Nối mạch kiến thức giúp HS cuối cấp vững tâm trước kỳ thi quan trọng

GD&TĐ - Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, ổn định nền nếp học tập, củng cố kiến thức cũ bên cạnh triển khai chương trình mới được các trường học Hà Nội chú trọng thực hiện.

Học sinh tiểu học bắt nhịp với chương trình học.
Học sinh tiểu học bắt nhịp với chương trình học.

Giúp học sinh lớp 1 trở lại “guồng” học

Cô Phùng Thị Anh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho biết: Để kiến thức được nối tiếp sau thời gian học online, nhà trường vừa triển khai dạy tiếp chương trình vào buổi học 1. Giờ học tăng cường buổi chiều, giáo viên các khối lớp tổ chức ôn tập, củng cố lại kiến thức trong 3 tuần học trực tuyến cho học sinh.

Buổi đầu tổ chức dạy học trở lại, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm sẽ kiểm tra tất cả học sinh lớp 1 hai môn Tiếng Việt và Toán để biết em nào còn nhớ, em nào đã quên kiến thức. Với nhóm học sinh đã quên kiến thức, giáo viên tổ chức ôn tập trước khi dạy bài mới. Với học sinh yếu, giáo viên tập trung hầu hết thời gian cho việc rèn kĩ năng đọc, viết.

Cô Nguyễn Thị Túy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: Là địa bàn còn nhiều khó khăn, song nhà trường huy động được 99,8% học sinh tham gia học trực tuyến, trong đó có 100% học sinh khối lớp 1 học vào các buổi tối với sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Một số em chưa có điều kiện tiếp cận mạng Internet và thiết bị học trực tuyến được giáo viên hướng dẫn đến học cùng bạn có phương tiện hoặc đến học tại nhà cô. Vì vậy, học sinh được tiếp nối kiến thức trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch.

Giám sát sức khỏe học sinh khi đến trường.
Giám sát sức khỏe học sinh khi đến trường.

Để học sinh lớp cuối cấp vững tâm trước kỳ thi quan trọng

Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì) cho hay: Nhà trường tiếp tục tuyên truyền cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Đồng thời, trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với thời gian thực tế, chủ động giảm tải kiến thức theo hướng dẫn của Bộ. Giáo viên rà soát, bổ sung kiến thức, đặc biệt đầu tư ôn tập, giao các dạng đề thi cho học sinh khối 12 tiếp cận để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Cô Dương Thị Tám - Hiệu trưởng Trường THCS Giang Biên (quận Long Biên) trao đổi: Nhà trường vẫn sử dụng các phần mềm dạy học để giải đáp thắc mắc và trao đổi với học sinh và phụ huynh. Trường phân công giáo viên chủ nhiệm theo bám, nhận trách nhiệm cho đến khi các em tốt nghiệp lớp 9. Điều này giúp giáo viên sâu sát, nắm bắt từng học sinh để cùng với giáo viên bộ môn dạy và ôn tập kiến thức phù hợp cho các em theo từng giai đoạn. Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi vào 10, các thầy cô tập trung ôn luyện cho các em, kể cả khi học trực tuyến cũng như trực tiếp.

Tại Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ), theo cô Lê Thủy Trang -Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên dành từ 1 - 2 tiết tùy môn để củng cố lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến bằng cách kết hợp kiểm tra, giao bài tập bổ trợ và phân công học sinh khá, giỏi hỗ trợ các bạn yếu hơn. Với học sinh lớp 9, trường tổ chức 2 buổi chiều dạy tăng cường ôn tập trong tuần.

Các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục cần chủ động tổ chức hình thức ôn tập phù hợp để vừa dạy kiến thức mới bên cạnh củng cố kiến thức cũ. Đặc biệt, trường THCS, THPT cần tổ chức tốt việc ôn tập chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiêp THPT năm 2021 và thi tuyển sinh vào 10. Hướng dẫn học sinh ngoài ôn tập trên lớp cần dành thời gian phù hợp để tự học, ôn tập theo tài liệu, nội dung giáo viên giao… Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.