Nói chuyện giới tính với con nhưng không biết bắt đầu từ đâu

Nói chuyện giới tính với con nhưng không biết bắt đầu từ đâu

(GD&TĐ) - Mahatma Gandhi từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Câu nói ấy cho thấy  tầm quan trọng của cha mẹ, của gia đình trong việc giáo dục con cái nói chung trong đó có giáo dục giới tính. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều bậc cha mẹ còn cho rằng giáo dục giới tính là chuyện tế nhị, đến tuổi thì con tự biết. Cũng có người muốn nói chuyện với con về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào.

Không thể nói chuyện với con vì thiếu kiến thức

Cũng như nhiều bà mẹ khác, chị Cù Thị Bé (Ý Yên, Nam Định) dù rất muốn nói chuyện với hai cô con gái ở tuổi trưởng thành về vấn đề của phụ nữ nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Theo chị Bé, rào cản khiến mẹ - con không thể nói chuyện với nhau do kiến thức của chị về sức khỏe sinh sản, tình dục cũng rất… hạn hẹp. “Ngày nhỏ khi hỏi mẹ những vấn đề tế nhị, tôi luôn nhận được câu trả lời “trẻ ranh, đấy là chuyện của người lớn” nên tôi luôn tâm niệm lớn lên sẽ biết. Nhưng khi lớn lên, đến lúc lấy chồng, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho những thắc mắc về giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục”, chị Bé tâm sự.

Ông Trần Văn Ba (Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: Đặc thù của người dân tộc Sán Dìu lâu nay là “trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên mọi đứa trẻ sinh ra, lớn lên, tự tìm hiểu những gì chúng cho là cần thiết. Vì vậy, việc nói chuyện với con về giới tính, sức khỏe sinh sản là điều xa vời, chưa ai nghĩ tới.  Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (Bình Chánh, TPHCM) đã nổi nóng, quát mắng con khi chúng hỏi về những vấn đề “tế nhị” trên. Theo chị Linh, việc nói cho trẻ những từ hôn, quan hệ tình dục chẳng khác nào cho chúng biết sớm về những vấn đề trên, khiến chúng tò mò và muốn thử nghiệm. Do vậy, không nói đến hoặc nói qua loa sẽ tốt cho trẻ hơn.

v
Giáo dục giới tính phải bắt đầu từ cha mẹ

Bắt đầu từ cha mẹ

Theo GĐ Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển Phạm Kim Ngọc, việc không bao giờ trao đổi với các em về những vấn đề liên quan đến giới tính hoặc là trả lời qua loa chiếu lệ cho xong chuyện rồi lảng sang chủ đề khác lại càng làm cho chúng tò mò, muốn khám phá. Vì vậy, cách tốt nhất là đưa ra thảo luận công khai, giúp trẻ nhận ra mặt trái và mặt phải của vấn đề. Những trẻ được cha mẹ quan tâm chỉ dạy về vấn đề này sẽ dễ dàng bộc bạch với cha mẹ những sự thể mà chúng gặp, giúp chúng giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra.

Cũng theo bà Ngọc, để con có nhận thức đầy đủ về giới tính, cha mẹ nên gần gũi con, thường xuyên lắng nghe những tâm tư, tình cảm của con hay những thay đổi bất thường về tâm lý, sinh lý trong con. Cha mẹ nhất định phải trở thành những người bạn tin cậy đầu tiên để con có thể chia sẻ tất cả những thay đổi đó.

Tuy nhiên, để làm được điều trên, bản thân cha mẹ phải tự trau dồi kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản cho bản thân. Chị Cù Thị Bé cho biết: Khi được hội phụ nữ mời tham gia câu lạc bộ sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và phòng chống bạo lực gia đình, tôi vỡ ra được nhiều điều. “Có thể nói, người được hưởng lợi chính là bản thân bởi những khúc mắc từ bé về vấn đề được coi là tế nhị đến nay mới được tháo gỡ”, chị Bé chia sẻ.

Với việc tham gia câu lạc bộ, chị Bé không còn bị áp lực phải sinh con trai. Còn các vấn đề trước kia chỉ nghĩ đến đã thấy xấu hổ nay được các thành viên trong gia đình chị trao đổi thoải mái, coi đó là việc tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày. Anh Trần Trung Thi (Bình Chánh, TPHCM) cũng tâm đắc với những kiến thức khi tham gia câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình do địa phương tổ chức. “Với kiến thức được học, gia đình tôi bớt đi bạo lực, nuôi dạy con cái tốt hơn, bản thân tôi biết tạo điều kiện cho vợ mình làm vợ, làm mẹ. Cha mẹ, con cái có thể sẻ chia những khó khăn, thắc mắc trong cuộc sống”, anh Thi trao đổi.

Hoài Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.