Giáo viên giỏi rời núi về xuôi
Tốt nghiệp CĐSP chuyên ngành tiếng Anh, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Tuấn xung phong lên huyện miền núi Con Cuông cắm bản. Với nhiều cố gắng, đạt thành tích tốt trong dạy học, thầy Tuấn được đồng nghiệp tín nhiệm, lãnh đạo ngành giáo dục ghi nhận, giao vị trí Phó Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Môn Sơn. Ở ngôi trường vùng biên, ngoài công tác chuyên môn, thầy cũng nhiều lần vượt sông Giăng, lên rẫy vận động học sinh người Thái, Đan Lai... trở lại lớp. Về sau, thầy tiếp tục được biệt phái làm chuyên viên Phòng GD&ĐT Con Cuông.
Tuy nhiên đến năm 2018, thầy Nguyễn Văn Tuấn quyết định xin chuyển về xuôi, trở thành giáo viên bình thường tại Trường Tiểu học Nghi Liên, ở ven đô TP Vinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thầy bỏ lại mọi thành quả của 15 năm tuổi trẻ cống hiến ở Con Cuông.
Nói về lựa chọn của mình, thầy chia sẻ: “Tôi trăn trở rất nhiều. Hơn 15 năm gắn bó với học trò, bà con dân bản, đối với tôi Con Cuông đã là quê hương thứ 2, cho tôi trải nghiệm với nghề và trưởng thành. Bên cạnh đó, nếu chuyển về thành phố dạy học, thu nhập, phụ cấp của tôi cũng sẽ bị cắt giảm”.
Vợ của thầy Tuấn cũng là một giáo viên tiếng Anh cốt cán của huyện Con Cuông. Cô từng 2 đạt giáo viên giỏi tỉnh, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm nhằm tăng cường kỹ năng tiếng Anh cho học sinh vùng cao được công nhận cấp huyện, tỉnh... Nhưng sau hơn 10 năm gắn bó, cô cũng xin rời núi về xuôi.
“Vợ chồng tôi cắm bản ở miền núi hơn 10 năm, cũng chừng ấy thời gian con cái gửi lại cho ông bà. Giờ đây ông bà già yếu, cần người chăm sóc, các con cũng lớn lên phải có bố mẹ ở bên gần gũi theo dõi. Vì hoàn cảnh, vợ chồng tôi ưu tiên cho gia đình”, thầy Tuấn nói thêm.
Một cô giáo ở Trường Tiểu học Mường Típ 1 (huyện Kỳ Sơn) đã chuyển về một trường học ở TP Vinh năm học trước cũng chia sẻ: “Suốt hơn 10 năm cắm bản ở xã biên giới, tôi phải xa con đằng đẵng. Hai đứa con, một cháu gửi nội ở Con Cuông, một cháu gửi ngoại ở Vinh. Tôi chưa một lần được đưa con đi khai giảng năm học mới, hay đón con đi học về...”. Khi được chuyển về TP Vinh dạy học, công việc đối với cô áp lực hơn. Nhưng đổi lại, cô được ở gần gia đình, chăm sóc con cái.
Người muốn đi, địa phương khó giữ
Trường Tiểu học thị trấn Tương Dương, trong hai năm trở lại đây đã có 3 giáo viên xin chuyển về xuôi, đều còn trẻ và là giáo viên dạy giỏi. Điều này khiến nhà trường rất vất vả để sắp xếp thời khóa biểu. Thầy Nguyễn Văn Vượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tương Dương cho biết, dù không thể từ chối nhưng thầy rất hụt hẫng mỗi khi ký quyết định cho giáo viên thuyên chuyển. Trong khi đó, để điều giáo viên về trường thị trấn, lại khó hơn trường vùng sâu. Vì ở đây, áp lực chất lượng dạy học nhiều hơn, nhưng chế độ phụ cấp, ưu đãi lại thấp hơn so với vùng biên giới, đặc biệt khó khăn.
Trên thực tế, số lượng giáo viên có nhu cầu chuyển về xuôi công tác lớn, nên để được giải quyết, nhiều người phải chờ đợi năm này qua năm khác. Tại huyện Tương Dương từ tháng 8/2019 đến nay có khoảng 20 giáo viên rời núi về xuôi, trong đó có 3 người đã làm đến hiệu trưởng, hiệu phó. Trước tình hình đó, năm học này, lãnh đạo huyện không cho giáo viên thuyên chuyển, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh vì huyện đang thiếu trầm trọng.
Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nhận định, việc giáo viên thuyên chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên miền núi nói riêng và chất lượng giáo dục miền núi nói chung.
Thời gian qua, mỗi năm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có trên 20 giáo viên chuyển trường. Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (xã Nậm Cắn) nhưng năm nào cũng phải chia tay giáo viên về xuôi. Điều này khiến cho ngôi trường chuẩn mức độ 2 lo lắng trong việc xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng dạy học. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện này lắc đầu, tiếc nuối: “Chúng tôi mất hết giáo viên giỏi”.
Trước đó, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn từng thừa nhận, dù đội ngũ giáo viên trên địa bàn đều đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng năng lực dạy học trên thực tế còn nhiều tồn tại. Ba năm gần đây, Phòng phải liên tục triển khai bồi dưỡng lại giáo viên (chủ yếu là tiểu học và THCS) để đáp ứng nhu cầu dạy học. Trong khi đó, số giáo viên giỏi, năng động lại chuyển về xuôi, để lại khoảng trống rất lớn về đội ngũ cho giáo dục huyện. “Nhưng cũng không thể không đồng ý cho giáo viên chuyển. Nguyện vọng của họ là chính đáng. Giáo viên xin chuyển đều trên 10 năm cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn và chịu nhiều vất vả, thiệt thòi”, ông Phan Văn Thiết nói.