểm. Dù phải mất một năm ở nhà chờ năm sau thi vào đại học, nhưng cháu càng ngày càng chăm chỉ ôn tập vì có niềm tin rằng: Chỉ có nỗ lực thì mới thành công. Hiện tại, cháu đã là SV năm thứ tư của một trường ĐH. Trong một bức thư mới đây của con gái tôi gửi về tâm sự chuyện của thằng em trai có đoạn: “Mấy hôm nay con nghe một số tờ báo phủ nhận thành tựu của CVĐ “Hai không”, con thấy đó là điều rất sai lầm. Chỉ cần câu chuyện xảy ra trong gia đình ta đã là bằng chứng cho sự sai lầm đó. Nếu không có CVĐ ấy, chắc gì em trai con đã có đủ kiến thức để bước vào trường ĐH!”.

Bức thư tâm tình ấy làm tôi có dịp nhìn nhận lại toàn bộ CVĐ “Hai không”. Về khía cạnh tích cực, thì như những câu chuyện tôi đã kể trên đây. Riêng kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm học này, không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ GD-ĐT, của nhiều tỉnh, thành địa phương trong cả nước từ việc ra đề, tổ chức coi thi đến chấm thi. Vẫn trong cương vị GV dạy lớp cuối cấp, được coi thi và cả chấm thi, tôi chẳng thấy có gì là bất thường ở đây cả. Được biết ở nhiều nước trên thế giới, việc công nhận cho HS tốt nghiệp phổ thông đâu có gì phải quá căng thẳng. Nước ta đang hướng đến mục tiêu phổ cập GDTH thì đề thi phải vừa có tính vừa sức hơn với học sinh. Một học sinh học lực có thể không khá, chỉ cần có kiến thức cơ bản đậu tốt nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Năm ngoái lớp tôi dạy có một em HS học rất chăm nhưng điểm số còn thấp, chỉ vì em có dấu hiệu thiểu năng trí tuệ (người cha say rượu triền miên), trước kỳ thi em khẩn khoản nói với tôi: “Cô ơi, em ước gì mình học bài nhanh thuộc như các bạn khác để cô khỏi buồn lòng nhưng em không làm sao mà thuộc được”. Thương em quá, tôi trao đổi với các GV dạy 6 môn thi. Một số GV đã đồng ý kèm cặp cho em thật chậm chỉ những kiến thức cơ bản nhất. Thế là em qua được kỳ thi tốt nghiệp với điểm số vừa đủ và biết mình không thể thi vào ĐH được, em đã lập nghiệp bằng con đường khác. Năm vừa qua, chúng tôi cũng dạy theo cách ấy thì thấy kết quả khả quan hơn.

Ứng dụng CNTT trong đổi mới PP dạy học tại Phú Yên
Ứng dụng CNTT trong đổi mới PP dạy học tại Phú Yên

Không riêng tôi, nhiều đồng nghiệp cũng cho rằng, bệnh thành tích căn bệnh chung của xã hội, ở thời nào cũng có. Nhưng ngành GD đã có thành tích ở chỗ đi đầu đột phá vào căn bệnh ấy. Tuy nhiên, đã là căn bệnh xã hội thì khó có thể mới 4 năm mà trị tận gốc được. Một vài địa phương có tỷ lệ quá chênh, những năm trước ở tốp cuối, năm sau lại vươn lên ở tốp đầu là vì đâu? Vì muốn có những con số đẹp để “ăn nói” với “nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội” của địa phương, hay vì chưa thật nỗ lực trong quản lý dạy và học để phải đối phó bằng những số liệu không có thật? Nếu có những trường hợp như vậy, thì dư luận cũng không thể vin vào đó mà đánh đồng trắng đen. Có lẽ nào một loại giải pháp khoa học và thực tiễn mà ngành GD-ĐT đã tích cực thực hiện trong vòng 4 năm qua như: Quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng cho GV các cấp; Bồi dưỡng năng lực hiệu trưởng; Chống đọc chép; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức và tự học; Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học…lại không cho một hiệu quả tương xứng? 

Đừng vì một vài hiện tượng cá thể mà phủ nhận toàn bộ thành quả. Rất mong từ sự nhìn nhận đa chiều về “Hai không”, mọi người cùng góp sức chỉ ra những mặt được và chưa được ở những năm qua, để tiếp tục khắc phục trong những năm đến. Tất cả cũng vì tương lai con em chúng ta…

 Nguyễn Minh Anh Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ