12 lần quặn thắt ruột gan tự tay chôn con
Sau một quãng đường dài, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Đức Địu ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ngày chúng tôi đến, trời Quảng Bình nắng gắt chói chang, cô con gái út Đỗ Thị Nga (1994) bị lên cơn đau đầu dữ dội.
Có lẽ, những ai từng chứng kiến, từng nghe ông Địu kể chuyện về cuộc đời, về 12 người con thay nhau về với cát bụi đều không thể cầm lòng. Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau nó để lại cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình Việt Nam trong đó có gia đình ông Địu là quá lớn. Vợ chồng ông có tới 15 người con sinh ra đều mang trên mình di chứng của chất độc da cam, trong đó 12 người con đã chết.
Đưa ánh mắt hướng về phía xa xăm, ông Địu nhớ về quá khứ: “Năm 1972, tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Khi ấy, quân đoàn của tôi chiến đấu chủ yếu là ở vùng rừng núi huyện A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong một lần hành quân, máy bay Mỹ từ đâu bay tới rồi rải chất độc trắng xóa cả một vùng trời”.
Ba năm sau, trong một lần về quê nghỉ phép, gia đình thấy ông đã trưởng thành bèn bàn nhau mai mối cho ông gặp cô TNXP Phạm Thị Nức, là người cùng làng. Đám cưới được ít ngày, ông Địu lại lên đường quay vào chiến trường tiếp tục chiến đấu.
Sau ngày giải phóng, ông được điều về công tác ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong thời gian này, ông như vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận tin vợ có thai. Cứ như vậy, chín tháng mười ngày, ông bà mong ngóng, chờ đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Nhưng niềm vui ngắn chằng tày gang, đứa con trai khôi ngô, kháu khỉnh chào đời được 3 tháng thì phát bệnh vàng da, đầu sưng phù nề to lên một cách bất thường rồi mất.
Ông Địu đau đớn khi hồi tưởng về quá khứ và sự ra đi của 12 người con
Nỗi đau như được bù đắp khi ông hay tin vợ có bầu lần thứ hai. Cũng may, đứa con gái thứ hai là Đỗ Thị Bình ra đời và lớn lên khỏe mạnh, đáng yêu. Năm 1983, nghe tin vợ mang bầu lần thứ ba, ông Địu vui như mở cờ trong bụng nhưng rồi tai họa ở đâu lại ập tới khiến đứa con trai mới sinh vài tuần tuổi bỗng nhiên cũng phát bệnh với những triệu chứng giống hệt đứa con đầu. Cuối cùng, người con ấy cũng bỏ ông bà về với cát bụi.
Cứ như vậy, những đứa con lần lượt sinh ra rồi mất đi, để lại cho vợ chồng ông Địu nỗi đau đớn tuột cùng: “Sau sự ra đi liên tiếp của các con, quá đau đớn, vợ tui như hóa điên, hóa dại. Nghĩ về con, suốt ngày bà ủ rũ không ăn uống, người như một cái xác vô hồn, rồi có lúc lại chạy thẳng ra đường la hét, khóc than”.
“Có lần nhận thấy sức khỏe cạn kiệt, mặc dù không muốn nhưng tôi vẫn bấm bụng nói với ông ấy là tìm một người phụ nữ khác rồi nhờ người ta sinh con trai cho ông. Nghe vợ nói như vậy, ông nhất định phản đối”, bà Nức tâm sự.
Thấy chồng một mực thương vợ, thương con nên khi sức khỏe dần ổn định, bà Nức dấu ông Địu mang thai đứa con thứ năm. Một lần nữa, nỗi đau lại ập đến khi cái thai mới được 6 tháng thì bị hỏng.
Nỗi đau dai dẳng
Chỉ nghĩ đến các con, vợ chồng ông Địu lại đau đớn tựa ngàn mũi kim đâm vào ruột gan. Từ ngày các con thay nhau ra đi, ông bà chưa một đêm ngon giấc, tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ cứ như vậy mà ám ảnh đến từng miếng ăn, giấc ngủ.
Cho đến năm 1988, gắng gượng mãi, ông bà cũng sinh được một bé gái đặt tên là Đỗ Thị Hằng. Hằng lớn lên một cách bình thường, chăm ngoan, học giỏi, đàn hát rất hay nên được ông bà một mực cưng chiều, xem cô như là niềm an ủi cuối đời. Nhưng ai ngờ đâu, trong một giờ học cuối cấp, Hằng bỗng nhiên đổ bệnh, lên cơn co giật liên hồi. Từ cô gái lành lặn, khỏe mạnh Hằng trở nên ốm yếu, chân tay co quắp, từng ngày, từng giờ phải vật lộn hết cơn đau này tới cơn đau khác.
Những năm sau đó, ông bà vẫn gắng gượng để sinh một đứa con lành lặn, nhưng cứ đứa này sinh ra, đứa khác lại bỏ ông bà mà đi. Cho đến năm 1994, một bé gái chào đời mang hình hài dị tật, chân tay co quắp, bại liệt và thiểu năng trí tuệ, ông đặt tên con là Đỗ Thị Nga. Một năm sau, ông xin cắp phép về đưa Nga đi chữa bệnh. Ông Địu ngã quỵ khi nghe bác sỹ đọc kết luận bệnh án, Nga bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc màu da cam.
Giọng ông Địu trầm lại: “Nếu như tôi biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam thì tôi đã chẳng để bà ấy sinh nhiều con như vậy. Tôi thấy mình có lỗi với vợ và các con vô cùng”.
Bây giờ cuộc sống của ông bà luôn bận rộn với 2 cô con gái, Đỗ Thị Hằng và Đỗ Thị Nga. Riêng con gái Đỗ Thị Bình đã lập gia đình và có 2 người con khỏe mạnh. Những năm gần đây, chị Bình thi thoảng lên cơn đau đầu dữ dội khiến ông bà lo lắng, bất an.
Mặc dù đã 21 tuổi nhưng tâm hồn, tính cách của Nga vẫn như một đứa trẻ
Năm 2003, Hằng đổ bệnh nặng hơn, sau nhiều năm chạy chữa cho Hằng, ông Địu chấp nhận gửi Hằng ra làng chất độc da cam Hữu Nghị - Hà Nội nuôi dưỡng. Đỗ Thị Nga, đứa con gái thứ 3 tuy đã 21 tuổi nhưng Nga vẫn như một đứa bé. Chân tay co quắp khiến Nga đi lại rất khó khăn. Mỗi ngày động trời, em liên tục kêu khóc, có lúc lại cười khanh khách.
12 người con, tự tay ông Địu chôn cất trong những ụ đất nhỏ. Năm 2007, được bạn bè chung sức giúp đỡ, ông xây thành một cái lăng trên đồi cát sau nhà. Những đứa con của ông, đứa thì vừa sinh ra đã chết, đứa thì mới được 2,3 ngày thậm chí có đứa còn chưa kịp sinh ra nên ông không đặt tên mà chỉ đánh số thứ tự từ 1 đến 12.
Dù cuộc sống không mỉm cười với vợ chồng già, nhưng trong tâm thức của ông Địu, nghị lực của người lính năm nào vẫn rất phi thường. Vậy nhưng, một câu hỏi không lời đáp vẫn luôn đeo đuổi trong suy nghĩ của người cha, người chồng bất hạnh: Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau phải gánh chịu giữa thời bình đến bao giờ mới thể nguôi ngoai?