Không có một danh xưng nào gần gũi hơn và cũng thiêng liêng hơn dành cho họ: “Bộ đội Cụ Hồ”. Chắc mọi người còn nhớ cách đây 4 năm (10/2020), những người lính đã băng mình trong lũ dữ ở phía Tây Thừa Thiên Huế để có mặt sớm nhất tại điểm sạt lở khiến nhiều công nhân tử nạn nhằm giúp những người còn bị mắc kẹt ra khỏi nơi nguy hiểm. Thế rồi, trận lở núi kinh hoàng năm đó tại Rào Trăng đã cướp đi sinh mạng của 13 sĩ quan và chiến sĩ, làm nhói lòng đồng bào cả nước.
Xuất hiện sớm nhất ở những điểm nóng nhất, chỉ có thể là bộ đội. Năm 2021, khi cả hệ thống chính trị phải gồng mình chống dịch tại TPHCM trong nhiều ngày nhưng không hiệu quả, đúng lúc ấy, những người lính đã có mặt, sẵn sàng nhận về mình gian khó nhất, kể cả những rủi ro, để làm sao mang lại sự bình yên sớm nhất cho nhân dân. Cuối cùng, như chúng ta đã biết, nạn dịch khủng khiếp mang tên Covid-19 đã được đẩy lùi, trong đó không thể không nhắc đến công sức của những người lính ngày ấy.
Đừng nghĩ rằng làm lính trong thời bình thì “nhàn nhã”! Ngoài việc phải luyện tập thường xuyên, đảm bảo đủ quân số trực chiến, các anh bộ đội cũng luôn ở trong tư thế sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Chứng kiến những trận bão lũ kinh hoàng diễn ra trong những năm gần đây mới thấy hết nỗi vất vả của những anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Khi Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thông báo về mức nguy hại mà người dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng sẽ phải đối mặt, không ai khác ngoài lực lượng vũ trang có mặt bên cạnh người dân. Không chỉ tham gia chằng chống nhà cửa, lùa gia súc, gia cầm của dân đến nơi an toàn, các anh bộ đội còn bồng bế trẻ em và cõng cả người già đến những nơi an toàn nhất. Cứ mỗi lần bão lũ sắp đổ bộ vào đất liền là thấy các anh bộ đội có mặt sớm nhất!
Còn nhớ tháng 9/2024, cơn bão Yagi đã tàn phá nặng nề các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trận lở núi kinh hoàng, vùi lấp 67 người dân ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ngay khi nước lũ vẫn còn dâng tứ bề, chia cắt nhiều khu dân cư, gần 400 cán bộ, chiến sĩ đã có mặt tại Làng Nủ để tìm kiếm người mất tích. Các anh bộ đội đã dầm mình trong bùn đất, mưa lạnh để tìm kiếm những người xấu số suốt nửa tháng trời.
Hết giúp dân trong bão lũ, các anh bộ đội lại có việc mới. Một trong mối lo của các nhà quản lý các cấp trong thời gian qua là việc quản lý số tàu thuyền đánh bắt xa bờ, có khả năng vi phạm việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Chính bộ đội biên phòng ở cửa khẩu các tỉnh đã thành lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, giám sát và ngăn chặn những hành vi sai trái của ngư dân, đóng góp rất lớn vào việc sẽ được gỡ thẻ vàng trong thời gian tới.
Có hàng trăm công việc có tên và không tên đã được bộ đội giúp dân, các anh coi đó như một lẽ thường tình. Không có câu nói nào chính xác hơn câu này: “Quân với dân như cá với nước”. Chính sự gắn bó và tương hỗ này đã giúp cho quân đội ta làm nên những kỳ tích cả trong thời chiến lẫn thời bình. Họ xứng đáng để nhận mọi sự tri ân của nhân dân.