(GD&TĐ) - Một biên kịch “cứng tay” mỗi tháng kiếm trên 45 triệu đồng là chuyện bình thường. Đó là khẳng định chắc nịch của một biên kịch có tên tuổi tại TP.HCM. Ngoài ra, những bạn trẻ mới bắt đầu viết (trong một nhóm) thì ngoài lương tháng từ trưởng nhóm, còn được hưởng cát sê nhất định, đảm bảo có thể “sống tốt”.
Nghề đang “hot”
Thời gian qua, hàng loạt các hãng phim như Phước Sang, TFS, MT Picture, Lasta, BHD, Hãng phim truyền hình Việt Nam, Senafilm, Cát Tiên Sa… đua nhau sản xuất các bộ phim truyền hình dài tập và phát sóng liên tục. Vì thế, các nhà sản xuất cần rất nhiều kịch bản phim chất lượng phục vụ khán giả. Đây cũng là môi trường tốt giúp các biên kịch trẻ thử sức, khẳng định mình. Ban đầu, một số biên kịch trẻ làm việc độc quyền cho một hãng sản xuất phim để có đất “dụng võ” ổn định. Nhưng càng về sau thì các biên kịch có xu hướng làm việc độc lập để có thể chủ động hơn trong việc sáng tác kịch bản, cũng như xây dựng “thương hiệu” cho riêng mình. Ngoài những biên kịch chuyên nghiệp chỉ tập trung vào việc viết kịch bản, cũng có không ít các biên kịch bán chuyên nghiệp, xem đây là một nghề làm thêm. Đam mê và thu nhập cao, cộng với công việc không quy định thời gian, miễn là đảm bảo tiến độ, không gò bó nơi làm việc nên ngày càng có nhiều bạn trẻ là cộng tác viên các tờ báo, những bạn sinh viên mê viết lách “dấn thân” vào nghề này. Trưởng nhóm biên kịch Đ.T chia sẻ rằng nhóm chị có rất đông thành viên ở nhiều độ tuổi, công việc khác nhau, Có cả sinh viên, biên tập viên các Đài truyền hình. Chị cũng không ngại tiết lộ, thu nhập của các thành viên trong nhóm biên kịch của chị cũng như nhiều nhóm biên kịch khác hiện nay rất cao. Tuy nhiên, việc tuyển chọn rất gắt gao vì theo chị, nếu tuyển người chưa có kinh nghiệm hoặc non tay thì phải mất nhiều thời gian sát cánh để chỉ dẫn. Và thường các bạn ấy bỏ cuộc sớm vì không chịu nổi áp lực công việc. C.T, thành viên của một nhóm viết kịch bản cho biết: “Lương, cát sê của chúng tôi cao hay thấp tùy thuộc vào trưởng nhóm có ‘thế lực’, am hiểu trong nghề, bán được kịch bản giá cao, có những điều khoản chắc chắn trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi. Hơn nữa, khi gửi kịch bản cho các nhà sản xuất xem, nếu biên kịch non nghề, kém kinh nghiệm, rất đễ bị họ ‘chơi xấu’, ăn cắp ý tưởng rồi trả kịch bản về. Trường hợp này xảy ra nhiều lần khiến một số biên kịch trẻ mất thời gian, mất tác phẩm mà chẳng có xu nào”.
Nhóm biên kịch Lê Quang Thanh Tâm và các diễn viên trong bộ phim "Cơm tấm tình yêu" |
Công nghệ hóa nghề biên kịch
Trên thế giới, hầu hết các kịch bản phim đều đã được “nhóm hóa”. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ nắm giữ một phần quan trọng trong đường dây kịch bản. Còn ở Việt Nam thì mô hình này chỉ mới thật sự phát triển trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện khá nhiều nhóm có tần suất hoạt động cao, chuyên nghiệp. Có những nhóm tập hợp nhiều nhà văn, biên tập tên tuổi như nhóm Biên kịch Sài Gòn, nhóm LQTT, nhóm Đặng Thanh, nhóm Hoàng Duẫn - Trần Quỳnh, nhóm Chia sẻ tầm nhìn, nhóm Diệu Như Trang…với không ít tác phẩm theo hình thức “group” rất ăn khách. Theo quan niệm cũ, một cá nhân hoàn tất công đoạn viết toàn bộ kịch bản phim là chuyện bình thường và luôn được ưa chuộng. Tuy nhiên, các vấn đề trong kịch bản phim ấy dễ rơi vào sự chủ quan. Cho nên, việc hoạt động theo nhóm phần nào khắc phục được tình trạng này, vì mỗi thành viên có những quan niệm sống riêng. Chính vì vậy, nhân vật trong phim sẽ có đa sắc màu, sinh động, chân thật và “đời” hơn. Cách thức làm việc theo nhóm hiện nay phổ biến là: Trong nhóm có một người làm đề cương chi tiết (thường là trưởng nhóm) rồi phân tập cho từng thành viên viết, căn cứ vào khả năng, độ tuổi để đảm bảo mỗi thành viên sẽ hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất . Cuối cùng là vấn đề xâu chuỗi, thống nhất toàn bộ tình tiết kịch bản do trưởng nhóm thực hiện.
Những nghịch lý đáng buồn
Thành bại của một bộ phim, đầu tiên phải kể đến người biên kịch, “mẹ đẻ” của một bộ phim. Mặc dù giữ vai trò đặc biệt quan trọng như thế, nhưng hầu như biên kịch chỉ hoàn toàn đứng sau những “ánh hào quang”, hiếm ai nhắc tới.
Ở các giải thưởng điện ảnh thế giới, nhà biên kịch là nhân vật được vinh danh trong những bộ phim do họ chấp bút. Trong khi đó thì ở điện ảnh Việt Nam, tồn tại một thực tế đánh buồn. Biên kịch hiếm được ai nhắc đến, ngay cả giới truyền thông cũng từ chối thẳng thừng việc đưa tên biên kịch đi cùng với đạo diễn. Khá nhiều nhà biên kịch rất chạnh lòng trước nghịch lý này. “Phim của mình hay, được khán giả yêu thích là đủ” - một số nhà biên kịch tự an ủi mình như thế. Nhưng cũng có một số biên kịch không chịu sự thiệt thòi, đồng thời cần một “danh phận” để thuận lợi hơn trong công việc, nên họ đã tìm đường bước “ra ánh sáng” bằng cách tự PR mình trên báo chí.
Biên kịch là người “mẹ đẻ” của kịch bản nên rất hiểu đứa con tinh thần của mình. Nếu dùng sự hiểu biết chi li này kết hợp với sự hiểu biết, sáng tạo trong sự chỉ đạo diễn xuất, hình ảnh, góc máy của đạo diễn thì sẽ tạo nên một bộ phim chất lượng. Thế nhưng, sự kết hợp ấy rất hiếm khi diễn ra. Vì thế, nhiều khi ý tưởng biên kịch một đằng, phim làm một nẻo. Thứ nhất, đó là việc chỉnh sửa các tuyến nhân vật giữa đạo diễn và biên kịch. Hầu như các đạo diễn không cùng biên kịch trao đổi mà tự sửa kịch bản rồi tiến hành quay. Nếu việc chỉnh sửa này đạt hiệu quả thì không nói gì. Còn nếu nó miễn cưỡng, thiếu tính mạch lạc, tạo ra nhiều hạt sạn trong phim thì biên kịch là người lãnh đủ. Vì thế, nhiều biên kịch đã chủ động xin được ra hiện trường để khắc phục những tình trạng trên, đảm bảo chi tiết hóa từng câu thoại. Cách này nhiều người gọi là nhà biên kịch đã thực hiện đạo diễn trong kịch bản văn học. Ngoài ra, có nhiều trường hợp mà nhà biên kịch than rằng mình không thể trao đổi nhiều với những đạo diễn bị bệnh “sao” quá nặng. Và một lý do khác nữa là tiến độ làm phim cấp tốc của một số nhà sản xuất hiện nay khiến cho cả hệ thống sản xuất không chăm chút vào chất lượng, khiến các tình tiết trong phim dễ bị đẩy vào trạng thái… “rơi tự do”.
Hư Trúc – Khôi Nguyên