Công cụ pháp lý đã có nhưng…
Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm siêu thị từ 50 - 65%, nhằm hướng tới bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, nếu chỉ tuyên truyền, vận động thì Hà Nội khó đạt được mục tiêu này.
Khi hỏi nhiều người dân ở khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) rằng “tại sao không dùng làn đi chợ để giảm thiểu dùng đồ nhựa một lần”, phần lớn đều trả lời rằng “vì sự tiện lợi”. Không những thế, như chị Nguyễn Thị Hà, 36 tuổi chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn quen dùng bát, đĩa, đũa nhựa một lần trong các lần tổ chức sinh nhật cho con, chỉ vì nó tiện dùng”. Trong khi đó, hỏi chuyện nhiều học sinh mua đồ ăn gần cổng Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), về lý do các em mua đồ uống bằng cốc nhựa, thì nhiều em trả lời không phải xuất phát từ thói quen sử dụng mà là thói quen của người bán hàng!
Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả chất thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Riêng túi ni-lông, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông, nhưng chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Do các túi ni-lông này nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế cho nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không phân hủy, nhất là các túi ni-lông nếu bị đốt ở các bãi rác hở sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí do phải thải các khí ô nhiễm như HCl, VOC, dioxin, Fuaran…
Trong khi đó, trên thực tế, ở nước ta đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường. Tính đến tháng 5/2018, có 43 sản phẩm của 38 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận túi ni-lông thân thiện với môi trường. Song, độ phủ trên thị trường của các sản phẩm này lại chưa phổ biến.
Theo các chuyên gia, nhìn chung nước ta đã có những cơ sở pháp lý mang tính chất định hướng cho việc quản lý chất thải túi ni-lông từ khâu phát sinh (phát thải), giảm phát thải cho đến xử lý chất thải thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni-lông khó phân hủy ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện còn vấn đề.
Như chia sẻ của TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, thì hàng loạt văn bản pháp quy về TN&MT đã quy định về rác thải nhựa và túi ni-lông, như Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thuế Bảo vệ môi trường; các nghị định, thông tư hướng dẫn… Nhưng các văn bản này còn thiếu cụ thể để có thể tập trung quản lý, kiểm soát chất thải túi ni-lông khó phân hủy. Một công cụ điều tiết hiệu quả là kinh tế lại chưa phát huy tác dụng, bởi thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông quá thấp, chỉ 40.000 đồng/ kg.
Cùng đó, nhiều người dân đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng 1 lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. “Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa, mỗi năm sử dụng 500 tỉ túi ni-lông nhưng có tới 50% vật dụng nhựa chỉ được sử dụng 1 lần, gần 1/3 túi ni-lông sử dụng không được thu gom và xử lý”, ông Hoàng Văn Thức thông tin.
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Hiện nay không có quy định nào bắt buộc người dân phải sử dụng chai kim loại hay ngừng dùng túi ni-lông, nên việc tìm vật liệu thay thế là điều rất quan trọng, để thay đổi thói quen của người dân. Theo ông Hoàng Văn Thức, để từng bước hạn chế nguồn rác thải nhựa, nhất là rác thải từ túi ni-lông ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa; phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi ni-lông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni-lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác.
Đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên. Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni-lông. Tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Khuyến khích, thay đổi hành vi, xây dựng lối sống thân thiện đối với môi trường của người dân. Trong đó cần thực hiện các chương trình thúc đẩy người dân mua các sản phẩm có ít bao bì, tái sử dụng các túi đựng nhiều lần, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy trong tự nhiên, nhất là “nói không” với túi ni-lông khó phân hủy.