Lời bài hát đề cập đến nỗi đau dữ dội mà cảm xúc của chúng ta có thể gây ra. Vậy, tại sao chúng ta lại có thể thực sự cảm nhận sự đau đớn trên thể xác qua những nỗi đau tinh thần này?
Geoff MacDonald, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Toronto cho biết: Đau đớn là một tín hiệu báo nguy hiểm. Nếu bạn đặt tay lên bếp nóng, một mạng lưới các tế bào thần kinh trong não của bạn sẽ kích hoạt để gửi một thông điệp rằng có điều gì đó không ổn.
“Nếu bạn bị vấp ngón chân, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, toàn bộ thế giới của bạn tập trung vỏn vẹn vào ngón chân đó. Nỗi đau thực sự tốt trong việc làm gián đoạn sự chú ý và khiến bạn chỉ tập trung vào việc làm cho điều tồi tệ dừng lại”.
Từ quan điểm tiến hóa, việc bị từ chối (hay chia tay) là một điều thực sự tồi tệ. Đối với tổ tiên loài người, sự tồn tại đòi hỏi phải có một mạng lưới xã hội gần gũi, MacDonald nói.
Bằng cách hợp tác, bạn có thể thu thập thức ăn tốt hơn; bạn có thể bảo vệ bảo thân khỏi những kẻ săn mồi tốt hơn. Và rõ ràng, nếu bạn không thể kết nối với những người khác, bạn sẽ rất khó tìm được ai đó để sản sinh thế hệ tiếp theo.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, khi bị từ chối, bộ não của chúng ta hoạt động tương tự như cách chúng làm khi chúng ta chịu đau đớn về thể xác. Vào năm 2011, các nhà tâm lý học đã sử dụng một máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quét não của 40 người tham gia, tất cả đều vừa trải qua một cuộc chia tay không mong muốn.
Bên trong máy quét, những người tham gia nhìn vào một bức ảnh của người đã từ chối họ, trong khi suy nghĩ về việc bị từ chối. Sau đó, các cá nhân tập trung vào những bức ảnh của những người bạn thân trong khi tưởng tượng ra một kỷ niệm vui vẻ về tình bạn đó.
Cuối cùng, các nhà tâm lý học quét não của những người tham gia khi họ trải qua những cảm giác đau đớn và dễ chịu về thể chất: Một vật nóng (nhưng không bỏng), tiếp theo là một vật ấm dễ chịu, được đặt trên cánh tay của họ.
Kết quả được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho thấy rằng, cả hình ảnh của người tình cũ và cảm giác của vật nóng đều kích hoạt các vùng não liên quan đến cơn đau, nhưng bức ảnh của một người bạn và cảm giác về sự ấm áp dễ chịu thì không.
Ethan Kross, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Michigan và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu PNAS năm 2011 cho biết, nỗi đau mà bạn cảm thấy sau khi bất đồng với một người bạn thân là hoàn toàn có thật, nhưng nó không hoàn toàn giống với nỗi đau thể xác.
Bất cứ ai đã từng bị từ chối và bị đấm vào mũi đều có thể nói với bạn rằng những trải nghiệm này tất nhiên là khác biệt. Chúng tôi thấy điều đó được phản ánh trong các nghiên cứu của fMRI.
Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy nỗi đau của việc bị từ chối ở ngực và bụng thay vì một địa điểm nào khác trên cơ thể như đầu gối? Một số nhà tâm lý học đã đưa ra giả thuyết rằng trải nghiệm này liên quan đến việc kích hoạt dây thần kinh phế vị, dây thần kinh này chạy từ não đến cổ, ngực và bụng. Nhưng không có nhiều bằng chứng thuyết phục cho lời giải thích này.
Hơn nữa, còn có hội chứng “trái tim tan vỡ”, một tình trạng trong đó tim tạm thời yếu đi, khiến cho buồng bơm chính của nó, tâm thất trái, căng ra và bơm không đúng cách.
Tình trạng này, còn được gọi là hội chứng takotsubo (TTS), có liên quan đến hoạt động tăng cao trong não gây ra bởi các sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu.
Nỗi đau tinh thần nói chung thật tệ, nhưng nếu phải đối mặt với nỗi đau của sự mất mát hay bị từ chối, bạn có thể phần nào tự an ủi vì khả năng cảm nhận được nỗi đau này có thể được sinh ra để giúp chúng ta tồn tại.