Nơi cờ Đảng tung bay trên cây gạo quê hương “thầy giáo Hoài”

GD&TĐ - Năm 1929, lần đầu tiên tại Hà Nam lá cờ Đảng tung bay trên ngọn cây gạo trước đình Lũng Xuyên – quê hương của “thầy giáo Hoài”.

Cây gạo cổ thụ tại đình Lũng Xuyên – nơi lá cờ Đảng tung bay năm 1929.
Cây gạo cổ thụ tại đình Lũng Xuyên – nơi lá cờ Đảng tung bay năm 1929.

“Thầy giáo Hoài” là biệt danh của nhà cách mạng kiên trung Nguyễn Hữu Tiến – tác giả Quốc kỳ Việt Nam. Ngôi đình cổ thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên - Hà Nam) gắn liền với lịch sử oai hùng khi thành lập Đảng và khởi nghĩa giành chính quyền.

Dấu mốc năm 1929

Lũng Xuyên là một làng cổ, và ngôi đình giữa làng được người dân nơi đây dựng  thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, con sông Châu chảy qua địa phận Lũng Xuyên là con đường thủy mà Lý Thường Kiệt cùng các chiến binh của ông thường qua lại khi đóng quân ở vùng Thịnh Châu Hạ và An Xá.

Trong các lần tuần binh qua, ông và quân sĩ đã có lần nghỉ tại đây. Xung quanh làng Lũng Xuyên còn thấy có nhiều các gò đống, tương truyền đây là nơi để buộc thuyền chiến và để đồ dùng của các đạo quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Nhân dân địa phương cho rằng, Lý Thường Kiệt đã từ Thăng Long, theo sông Hồng, vào sông Châu (có nghỉ lại Lũng Xuyên), rồi ra sông Đáy.

Hiện nay, tại đình vẫn còn nhiều bài văn tế ca ngợi công lao, nhân đức của Thái úy, ở hai cung còn có hàng chữ khắc trên xà ngang của vì kèo thứ nhất giáp với tiền đường “Phát Tống bình Chiêm, an dân muôn thuở” chính là để ngợi ca công lao to lớn của ông đối với đất nước.

Không chỉ là một ngôi đình cổ gắn liền với truyền thuyết về danh tướng Lý Thường Kiệt, Lũng Xuyên còn là quê hương của “thầy giáo Hoài” Nguyễn Hữu Tiến – nơi khởi phát phong trào cách mạng của tỉnh Hà Nam. Nơi đây đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, trong những năm chuẩn bị thành lập Đảng cũng như khi khởi nghĩa giành chính quyền.

Sự kiện lịch sử trọng đại nhất là tại đình Lũng Xuyên năm 1927 đã chứng kiến một cuộc họp thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Đồng chí Trần Tử Yến thay mặt Kỳ bộ Bắc Kỳ công nhận Chi bộ Hà Nam gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Văn Uyển và Trần Tử Yến là đảng viên của chi bộ.

Sau sự kiện lịch sử trọng đại này, nhiều tổ chức quần chúng như Hội tương thế, Hội hỷ, Hội bóng đá được thành lập thu hút hầu hết thanh niên ở Lũng Xuyên tham gia thường xuyên tổ chức sinh hoạt tại đình làng.

Tại đình làng, nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đã lấy nơi đây để dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ em và phụ nữ với biệt danh là giáo Hoài.

Tháng 11/1929, tại đây đã tổ chức thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Cũng trong thời gian này, người dân lần đầu tiên chứng kiến cờ đỏ búa liềm của Đảng tung bay trên ngọn cây gạo cổ thụ trước đình.

Cùng với đình Lũng Xuyên, các cơ sở khác trong thôn đã ghi những dấu ấn trong thời kỳ Đảng ra đời. Năm 1931, Lũng Xuyên trở thành cơ sở cách mạng của Hà Nam và là cơ sở an toàn để cán bộ Xứ ủy qua lại trong các hoạt động quan trọng.

Thời kỳ đó, cơ quan ấn loát của Đảng được đặt tại nhà thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến. Hậu cung đình Lũng Xuyên là nơi cất giấu tài liệu, hai bên dải vũ tổ chức cắt bán thuốc bắc để làm nơi theo dõi nắm bắt tình hình địch và cũng là làm kinh tế để lấy tiền hoạt động.

Người vẽ cờ thiêng Tổ quốc

Chân dung tác giả Quốc kỳ do nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Quốc ca vẽ.

Chân dung tác giả Quốc kỳ do nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Quốc ca vẽ.

Năm 1930, Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hà Nam được thành lập gồm 7 người. Sau hơn một năm hoạt động, do Nghiêm Thượng Biền phản bội, hầu hết các nhà cách mạng trong Thượng vụ Xứ ủy Bắc Kỳ bị bắt. Thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến cũng sa lưới mật thám Pháp.

Trong nhà lao, Đờ-loóc là chánh thanh tra mật thám Nam Định đã tra tấn Nguyễn Hữu Tiến đến vỡ cả bánh chè đầu gối chân phải. Năm 1932 trước tòa Thượng thẩm phiên xử tỉnh Hà Nam, Chủ tọa phiên tòa là chánh án Mooc-sê, dự thẩm là Ve-rông và Vũ Ngọc Hoánh, biện lý là Duy-ranh-giê đã cùng nhau kết án Nguyễn Hữu Tiến khổ sai chung thân.

Từ nhà tù Sơn La, Nguyễn Hữu Tiến và 150 người tù khác như Lê Duẩn, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô... bị thực dân Pháp cho liệt vào hàng nguy hiểm nên bị đày ra Côn Đảo.

Tháng 4/1935, Đảng bộ Côn Đảo lại quyết định chọn cử bảy đồng chí vượt biển trở về đất liền hoạt động: Tôn Đức Thắng, Trần Quang Tặng, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Nguyễn Văn Cọng, Minh Thẹo và Nguyễn Hữu Tiến.

Sau khi vượt ngục thành công về đất liền, với tên gọi Hai Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Tiến được Xứ ủy Nam Kỳ giao phụ trách liên tỉnh Đảng bộ Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá.

Trước ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940) là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách cơ quan ấn loát truyền đơn lời kêu gọi của Đảng và báo Tiến Lên, Nguyễn Hữu Tiến đã thửa một lá cờ đỏ, đính ngôi sao vàng năm cánh chính giữa và lời giải thích: Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi.

Anh hùng trở về quê hương

Từ Lũng Xuyên, ngọn lửa yêu nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm với những trận đánh làm quân thù khiếp sợ, cũng như tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng, vùng đất Lũng Xuyên luôn được coi như điểm tựa cho phong trào đấu tranh ở các tỉnh Hà – Nam – Ninh.

Hiện nay, ngôi đình Lũng Xuyên - nơi mà xưa kia là điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Nam, cũng là nơi cờ đỏ sao vàng phấp phới bay giữa những bom đạn của những cuộc đàn áp mà Pháp tổ chức vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Cây gạo cổ thụ - nơi lá cờ Đảng tung bay năm 1929 vẫn tươi tốt, trở thành một “nhân chứng” hùng hồn của lịch sử.

Ông Nguyễn Xuân Goòng, Bí thư Chi bộ Lũng Xuyên, bảo: “Đình vẫn còn đó, cây gạo cổ thụ để cắm lá cờ trên ngọn cũng còn. Cách đây không xa, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến cũng đã được quy tập về. Hôm làm lễ truy điệu, nhân dân Lũng Xuyên đến đủ hết, không thiếu một ai”.

Người anh em thúc bá với liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, ông Nguyễn Xuân Tửu đưa cho khách xem một tập hồ sơ dày cộm về vụ thực dân Pháp kết án tử hình tác giả vẽ Quốc kỳ. Trong đó có thông tri tối mật số 4685-S năm 1940, thông báo về tin tình báo của cảnh sát đặc nhiệm Sài Gòn về hoạt động của Nguyễn Thị Minh Khai và Trương Xuân Chinh (tức Nguyễn Hữu Tiến).

Không lâu sau, tác giả vẽ cờ Tổ quốc bị Pháp kết án và xử tử. Bao nhiêu năm ròng lưu lạc xa cách quê hương, năm 2012, hài cốt của liệt sĩ được đưa về Lũng Xuyên. Mộ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến được đặt giữa nghĩa trang xã Yên Bắc thể hiện sự tri ân sâu sắc đến người anh hùng.

Theo ông Tửu, hai cụ kết hôn với nhau và sinh được hai người con. Người con cả là Nguyễn Hữu Bộ mất năm 16 tuổi, còn lại người con gái là Nguyễn Thị Xu. Từ khi nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến bị Pháp xử tử, cụ Nguyễn Thị Hào và người con gái vò võ nuôi nhau. Khi còn sống, niềm mong mỏi lớn nhất của cụ Hào là tìm được mộ của người chồng. Thế nhưng, bà cụ đã không thể chờ đợi được giây phút ấy, cụ mất năm 1995.

Sau khi tác giả vẽ cờ Tổ quốc Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử tử, chúng tịch thu luôn cả ngôi nhà tại Lũng Xuyên mà gia đình ông đang ở để bán đấu giá. Mãi đến năm 1993, chính quyền tỉnh Hà Nam quyết định xây dựng nhà lưu niệm người vẽ cờ Tổ quốc trên nền đất của ngôi nhà cũ.

Một trong những kỷ vật quý trong ngôi nhà lưu niệm ấy chính là bức tranh do Văn Cao - tác giả Quốc ca vẽ đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Đó là vào khoảng năm 1987, khi đình Lũng Xuyên được Nhà nước thưởng kỉ niệm chương. Nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng cùng trong đoàn đã về Lũng Xuyên.

Nhạc sĩ Văn Cao bảo với mọi người: Tôi không biết chân dung ông Nguyễn Hữu Tiến như thế nào. Tôi cũng chẳng có cơ hội để gặp gỡ hay trò chuyện gì cả. Nhưng nhờ vào lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa làn đạn của kẻ thù mà tôi viết được Quốc ca, thế là tôi tưởng tượng ra chân dung ông Tiến để vẽ và tặng lại cho gia đình.

Để mường tượng về khuôn mặt người cha, người ông trong gia đình, con cháu nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến đều dựa vào bức tranh cho Văn Cao vẽ. Hoặc dựa vào sự lột tả của nhà văn Sơn Tùng trong một cuốn sách viết về tác giả Quốc kỳ Nguyễn Hữu Tiến. Đó là những tư liệu quý báu mà gia đình đang giữ gìn rất cẩn thận.

Chợt nhớ Hà Nội đã có đường Văn Cao - tác giả Quốc ca, nhưng chưa có đường phố mang tên Nguyễn Hữu Tiến - tác giả Quốc kỳ. Có khi nào, đường phố mang tên Nguyễn Hữu Tiến sẽ được đặt gần đường Văn Cao để lớp trẻ hiểu hơn về lịch sử, về hành trình ra đời của Quốc kỳ - cũng như biết về cuộc đời oanh liệt của “thầy giáo Hoài” anh hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.