Nỗi niềm nhân viên nấu ăn trường bán trú

GD&TĐ - Thu nhập thấp nên nhiều nhân viên nấu ăn tại Trường PTDTBT THCS ở huyện vùng cao, biên giới không muốn gắn bó với công việc lâu dài...

Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý trong giờ ăn cơm chiều.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý trong giờ ăn cơm chiều.

Thu nhập thấp nên nhiều nhân viên nấu ăn tại Trường PTDTBT THCS ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) không muốn gắn bó với công việc lâu dài. Trong khi đó, các trường gặp khó khi tìm người thay thế.

Thu nhập quá thấp

Trường PTDTBT THCS Mường Lý hiện có 4 nhân viên nấu ăn. Gia đình các cô ở bản Nàng 1 thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát, gần trường nên khá thuận tiện cho việc đi làm hằng ngày.

Cô Vi Thị Nhung là nhân viên nấu ăn của Trường PTDTBT THCS Mường Lý từ năm 2013 đến nay. Trước kia, mỗi tháng cô Nhung được hỗ trợ 2.235.000 đồng. “Cũng may, con đi học không phải đóng góp. Nếu phải đóng học phí và các khoản khác như ở miền xuôi chắc tôi không thể nuôi nổi con”, cô Nhung tâm sự.

Cũng theo cô Nhung, năm học này, nhà trường tăng mức hỗ trợ nên thu nhập của nhân viên nấu ăn ở mức 3.375.000 đồng/người/tháng. Nhờ đó, mọi người có thêm động lực làm việc.

Tương tự như Trường PTDTBT THCS Mường Lý, tại Trường PTDTBT THCS Trung Lý có 4 nhân viên nấu ăn, mức hỗ trợ nhà trường trả mỗi người là 3.000.000 đồng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Thủy cho biết, theo quy định, mức hỗ trợ của 1 nhân viên nấu ăn là 2.700.000 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà trường trích thêm kinh phí để trả thêm cho mỗi nhân viên.

“Với số tiền 2.700.000 đồng, nhà trường khó thuê người nấu ăn. Bởi số học sinh diện bán trú của trường khá đông (hơn 400 em), nên lượng cơm, thức ăn nấu hằng ngày nhiều”, thầy Thủy thông tin.

Cô Lương Thị Dung - nhân viên nấu ăn cho Trường PTDTBT THCS Mường Lý từ năm 2012, chia sẻ: “Chúng tôi mong cấp trên quan tâm hơn về thu nhập để nhân viên nấu ăn trường bán trú ổn định cuộc sống. Nấu ăn cho học sinh trường bán trú, chúng tôi làm việc đủ 30 ngày (cả thứ 7 và Chủ nhật), nhưng với mức hỗ trợ hiện nay thì thấp quá. Cũng may nhà trường linh động, chi trả thêm, mỗi người mới được 3.000.000 đồng/tháng, tức là 100.000 đồng/ngày công”, cô Dung tâm sự.

Nhân viên nấu ăn ở Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Nhân viên nấu ăn ở Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Cần tăng mức hỗ trợ

Thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý cho hay, trường hiện có 387 học sinh, trong đó 312 em bán trú. Theo định mức, trường được tuyển tối đa 5 nhân viên phục vụ bếp ăn cho hơn 300 suất ăn. Nhà trường ký hợp đồng với 4 nhân viên, đảm nhiệm nấu 2 bữa ăn trưa và chiều cho học sinh, nên khá vất vả. Nhân viên nấu ăn chủ yếu là người dân địa phương ở độ tuổi 30. Họ chọn công việc này vì chưa kiếm được việc làm phù hợp. Nhưng việc bếp núc mỗi ngày cũng không đơn giản, nhàn hạ.

“’Công việc bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ, tức là sau khi học sinh ăn trưa xong; buổi chiều từ 14 giờ đến 19 giờ mới được nghỉ khi đã dọn dẹp xong bếp. Nhân viên nấu ăn phải làm việc cả thứ 7, Chủ nhật vì nhiều học sinh ở xa không về nhà.

Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ của mỗi người chỉ 2.700.000 đồng/tháng và làm 9 tháng/năm, nên đội ngũ không mặn mà với việc gắn bó lâu dài. Chúng tôi phải động viên các cô trên tinh thần vừa làm công ăn lương, vừa giúp đỡ nhà trường, học sinh”, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý trao đổi.

Cũng theo thầy Xuân, nếu thực hiện theo quy định của Nhà nước, với hơn 300 học sinh bán trú, nhà trường phải có 5 nhân viên nấu ăn. Nhưng với mức phụ cấp mỗi tháng theo quy định, nhà trường chỉ hợp đồng với 4 người. Như vậy, mới có thể tăng mức hỗ trợ hằng tháng cho các cô lên 3.375.000 đồng (thực hiện từ tháng 9/2023 đến nay).

“Cách thực hiện như trên có thể chưa đúng quy định. Tuy nhiên, thu nhập của nhân viên nấu ăn quá thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Nhà trường phải động viên 4 nhân viên nấu ăn “cáng đáng” thêm công việc của 1 người, để nhận mức hộ trợ hằng tháng tăng lên”, thầy Xuân chia sẻ.

Theo quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP, kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu, bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh. Số dư từ 15 học sinh trở lên, thì được tính thêm 1 lần định mức. Nhưng, mỗi trường chỉ được hưởng không quá 5 lần định mức nêu trên/tháng và không quá 9 tháng/năm.

Như vậy, ngoài phần Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhà trường có thể vận động thêm việc đóng góp từ phụ huynh để hỗ trợ nhân viên nấu ăn bằng mức lương tối thiểu vùng. Thế nhưng, do điều kiện học sinh vùng đặc biệt khó khăn, huy động phụ huynh đóng góp là điều khó thực hiện.

Vì thế, các trường PTDTBT THCS đề nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn lên bằng mức lương cơ sở tối thiểu. Hoặc cho phép nhà trường vận động phụ huynh đóng góp từ khoản tiền hỗ trợ chi phí học tập của học sinh. Bởi lẽ, mỗi tháng, học sinh thuộc diện bán trú được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng.

Giả sử, 300 học sinh thuộc diện bán trú, nếu mỗi tháng phụ huynh đóng góp 20.000 đồng (trích từ số tiền hỗ trợ chi phí học tập của học sinh), thì tổng số tiền sẽ là 6 triệu đồng. Số tiền này nhà trường sẽ dùng để hỗ trợ thêm cho 4 nhân viên nấu ăn, mỗi người 1.500.000 đồng, cộng với 3 triệu đồng nhà trường đang hỗ trợ hiện tại, mỗi người có thể được từ 4.500.000 đồng/tháng.

“Nếu linh động cách làm thì nhân viên nấu ăn ở các trường bán trú sẽ có mức thu nhập tương đương mức lương cơ sở tối thiểu. Từ đó, họ có thể trích mỗi tháng 500.000 đồng để tham gia đóng bảo hiểm xã hội”, thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lát nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ