Nơi con người chung sống với linh cẩu

GD&TĐ - Linh cẩu được biết đến là loài động vật hung dữ, thường bắt và ăn thịt trẻ em ở châu Phi cận Sahara.

Người dân Harar, Ethiopia, cho linh cẩu ăn bằng que kẹp.
Người dân Harar, Ethiopia, cho linh cẩu ăn bằng que kẹp.

Tuy nhiên, với người dân thành phố Harar (Ethiopia), chúng là “nhân viên vệ sinh” giúp nơi đây sạch đẹp hơn.

Kích cầu du lịch

Những con linh cẩu tập trung thành đàn khi màn đêm buông xuống thành phố Harar. Loài vật này dạn dĩ xuất hiện từ sớm và lang thang xung quanh thành phố, không e ngại tiếng kèn ầm ĩ phát ra từ các đền thờ gọi người dân đến cầu nguyện.

Cùng lúc đó, anh Abbas Yusuf, sống tại thành phố Harar, còn được biết đến với tên gọi Hyena Man (Người chăn linh cẩu) tiến gần đến bên hàng chục con linh cẩu. Chúng đã chờ sẵn trong bóng tối nhập nhoạng.

Người đàn ông huýt sáo và vứt ra vài miếng thịt để thu hút sự chú ý của lũ linh cẩu. Sau đó, anh ta dùng miệng giữ một que dài kẹp thịt rồi khéo léo đút cho linh cẩu. Khi khác, anh cho chúng ăn bằng tay không.

Khi đám linh cẩu đã tập trung quanh Abbas, anh hướng dẫn một nhóm du khách lần lượt cho linh cẩu ăn bằng thịt treo ở đầu que dài. Bằng giọng nói bình tĩnh, anh hướng dẫn khách du lịch: “Không vấn đề gì, đừng lo lắng. Hãy hành động như một con sư tử”.

Abbas học cách thuần phục linh cẩu từ ông Yusuf Mume Salleh, người đã cho chúng ăn suốt 45 năm trước khi truyền lại công việc này cho con trai từ 13 năm trước.

Việc cho linh cẩu ăn tại Harar đã thu hút những khách du lịch hiếu kỳ và trở thành hoạt động du lịch độc đáo của thành phố. Giờ đây, nhiều người đàn ông giống như Abbas đang thuần phục linh cẩu và biến chúng thành vật nuôi.

“Linh cẩu chưa bao giờ tấn công người dân Harar từ khi cha tôi bắt đầu cho chúng ăn, trừ khi bạn làm hại con của chúng. Cha tôi cảm thấy vui vì tôi đã tiếp nối công việc ý nghĩa của ông và tôi sẽ truyền lại cho con cháu khi tôi già đi”, anh Abbas nói.

Hiện nay, Abbas nuôi một con linh cẩu con trong nhà. Nó thường xuyên được vào phòng ngủ nhưng Abbas không bao giờ lo sẽ bị nó cắn trong lúc ngủ.

Ở Ethiopia và nhiều khu vực khác tại châu Phi cận Sahara, linh cẩu là loài đáng sợ và chịu “điều tiếng”. Các chương trình tin tức thường đăng tải thông tin về việc chúng bắt trộm trẻ sơ sinh. Còn trong văn hóa dân gian của vùng cao nguyen Ethiopia, những người có đôi mắt dữ dằn sẽ biến thành linh cẩu vào ban đêm và tấn công hàng xóm.

Trên khắp châu Phi, linh cẩu và con người thường xuyên xung đột, đặc biệt khi các khu dân cư mở rộng. Loài động vật ăn thịt này giết người và số lượng lớn gia súc. Chúng thường bị đầu độc và giết chết bởi con người trong các cuộc tấn công trả đũa. Trong các loài linh cẩu, linh cẩu đốm mang tiếng xấu nặng đến mức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) coi phục hồi hình ảnh của chúng là ưu tiên bảo tồn loài.

Linh cẩu đi lại trong thành phố Ethiopia vào xế chiều.

Linh cẩu đi lại trong thành phố Ethiopia vào xế chiều.

“Lao công” của thành phố

Trái ngược với số đông, tại Harar, thành phố phía Đông Ethiopia được bao quanh bởi những bức tường kiên cố, sự hiện diện của linh cẩu không chỉ được chấp nhận, mà còn khuyến khích. Theo ông Ahmed Zekaria, học giả, giữa linh cẩu và người dân Harar có lịch sử chung sống hòa bình. Thành phố được xây dựng để chứa chấp chúng.

Trong khi linh cẩu nâu và sọc được xếp vào danh sách “gần bị đe dọa” thì linh cẩu đốm không nằm trong đó. Nhưng số lượng của chúng đang suy giảm. Khi xung đột giữa con người và động vật hoang dã ngày càng gia tăng, môi trường sống bị thu hẹp, câu hỏi làm thế nào các cộng đồng có thể chung sống với những kẻ săn mồi lớn càng trở nên cấp bách.

Ở Harar, linh cẩu giống như “nhân viên xử lý rác thải” trong thành phố. Chúng xuất hiện vào ban đêm thông qua “cửa linh cẩu” được xây trên tường thành và ăn thức ăn thừa vứt trên đường phố.

Ông Anisa Mohammed, 32 tuổi, cho biết: “Linh cẩu là món quà của thiên nhiên giúp dọn dẹp thành phố. Nếu không có chúng, thành phố sẽ trở nên bẩn thỉu, mất vệ sinh”.

Abbas là một trong những người thân thiết với bầy linh cẩu trong thành phố. Mối quan hệ giữa Abbas và linh cẩu rất gắn bó. Anh đặt tên cho bọn chúng tùy theo hành vi và ngoại hình. Ví dụ, “qallaa” nghĩa là gầy, “tuqan diii” nghĩa là lười biếng, “dabbassoo” nghĩa là rậm rạp.

Dù phần lớn thành viên trong bầy còn cẩn trọng nên không ăn trực tiếp từ tay Abbas thì những con linh cẩu thân thiết thường xuyên đến nhà anh. “Tôi cho chúng ăn mỗi tối dù có khách du lịch hay không”, Abbas nói thêm.

Một trong những con linh cẩu mà Abbas yêu quý là con cái lớn tuổi tên Chaltu. Vài tháng trước, nó lang thang vào một tòa nhà văn phòng trong thành phố và bị bảo vệ dùng gậy đánh đập. Hay tin, Abbas lập tức đặt xe cứu thương và đưa nó về nhà chăm sóc cho đến khi Chaltu khỏe lại. Tuy nhiên, Chaltu đã không qua khỏi. Đối với Abbas, anh như mất một thành viên trong gia đình.

Mối quan hệ gắn bó giữa người dân Harar và linh cẩu còn dựa trên niềm tin rằng linh cẩu sẽ bảo vệ con người khỏi những linh hồn xấu, còn gọi là djinn. Cả Abbas và cha anh đều tin rằng vào ban đêm, linh cẩu sẽ ăn djinn. Nếu không có linh cẩu, djinn sẽ giở trò với người dân thành phố.

Tương tự, anh Adil Abubaker, làm nghề dệt, cho biết: “Chúng tôi cần linh cẩu trong thành phố vì chúng có sức mạnh để ngăn chặn djinn. Djinn không thể thâm nhập vào thành phố nếu có linh cẩu. Chúng tôi cho linh cẩu ăn, đổi lại, chúng bảo vệ chúng tôi khỏi những linh hồn ác”.

Trong văn hóa dân gian Harari, linh cẩu là phương tiện để con người giao tiếp với các vị thánh. Vì vậy, người dân địa phương gọi chúng là “waraba”, hay người đưa tin. Những tín ngưỡng trên có thể bắt nguồn từ việc linh cẩu sở hữu giác quan nhạy bén.

Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy du lịch, Chính phủ Ethiopia rất quan tâm đến việc khai thác quan hệ giữa Abbas và linh cẩu. Hiện nay, anh cho chúng ăn ở một bãi đất bỏ hoang nhưng nơi này sẽ sớm được thay thế bằng một công viên sinh thái 2,5 triệu USG gồm cửa hàng, quán cafe, bảo tàng.

Giới chức Ethiopia hi vọng công trình mới sẽ giúp thu hút nhiều khách du lịch đến với Harar. Tuy nhiên, dự án có thể đe dọa mối quan hệ giữa thành phố với những con linh cẩu. Việc xây dựng và vận hành công trình mới có thể phá hủy hoặc chặn nhiều tuyến đường mà linh cẩu sử dụng để di chuyển trong thành phố.

Theo Reuters, TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.