Không hạnh phúc trong thời gian ôn thi
PGS.TS Nguyễn Văn Lượt - giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: Mới đây, ông cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài “Cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh THPT”, khảo sát 253 học sinh THPT về cảm nhận hạnh phúc ở trường học. Cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh được nghiên cứu qua 4 khía cạnh: Điều kiện trường học, các mối quan hệ ở trường học, sự tự hoàn thiện bản thân và vấn đề sức khỏe ở trường học.
Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung, phần lớn học sinh vẫn chưa cảm thấy hài lòng với các điều kiện học tập ở trường. Trong đó, các khía cạnh học sinh ít hài lòng nhất là tiếng ồn, môi trường học tập căng thẳng.
Lý giải về việc không hài lòng với điều kiện học tập tại trường, một học sinh nữ lớp 11 cho rằng: “Nhiều khi em cảm thấy giống như là mình không thuộc về nơi này, áp lực từ nhiều phía, áp lực phải thành công, suôn sẻ ở mọi việc, mà mình không đạt được điều đó, cảm thấy mình không cố gắng đủ”.
Mối quan hệ với thầy cô cũng bị ảnh hưởng khi “trước kia, các thầy cô bày nhiều trò cho lớp như cho lớp thuyết trình, bài tập nhóm thi đua vừa học vừa chơi” còn vào thời gian ôn thi thì “thầy cô hầu hết là đưa đề cho lớp làm, giảng lại chỗ khó hiểu, nhắc lại kiến thức cũ”.
“Nhà vệ sinh ở trường học” cũng là khía cạnh có sự hài lòng ở mức thấp mà học sinh đánh giá là có ảnh hưởng tới việc học tập của các em ở trường. Nhiều học sinh cho rằng, phòng vệ sinh ở trường bốc mùi rất khó chịu, nếu không cần thiết lắm thì các em sẽ không vào đó.
Sự quan tâm của thầy cô giúp học sinh hạnh phúc
Theo ông Nguyễn Văn Lượt, trong các khía cạnh về cảm nhận hạnh phúc ở trường học, học sinh hài lòng nhất với các mối quan hệ ở trường học. Nhìn chung học sinh cảm thấy không bị bắt nạt ở trường học; hòa thuận với bạn học; giáo viên quan tâm đến học sinh.
Có những ý kiến phỏng vấn sâu đồng tình về điều này như: “Cô dạy Toán nhưng lại dạy lớp em về cách làm người, về chân - thiện - mỹ rất nhiều. Cô quan tâm không chỉ đến việc học trên lớp mà còn cả hoàn cảnh gia đình của chúng em, tôn trọng ý kiến của học sinh và luôn sát bên học sinh. Cô là người mẹ hiền của cả lớp”.
Một học sinh lớp 12 cho biết: “Em thấy tình cảm thầy cô dành cho học trò là rất thật. Điều đó làm chúng em tự tin hơn và cảm thấy mình được yêu thương, luôn có người bên cạnh quan tâm và động viên giúp em vượt qua áp lực thi cử, có tinh thần lạc quan hơn”.
Trong nhóm cách thức tự hoàn thiện, đáng chú ý nhất là mệnh đề “tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà trường khi gặp vấn đề về học tập”. Mặc dù học sinh đánh giá trường học tạo điều kiện cho các em phát triển bản thân nhưng các em lại rất hạn chế tìm kiếm sự trợ giúp từ phía nhà trường.
Nguyên nhân của điều này có thể do tâm lý ngại ngùng của các em như chia sẻ của một học sinh nữ lớp 11: “Em tự giải quyết hoặc tìm đến bạn bè của mình. Vì em thấy rất khó khăn để nói chuyện với cha mẹ hoặc thầy cô”.
Về khía cạnh sức khỏe, vấn đề các em thường gặp phải là khó ngủ, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi.
Một học sinh nữ lớp 12 chia sẻ: “Hầu hết mấy môn học không phải thi đại học thì dạy hết chương trình các thầy cô cho lớp tự do hoạt động, yêu cầu không được mất trật tự ảnh hưởng đến lớp khác, các bạn luyện đề môn thi, trò chuyện với nhau hay có bạn ngủ trong những tiết đó”.
Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung cảm nhận hạnh phúc ở trường học của nhóm nghiên cứu này ở mức dưới trung bình. Trong các khía cạnh về cảm nhận hạnh phúc ở trường học, học sinh hài lòng nhất với các mối quan hệ ở trường học.
Có sự khác biệt giữa nhóm nam và nữ về cảm nhận hạnh phúc ở trường học nói chung và ở khía cạnh “điều kiện ở trường học” và “sức khỏe ở trường học” nhưng không có sự khác biệt ở các khía cạnh “phát triển bản thân” và “mối quan hệ trong trường học”. Cùng với đó, nhóm học sinh khối 10 báo cáo điểm số về cảm nhận hạnh phúc cao hơn so với nhóm học sinh lớp 11, 12.