Từ Hội thảo này, nhiều vấn đề được đặt ra nhằm thực hiện nội dung giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó có thực trạng và sự cần thiết phải tiến hành biên soạn nội dung giáo dục địa phương mới để khắc phục các hạn chế trong giáo dục địa phương hiện hành, bám sát định hướng về giáo dục địa phương của CT GDPT mới, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông theo vác văn bản của Đảng và Nhà nước.
Nội dung giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp phải góp phần thực hiện mục tiêu môn học, gắn lý luận với thực tiễn; bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cập nhật tình hình thực hiện các Đề án lớn của tỉnh: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp; Đề án phát triển du lịch tỉnh.
Hội thảo cũng trao đổi về chương trình và kế hoạch thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học, phương pháp, cách thức thực hiện trong hoạt động dạy học và giáo dục ở các trường phổ thông; về kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Định hướng thống nhất về cách dạy và học nội dung giáo dục địa phương tại các trường Tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh, định hướng cho việc tìm hiểu, tra cứu tài liệu cho giáo viên và học sinh. Tích hợp các phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học nội dung chính khóa và nội dung giáo dục địa phương.
Đại biểu dự Hội thảo tại Sở GD&ĐT Đồng Tháp |
Bên cạnh các nội dung “cứng” của tài liệu giáo dục địa phương, đưa nội dung giáo dục địa phương thành một phần của tiết học (bài, môđun, chủ đề, chuyên đề...) đối với các nội dung, các môn học có liên quan. Phù hợp với năng lực tiếp thu và vận dụng của từng đối tượng học sinh. Đồng thời hướng dẫn cho học sinh tìm tòi, nghiên cứu các nội dung giáo dục địa phương, phát triển kỹ năng thực nghiệp, khởi nghiệp gắn với địa phương.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Lam, giảng viên sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Cần thơ cho rằng: Sở GD&ĐT Đồng Tháp xây dựng được phần mềm giới thiệu lịch sử Đồng Tháp là rất cần thiết và phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay. Bà Lam đề xuất mở rộng nội dung giới thiệu địa phương; không chỉ giới thiệu lịch sử, con người, văn hoá, xã hội,… mà cần thông qua những sản vật, sản phẩm của địa phương để giáo dục và rèn luyện, góp phần hoàn thiện con người và phát huy những thành quả lao động của điạ phương.
PGS.TS Phạm Minh Giản, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, thì đề xuất những nội dung giáo dục cần được các địa phương nghiên cứu, đề xuất để Sở GD&ĐT có được nguồn tư liệu phong phú, xác thực để phần mềm lịch sử Đồng Tháp sớm được hoàn thiện và đi vào sử dụng một cách tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp – những vấn đề đặt ra về việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong CT GDPT, những định hướng và giải pháp đưa ra tại hội thảo hết sức đáng trân trọng.
“Những ý kiến đóng góp tâm huyết là cơ sở quan trọng để chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn các giải pháp hoàn thiện nội dung và tài liệu giáo dục văn hóa địa phương tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới” – ông Nguyễn Thanh Danh cho hay.
Kế hoạch và định hướng về nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.