Nơi học sinh được yêu thương

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc không phải cái gì đó to tát mà đơn giản là mỗi người cảm thấy ngày hôm nay của mình tốt hơn ngày hôm qua; khi đến trường được vui vẻ, an tâm làm việc, sáng tạo; được tin tưởng, tôn trọng và mọi người cùng giúp đỡ nhau để bản thân, nhà trường phát triển.

Cô Phạm Phương Chi trong một giờ lên lớp
Cô Phạm Phương Chi trong một giờ lên lớp

Không nên mang nỗi bực dọc từ nhà đến trường

Cô Phạm Phương Chi - giáo viên Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa) chia sẻ: Để có một trường học hạnh phúc thì trước tiên, các thầy cô giáo phải được hạnh phúc và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Cô Chi cảm động khi nghe được tâm sự của phụ huynh rằng: “Con mê mẩn cô đến mức về nhà làm gì cũng bảo cô giáo con bảo thế!”, “Cô giáo con làm như này cơ mẹ ơi!”. Điều này hợp lí vì thời gian con đi học ở trường là 8 - 10 tiếng mỗi ngày, thậm chí thời gian con ở với thầy cô còn nhiều hơn bố mẹ. Thế nên, bố mẹ nên mừng vì con yêu cô, con muốn được đến lớp với thầy cô của mình mỗi ngày.

“Mình đã từng thấy có cô giáo mang theo cả nỗi bực dọc với chồng khi tới trường, vào lớp mắng mỏ học trò. Có những thầy cô ưu tư, suy ngẫm nhiều chuyện, lên lớp giờ học buồn thiu. Mà nhiều hôm liền như thế, trẻ con không dám ho he gì. Vậy nên, các thầy cô hãy gác hết tất cả những lo lắng, phiền muộn bên ngoài cánh cửa lớp để học trò có được những giờ học hào hứng và đầy yêu thương” - cô Chi tâm sự.

Cô Chi kể: Năm vừa rồi, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, có một vài con thi đỗ với kết quả xuất sắc nhưng vẫn nhắn tin cho cô với đại ý là bố mẹ con vẫn mong con có số điểm tốt hơn. Nhưng ngược lại, có cha mẹ học sinh rất cẩn thận ngay sau khi biết điểm của con, nhắn tin cho cô cảm ơn vì con đã tự vượt qua chính mình.

Theo cô Chi, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có năng lực khác nhau, khi các em đã cố gắng thì cần được ghi nhận. Điều này sẽ giúp các em cảm thấy hạnh phúc hơn vì những nỗ lực của mình.

Cô Phạm Phương Chi (thứ 2 từ trái sang) cùng các thầy cô giáo và học sinh Trường THCS Cát Linh
  • Cô Phạm Phương Chi (thứ 2 từ trái sang) cùng các thầy cô giáo và học sinh Trường THCS Cát Linh

Để học sinh biết mình được yêu thương

Bên cạnh ý thức nâng cao chuyên môn, giáo viên cần sống hết mình với những bài giảng, cần truyền tải những bài học bằng chính sự yêu thương chứ không chỉ là kỹ năng. Học trò ở lứa tuổi này đã bắt đầu có những nhận định xác đáng về con người và cuộc sống, do đó chúng đủ tinh tế để nhận ra sự yêu thương.

Do vậy, bên cạnh lối sống yêu thương, trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô Chi đã phối hợp với phụ huynh và học sinh lớp mình chủ nhiệm để cùng thực hiện những chuyến đi dã ngoại, chuyến trải nghiệm thực tế để các em có thể áp dụng chính những bài học yêu thương đến cộng đồng.

Ngoài ra, cô Chi cho rằng, để có một lớp học hạnh phúc, phải làm cho học sinh được hạnh phúc trong quá trình học tập của mình và hãy cho các em cơ hội để bộc lộ khả năng.

Nhiều thầy cô cho rằng, đứa trẻ tốt thì giao việc sẽ hoàn thành tốt. Quanh năm suốt tháng, thầy cô chỉ giao việc cho trẻ đó. Còn những học trò nhút nhát hơn, ít nói hơn, chưa cẩn thận bằng thì ít có cơ hội được giao việc.

Do vậy, các thầy cô cần thay đổi suy nghĩ và thói quen này. Thay vì chỉ giao việc, thầy cô hãy hướng dẫn đứa trẻ nhút nhát đó cách thức để hoàn thành tốt công việc của mình. Mỗi đứa trẻ đều có năng lực riêng, còn gọi là “sức mạnh tiềm tàng” và thầy cô chính là người đánh thức nó.

Cô Chi kể: Khi mới đi làm, cô đã đặt ra nguyên tắc và tuân thủ 100% những quy định một cách cứng nhắc vì nghĩ rằng, làm như vậy lớp sẽ có kỉ luật. Sau một thời gian quan sát, cô hiểu rằng trẻ con cũng có những trạng thái tâm lí như người lớn, cũng có những sơ suất không thể tránh khỏi. Sự khắt khe quá mức của thầy cô có thể trở thành nỗi sợ hãi của trẻ khi tới trường. Và cô đã bắt đầu thay đổi.

Cô đã chấp nhận cho học sinh khi đi học có thể chưa hoàn thành bài giao, có thể chưa học bài khi tới lớp. Nhưng các em phải báo trước với cô khi vào lớp và có lí do chính đáng. Sau đó, cô xác nhận lại với cha mẹ HS để các con không lợi dụng điều đó để lười biếng.

Trường học hạnh phúc là một nơi thực sự an toàn đối với học sinh. Do vậy, cần phải gắn kết những đứa trẻ với nhau vì lớp học là một gia đình thực sự và nó phải là nơi an toàn nhất với trẻ. Những hoạt động gắn kết của các bạn nhỏ trong lớp sẽ làm cho lớp đoàn kết và bớt đi trong thầy cô những nỗi âu lo.

Để làm được điều đó, điều cần nhất là các thầy cô đừng ngần ngại, hãy chia sẻ với các bậc phụ huynh. Chính bố mẹ các con sẽ là người đồng hành cùng với các thầy cô. Việc kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng để tạo ra một môi trường học tập thực sự hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.