Nỗi lòng cha mẹ và thầy cô bên ngoài cánh cổng trường thi

GD&TĐ - Khi con đã vào bên trong phòng thi với đầy đủ dụng cụ cần thiết, cha mẹ mới thực sự yên tâm để chờ đợi tiếng trống báo hết giờ làm bài được cất lên.

Thời điểm đầu giờ sáng 29/6, rất đông phụ huynh và thầy cô đứng ở cổng Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc, Nam Định) để động viên tinh thần cho các em thí sinh trước khi vào phòng thi.
Thời điểm đầu giờ sáng 29/6, rất đông phụ huynh và thầy cô đứng ở cổng Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc, Nam Định) để động viên tinh thần cho các em thí sinh trước khi vào phòng thi.

Cha mẹ không tạo áp lực cho con

Sáng 29/6, đúng 7h35 phút tiếng trống tính giờ làm bài thi tổ hợp KHTN/KHXH của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được cất lên. Cánh cổng trường thi đã khép lại để các bộ phận bên trong khu vực thi làm nhiệm vụ theo quy định. Phía ngoài cổng trường, tất cả thầy cô và cha mẹ học sinh đều đang dõi theo các em từ xa để mong chờ một kết quả tốt nhất.

Chị Đặng Thị Hương nêu quan điểm, phụ huynh nên để con có sự lựa chọn đúng đắn sau khi học hết lớp 12 và thi tốt nghiệp THPT. Video: Đình Tuệ.

Đưa con đến điểm thi Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc, Nam Định) từ 6h sáng, chị Đặng Thị Hương - phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (TP Nam Định) cho biết, cả gia đình rất lo lắng và động viên cho cậu con trai lớn bước vào kỳ thi thật bình tĩnh, tự tin. Sau ngày thi đầu tiên với môn Ngữ văn và Toán, con trai chị đã làm khá tốt nên sáng nay cũng rất tự tin khi bước vào trường thi để làm bài tổ hợp KHXH.

Chị Hương cho rằng, khi các cháu học hết lớp 12 và dự thi tốt nghiệp THPT là một mốc rất đáng nhớ. Nếu em nào học được thì có thể lựa chọn tiếp con đường học đại học. Còn không, các em hoàn toàn có nhiều lựa chọn khác để tiến thân chứ không phải vào đại học bằng mọi giá dù mình không có năng lực.

Sự gần gũi của bố với con sau giờ tan thi ngày 28/6 tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Sự gần gũi của bố với con sau giờ tan thi ngày 28/6 tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

"Cháu nhà tôi năm nay đăng ký nguyện vọng để thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Tôi vẫn động viên cháu cần cố gắng hết sức để ôn luyện thật kỹ ngay trên lớp do thầy cô hướng dẫn, nhất là các môn tổ hợp khối C00 là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Dù kết quả có ra sao thì bố mẹ vẫn luôn ủng hộ, đồng hành cùng con chứ không trách móc", chị Hương nói.

Còn anh Nguyễn Văn Tiến, phụ huynh có con thi tại Trường THPT Trần Văn Lan tâm sự: "Bản thân chúng tôi trước đây thi vào đại học còn khó gấp nhiều lần. Đến thời nay, các cháu có rất nhiều sự lựa chọn sau khi hoàn thành chương trình và tốt nghiệp THPT. Tôi vẫn động viên con cho dù con học gì, làm gì thì mục tiêu cuối cùng vẫn là kiếm ra đồng tiền chân chính để nuôi sống bản thân. Học đại học không phải con đường duy nhất để kiếm tiền, tôi không kỳ vọng quá mức mà cứ để cháu được phát triển tự nhiên theo năng lực".

Thầy cô luôn đồng hành

Các thầy cô và đoàn viên thanh niên của Trường THPT Trần Nhật Duật trực tại cổng Trường THPT Trần Văn Lan. Ảnh: Đình Tuệ.

Các thầy cô và đoàn viên thanh niên của Trường THPT Trần Nhật Duật trực tại cổng Trường THPT Trần Văn Lan. Ảnh: Đình Tuệ.

Là một trong 3 thầy cô trực tiếp đứng tại cổng trường để kiểm soát học sinh của mình, cô Nguyễn Thị Phong - giáo viên Trường THPT Trần Nhật Duật (TP Nam Định) cho biết, suốt mấy ngày qua, các cô cùng một số thanh niên tình nguyện của trường đều có mặt trước và sau mỗi buổi thi để điểm danh học sinh. Thầy cô sẵn sàng đồng hành, tiếp thêm động lực cho các sĩ tử.

Nếu có em nào đến muộn thì sẽ chủ động gọi điện cho gia đình, em nào có mặt cũng được đánh dấu để kiểm soát quân số. Các thầy cô cũng chuẩn bị sẵn một thùng lớn bằng tôn để lưu giữ đồ cá nhân như điện thoại, đồng hồ của thí sinh vào từng chiếc túi clear hay phong bì nhỏ có ghi tên học sinh. Sau khi hết giờ, các em ra lấy đúng đồ đã ghi tên của mình bên ngoài.

Các thí sinh xem lại sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường THPT Trần Văn Lan, Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Các thí sinh xem lại sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường THPT Trần Văn Lan, Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

"Chúng tôi đánh giá cao khâu tổ chức thi của điểm thi Trường THPT Trần Văn Lan. Các em thí sinh đến đều có lực lượng thanh niên tình nguyện của trường đứng ở cổng hướng dẫn chỗ gửi xe, khu vực để đồ cũng như kiểm tra các vật dụng cần thiết thí sinh được phép mang vào phòng thi. Nếu là Át lát Địa lý thì phải sạch sẽ, không có các kí tự đặc biệt hay bất thường thì mới được mang vào phòng thi", cô Phong trao đổi thêm.

Giữ gìn an ninh trật tự vòng ngoài và đảm bảo giao thông được thông suốt sẽ góp phần làm nên thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ.

Giữ gìn an ninh trật tự vòng ngoài và đảm bảo giao thông được thông suốt sẽ góp phần làm nên thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo ghi nhận, trước và sau mỗi buổi thi đều có lực lượng Cảnh sát giao thông và thanh niên tình nguyện phối hợp để hướng dẫn phân luồng, tránh ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường thi. Điều này góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường thi để phụ huynh yên tâm khi tới đưa, đón con em mình.

Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp KHXH/KHTN trong sáng nay, các thí sinh sẽ thi nốt môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài là 60 phút vào chiều nay, 29/6 và kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong ngày thi đầu tiên ở hai môn Ngữ văn và Toán, toàn tỉnh Nam Định không ghi nhận bất cứ trường hợp cán bộ, giám thị hay thí sinh nào vi phạm quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ