Nỗi buồn kho báu Malagana

GD&TĐ - Cuối năm 1992, Colombia (Nam Mỹ) rộ tin có vàng chôn dưới cánh đồng ở Hacienda Malagana.

Một số hiện vật Malagana được 'cứu' nhờ mua lại từ tay kẻ cướp mộ. Ảnh: Ancient-origins.net
Một số hiện vật Malagana được 'cứu' nhờ mua lại từ tay kẻ cướp mộ. Ảnh: Ancient-origins.net

Chỉ trong vòng 2 tháng, khoảng 5 nghìn người đổ đến đây, đào bới và cướp đi ước tính 4 tấn cổ vật bằng vàng thuộc Văn hóa Calima (200 TCN - 400).

Vụ cướp phá quy mô nhất

Thế kỷ XX, Hacienda Malagana là cánh đồng mía tươi tốt nằm trong thung lũng sông Cauca (Palmira, Tây Colombia) màu mỡ. Vào ngày bình thường năm 1992, một nông dân đang lái máy kéo trên phần đất của mình thì đột ngột bị sụt xuống hố.

Trong lúc khổ sở tìm cách đưa chiếc xe hạng nặng lên, người này chợt thấy có thứ gì đó nhẵn bóng ẩn dưới lòng hố. Anh ta bới đất và phát hiện ngôi mộ cổ. Thay vì thông báo cho chính quyền, người này âm thầm lấy các đồ vật bằng vàng, vụng trộm đem bán.

Chẳng bao lâu, việc làm của anh ta bị phát giác. Toàn Malagana đồn ầm lên rằng, dưới chân cánh đồng mía là kho vàng. Rất nhanh, tin đồn này lan ra khắp Colombia, hình thành “cơn sốt vàng Malagana”.

Chỉ từ tháng 10 - 12/1992, cánh đồng mía Malagana bị khoảng 5 nghìn người lật tung. Họ đào phá không thương tiếc, bới ra hàng trăm ngôi mộ và vơ vét sạch các tạo tác bằng vàng.

Ước tính, khoảng 4 tấn cổ vật làm bằng vàng đã bị moi ra khỏi lòng đất. Tất cả đều bị chuyển đi nơi khác, nấu chảy hoặc để nguyên bán lấy tiền. Cuộc đào bới cũng nảy sinh tranh giành, dẫn tới bạo lực và khiến ít nhất một người tử thương.

Tháng 1/1993, giới chức Colombia mới điều động nhân sự tới Malagana. Các đối tượng săn vàng không để cảnh sát phát hiện, tiếp tục cày xới lòng đất, cướp bóc và gây gổ với nhau.

Đến tháng 3, hai tổ chức khảo cổ ở Colombia là INCIVA và ICAN vào cuộc, nhưng phải bỏ ngang vì tệ nạn cướp phá hoành hành. Sang năm 1994, khi Malagana đã trống rỗng vàng, họ mới có thể tiếp cận.

Cuối năm 1992, Malagana nườm nượp người đào vàng. Ảnh: Ancient-origins.net

Cuối năm 1992, Malagana nườm nượp người đào vàng. Ảnh: Ancient-origins.net

Văn hóa Calima

Trong lần đầu tiên khai quật kho báu Malagana, các nhà khảo cổ Colombia chỉ kiểm tra khu vực được vài ngày. Với thời gian ngắn, họ kiểm tra 3 ngôi mộ, “mót” được 2 hột vàng và một bình gốm bị những kẻ cướp mộ bỏ sót.

Từ 3 hiện vật này, người ta phân tích phóng xạ carbon, thấy chúng thuộc khoảng năm 70 SCN. Cuối năm 1994, hoạt động khai quật chính thức đi vào guồng. Vì cánh đồng Malagana đã bị đào rỗng, các nhà khảo cổ tiến tới khu tàn tích dân cư cùng thời, cách đó tầm 500m.

Cuối cuộc khai quật, người ta báo cáo phát hiện tổng cộng 17 ngôi mộ. Chúng thuộc về 4 giai đoạn Proto-Llama, Llama, Malagana, Sonsoid và 4 tộc người Llamas, Yotoco, Sonso, Malagana. Hacienda Malagana có lẽ đã từng là khu phức hợp dân cư. Sự kết hợp và giao thoa giữa 4 tộc người của nó tạo nên Văn hóa Calima.

Calima thuộc thời kỳ tiền Colombia, bắt đầu từ khoảng năm 200 TCN, kéo dài đến năm 400 SCN, có đặc trưng là xã hội nông nghiệp - gốm - luyện kim. Mặc dù nổi tiếng nhờ “kho báu vàng”, Malagana thời cổ đại là vùng đất của những thợ gốm lành nghề nhất. Họ chế tác đa dạng sản phẩm gốm, chủ yếu là sứ trắng, bao gồm bình lớn, bình vòi đôi, sáo, kèn…

Tạo tác vàng thú vị nhất mà các nhà khảo cổ tìm được có lẽ là nhíp nghi lễ, dùng để nhổ râu, được làm rất công phu. Văn hóa tín ngưỡng tiền Colombia yêu cầu nam giới tầng lớp thống trị, tu hành phải nhổ sạch râu trước khi tham dự nghi lễ. Rất có khả năng, nam giới bình dân cũng phải tuân thủ giáo lễ này vì họ chỉ được sử dụng các kiểu nhíp dân dã tự làm, dễ mục nên không để lại hiện vật.

Nỗ lực thu hồi

Nhíp nghi lễ bằng vàng, dùng nhổ râu của người Malagana cổ đại. Ảnh: Ancient-origins.net

Nhíp nghi lễ bằng vàng, dùng nhổ râu của người Malagana cổ đại. Ảnh: Ancient-origins.net

Cùng thời điểm “cơn sốt vàng Malagana”, các cổ vật vàng Malagana có mặt trong “chợ đen” Colombia.

Bogotá là người đầu tiên ở Bảo tàng Vàng để ý thấy và lập tức tìm mua. Động thái của họ vấp phải chỉ trích lớn, vì nó góp phần thúc đẩy nạn cướp phá khu di tích, điểm khai quật.

Có điều, Colombia cũng không còn cách nào cứu vãn kho báu Malagana ngoài hy vọng tìm mua các hiện vật chưa bị nấu chảy. Bảo tàng Vàng phát động “chiến dịch thu hồi cổ vật Malagana”, mua lại được hơn 150 tạo tác vàng Malagana, tiêu tốn tổng cộng 500 triệu peso (tiền Colombia).

Nhờ sự giúp đỡ của Bảo tàng Vàng, khảo cổ Colombia phục dựng thành công một ngôi mộ Malagana cổ có hình chữ nhật, sâu khoảng 3m, nền lát đá phiến granit trắng, tường ốp đá tròn.

Thi thể người chết được đặt nằm ngửa trên sàn mộ, mặt đắp 3 lớp mặt nạ vàng, cổ đeo dây cườm đá màu, vỏ sò đỏ, chuỗi hạt vàng, chân có miếng vàng đậy kín.

Khoảng trống trên đầu thi thể đặt 2 tạo tác gốm, bát 4 chân và bình 2 vòi. Bên trên thi thể xếp từ 50 - 100 phiến đá nhiều kích cỡ, trên cùng là sỏi, cát và phù sa sông Cauca có lẫn vụn vàng.

Hiện, người quan tâm có thể chiêm ngưỡng các cổ vật Malagana còn sót lại tại Bảo tàng Vàng. Ngoài ra, bảo tàng này còn nhiều tạo tác Colombia cổ khác, tổng cộng khoảng 55 nghìn hiện vật.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ